Ông cho rằng, về hưu là theo quy định của Nhà nước chứ không phải nghỉ cống hiến, bởi khi đã đi theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ thì phải luôn hướng đến mục tiêu cao nhất là vì quyền và lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân; lý tưởng cao cả này đòi hỏi phấn đấu cả cuộc đời.
Miệt mài tìm kiếm, xác minh thông tin liệt sĩ
Cuộc hẹn của chúng tôi với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước bị hoãn tới hai lần vì ông vừa có chuyến hành trình về thăm lại đồng đội cũ tại chiến trường Tây Nguyên. Chuyến đi khiến vị tướng già bị cảm lạnh sau những ngày thời tiết thay đổi, nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, giọng ông vẫn sang sảng, ánh mắt chan chứa niềm vui khi kể về cuộc đời binh nghiệp, về ân tình ông dành cho đồng đội, đồng chí của mình.
Tham gia hoạt động cách mạng từ tháng 4/1945, sau Cách mạng Tháng Tám, ông vào quân ngũ. Cuộc đời ông trải qua hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. “Trong kháng chiến chống Pháp, tôi hoạt động trên chiến trường Bình Trị Thiên và nước bạn Lào. Chống Mỹ thì trọn vẹn 10 năm trên chiến trường Tây Nguyên. Sau giải phóng Tây Nguyên, tôi tham gia giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước. Năm 1977 - 1978, tôi tham gia chiến dịch biên giới Tây Nam và chỉ huy quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu giải phóng Campuchia. Từ tháng Giêng năm 1979 đến 2/1980, tôi tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc. Hết chiến tranh, năm 1984 tôi làm Tư lệnh quân khu 4, đến năm 1997 thì về hưu” - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước tâm sự vắn tắt về cuộc đời binh nghiệp của mình.
Giai đoạn cuối của những năm công tác trong quân đội và khi về hưu, ông tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI và là đại biểu Quốc hội ba nhiệm kỳ (khóa VIII, IX, X). Đến năm 2002, ông hoàn thành trọng trách đối với Đảng và Nhà nước. Nhưng tròn 20 năm nay, hầu như năm nào ông cũng về lại chiến trường xưa thắp hương cho đồng đội và tìm kiếm, xác minh thông tin về các liệt sĩ trong chiến trường Tây Nguyên. “Sau khi về hưu tôi mới có điều kiện đi tìm lại các địa danh mà các liệt sĩ đã ngã xuống trong 10 năm chống Mỹ; đồng thời giúp các thân nhân của liệt sĩ chưa có tin tức về con em của mình có thể tìm lại được hài cốt của người thân. Gia đình nào cần tôi giúp đỡ là tôi luôn sẵn sàng. Tùy thông tin nắm được, có thể tôi hướng dẫn họ vào Tây Nguyên hoặc tôi gọi điện cho Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 tạo điều kiện cho các gia đình vào tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên các địa danh mà tôi đã xác định” - Tướng Thước chia sẻ.
Hầu như năm nào cũng vậy, cứ vào dịp kỷ niệm giải phóng Tây Nguyên, ông lại không khỏi bồi hồi, xúc động khi nhớ về đồng đội, đồng chí của mình. Ông trải lòng: Cuộc đời tôi từ khi trưởng thành cho đến khi về hưu chỉ gắn bó với chiến sĩ, nên làm sao mà không lo lắng cho anh em được. Nhiều lúc tôi nói với cán bộ, anh em thế này: chúng ta về đây, dù có gian khổ đến mấy thì cũng đã được hưởng thành quả của hòa bình. Nhưng nhiều đồng chí, đồng đội của chúng ta đã mãi mãi nằm lại ở chiến trường. Chúng ta bây giờ đã 70-80 tuổi, còn các liệt sĩ của chúng ta vẫn mãi tuổi 20.
Nặng sâu ân tình ấy, có những năm, ông và các đồng đội cũ đã đi khắp tất cả 14 nghĩa trang trên chiến trường Tây Nguyên thuộc bốn tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông. Nhiều lúc phải chui vào rừng sâu để tìm lại những địa danh mà trước đây đơn vị của ông từng chiến đấu và có chiến sĩ hy sinh ở đó, rồi chỉ cho địa phương và các cơ quan chức năng để họ tiếp tục tìm hiểu, bổ sung thông tin cho công tác quy tập hài cốt liệt sĩ.
Ông và các đồng đội cũ đã đi khắp tất cả 14 nghĩa trang trên chiến trường Tây Nguyên thuộc bốn tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông. |
Dù hai lần bị thương trên chiến trường, là thương binh hạng ¾ nhưng đến nay trí nhớ của ông vẫn vô cùng mẫn tiệp, ông không chỉ giúp các gia đình liệt sĩ tìm kiếm thông tin mà còn là “kho” tư liệu quý, là “bảo tàng sống” về chiến trường Tây Nguyên. “Nhiều lúc, anh em ở Bảo tàng Quân khu 4 cũng phải hỏi tôi về những chi tiết trong kia (chiến trường Tây Nguyên - PV). Vì thế người ta bảo rằng, kho tàng của chiến trường Tây Nguyên bây giờ chỉ còn lại ông Thước thôi” - ông cười hiền hậu.
