Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp Hà Nội trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội là đơn vị đầu mối của Thành phố triển khai, điều phối các Chương trình, hoạt động hỗ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP Hà Nội. Trung tâm có sứ mệnh kết nối, đồng hành và thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội đi đầu phát triển kinh tế cả nước và vươn tầm Quốc tế.
Tại buổi làm việc, ThS. Chu Văn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm HTVL&KN đã giới thiệu khái quát về Trung tâm cũng như các hoạt động đang được triển khai. Trung tâm HTVL&KN – Trường Đại học Điện lực được thành lập tháng 9/2018 với mục tiêu tăng cường chất lượng công tác hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp cho sinh viên trong trường. Ngoài những thế mạnh về kết nối và hợp tác, hỗ trợ việc làm, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong sinh viên Trường Đại học Điện lực luôn được Trung tâm đặc biệt chú trọng.
Mặc dù mới thành lập nhưng Trung tâm đã triển khai nhiều hoạt động và đạt nhiều kết quả khả quan về lĩnh vực khởi nghiệp như: tổ chức thành công cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên EPU” qua các năm với rất nhiều ý tưởng có tính thực tiễn cao từ sinh viên; tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng về đổi mới sáng tạo khởi nghiệp cho sinh viên và đội ngũ giảng viên; cử chuyên viên của Trung tâm tham gia các Hội thảo về khởi nghiệp do các đơn vị trong và ngoài địa bàn thành phố Hà Nội tổ chức.
Ngoài ra, Dự án “Không gian sáng tạo EPU” đang hoạt động của Trung tâm được đánh giá cao, đây là nơi các nhóm sinh viên khởi nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức doanh nghiệp có thể làm việc, gặp gỡ, kết nối, cùng nhau khơi nguồn sáng tạo và triển khai các ý tưởng khởi nghiệp, kinh doanh; Đồng thời đây cũng là địa điểm giới thiệu việc làm cho sinh viên và là nơi học tập, sinh hoạt của sinh viên, các Câu lạc bộ,... Từ đó thấy được tiềm năng phát triển của mô hình vườn ươm tạo về con người trong thời đại đổi mới và hỗ trợ về công tác khởi nghiệp của nhà trường.
Tại Buổi làm việc, Bà Trần Thị Trang - Trưởng Phòng Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo đã chia sẻ với Trung tâm một số mô hình hay của các Trường Đại học đã được Phòng Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo hỗ trợ trước đây. Đồng thời, Bà Trang cũng giới thiệu về các Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội năm 2022 thuộc Đề án 4889 như Hỗ trợ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ truyền thông về khởi nghiệp sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; Hỗ trợ kinh phí đề phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, mặt bằng cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo; Hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức, cá nhân có dự án khởi nghiệp sáng tạo tham gia các khóa huấn luyện tập trung ngắn hạn tại nước ngoài.
Cảm ơn những chia sẻ và góp ý của Trưởng Phòng Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, ThS. Chu Văn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm nhận thấy hàng năm đều có hàng trăm ý tưởng tham gia các cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp EPU”, được chọn lọc qua 03 vòng thi. Tuy nhiên, đa phần các ý tưởng mới chỉ dừng ở mô hình, ý tưởng và chưa gọi được vốn. Các ý tưởng này rất cần được kết nối đến các doanh nghiệp, khách hàng, ươm mầm và đầu tư hơn nữa để được phát triển và thành công. ThS. Chu Văn Tuấn cũng nhấn mạnh,
“Các Trường Đại học đều đang rất cần những Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo như Đề án 4889. Rất mong Đề án tiếp tục được lan tỏa, hỗ trợ được nhiều đối tượng hơn nữa” - ThS. Chu Văn Tuấn nhấn mạnh.
Qua buổi làm việc, Phòng Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo - Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội và Trung tâm Hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp - Trường Đại học Điện lực thống nhất sẽ cùng đồng hành, phối hợp và hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên Trường Đại học Điện lực nói riêng và cộng đồng sinh viên khởi nghiệp sáng tạo nói chung với mục tiêu cùng ươm mầm và phát triển những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên đi đến thành công.