Tác giả của “nguyên tắc hòa giải” trong Bộ luật Dân sự
Với cốt cách “con nhà lính”, ông luôn kiên định tinh thần thép khi phát biểu trước nghị trường Quốc hội. “Là người chiến sĩ, tôi tự coi mình là một chiến binh chứ không phải tướng tá gì cả… Sau khi đất nước thống nhất, tôi lại suy nghĩ phải làm gì để cho đất nước mình phát triển tốt lên. Bác Hồ đã nói, độc lập rồi mà nhân dân vẫn nghèo khổ, không được hưởng hạnh phúc thì độc lập không có nghĩa gì cả… Quán triệt tư tưởng của Bác, những điều gì mà chúng tôi thấy ngang trái, không đúng với tinh thần trên thì tôi kiên quyết đấu tranh. Nhiều phóng viên từng hỏi tôi: trên bác còn có cả Thủ tướng, các Bộ trưởng ngồi đó, bác phát biểu như vậy có gay gắt không? Tôi trả lời: Không phải vì họ mà tôi nói, tôi nói vì dân tộc, vì những liệt sĩ của chúng tôi.
Ngày xưa, chúng tôi dám sẵn sàng hy sinh trên chiến trường thì ngày nay trên nghị trường chúng tôi cũng sẵn sàng chấp nhận. Không thể vì nể nang, sợ hãi, vì lợi ích cá nhân mà đánh mất trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân và các liệt sĩ. Cho nên, tinh thần xả thân ngoài chiến trường như thế nào thì tinh thần dám đương đầu trong Quốc hội cũng như vậy. Có người lại hỏi: còn có thể lực này, thế lực kia, vậy bác có sợ không? Tôi nói thẳng: Đến đế quốc Mỹ mà chúng tôi còn chẳng sợ thì tôi không phải sợ ai cả” - vị Tướng già chia sẻ. Cũng vì những phát ngôn ấn tượng của ông nơi nghị trường, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão từng vỗ vai ông: “Khí khái của bác Thước là khiếp lắm!”.
Ông luôn tâm niệm, đã là đại biểu Quốc hội, được nhân dân và cử tri tín nhiệm thì phải đem hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Bởi vậy, công tác lập pháp cũng phải luôn tạo thuận lợi nhất cho người dân. Tại một kỳ họp của Quốc hội khóa IX, khi thảo luận về các nguyên tắc trong dự thảo Bộ luật Dân sự, các đại biểu đã đưa ra rất nhiều nguyên tắc. Nhưng ông đã đề nghị Quốc hội bổ sung nguyên tắc hòa giải và nhấn mạnh, đây phải là nguyên tắc đầu tiên khi giải quyết tranh chấp dân sự.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước phát biểu trong một Hội nghị tiếp xúc cử tri. |
“Tại sao tôi nói như vậy? Vì nếu không dùng hòa giải mà cứ dùng pháp luật để xử lý thì sẽ có bên thắng, bên thua. Sau lúc thắng, thua thì hai bên không thể hòa hợp với nhau được nữa. Nhưng nếu hòa giải thành thì cả hai bên đều được việc và được người. Bác Hồ từng dạy, phải “dĩ hòa vi quý”, chỉ khi nào không thể “dĩ hòa” được nữa thì tranh chấp mới phải đưa ra pháp luật xử lý. Tư tưởng của Bác xuyên suốt trong mọi lĩnh vực, biết vận dụng thì việc gì cũng thắng” - ông kể lại. Và ý kiến đóng góp của ông đã được Quốc hội khóa IX ghi nhận, sau đó được đưa vào Bộ luật Dân sự 1995. Theo đó, trong rất nhiều nguyên tắc cơ bản như: nguyên tắc tuân thủ pháp luật; nguyên tắc bình đẳng; nguyên tắc thiện chí, trung thực... thì có nguyên tắc hoà giải. Điều 11 của Bộ luật này quy định: “Trong quan hệ dân sự, việc hoà giải giữa các bên phù hợp với quy định của pháp luật được khuyến khích. Không ai được dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự”.
Sau khi thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, ông đã đề xuất thành lập Câu lạc bộ của các cựu đại biểu Quốc hội. Bằng kinh nghiệm và trách nhiệm, nhiều ý kiến đóng góp của Câu lạc bộ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu một cách nghiêm túc và “thường mời chúng tôi đóng góp ý kiến đối với những vấn đề còn mắc mớ, gay cấn” - Tướng Thước cho biết.
Được đánh giá là người đức độ, thanh liêm, dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn trăn trở trước những vấn đề của Đảng, của đất nước. Tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, ông luôn là người nói thẳng, nói thật, phê phán những thói hư, tật xấu của một số cán bộ thoái hóa, biến chất, nêu lên những vấn đề “nóng” của đất nước, như công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực,… Phát biểu của ông được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao. Ông bật mí: tôi phải chọn lọc những vấn đề mà Tổng Bí thư cần biết, còn những điều mà nhiều người biết cả rồi thì tôi không nói nữa. Sau này, trong các cuộc họp của Trung ương hoặc Quân ủy Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường khen ngợi và nhắc lại tinh thần phát biểu của ông. “Nhiều lúc đi về các tỉnh, tôi thường nghe mọi người hỏi rằng: “Bác nói thế nào mà Tổng Bí thư đi đâu cũng khen bác thế?”.
Với những cống hiến không mệt mỏi, năm 2020, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Trong quá trình chiến đấu và công tác, ông còn được Nhà nước trao tặng nhiều huân, huy chương cao quý khác.