Cùng với đó, con người có tác động dẫn đến thiên tai, cả tác động xấu và tốt. Do đó, trong điều kiện nưc[s ta, cần “thích nghi có kiểm soát”, có giải pháp công trình để thích nghi với điều kiện thời tiết, thiên tai.
Theo đánh giá của Bộ TN&MT, hoạt động dân sinh (mở đường, san lấp mặt bằng, xây dựng nhà máy thuỷ điện…) tạo ra mất chân sườn dốc, cũng là nguyên nhân kích hoạt để thiên tai có thể xảy ra. Riêng việc mất rừng là nguyên nhân của sạt lở đất hay không cần đánh giá theo từng trường hợp.
Dẫn trường hợp sạt lở kinh hoàng trong khu vực có rừng nguyên sinh ở Yên Bái năm 2016, Thứ trưởng Bộ TN&MT khẳng định, "sạt lở do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ở Thuỷ điện Rào Trăng 3, do hoạt động xây dựng, cắt xẻ vào sườn núi nên xảy ra sự cố sạt lở đất".
Ngoài ra, trong tháng 10, mưa lũ đều lớn hơn năm 1999. Điều đáng nói là các tỉnh miền Trung đã thực hiện tốt qui trình liên hồ chứa, cắt được lượng lớn nước lũ, nên diện ngập và độ sâu ngập thấp hơn năm 1999. "Nếu lượng nước đó về hạ du thì lụt cao hơn trận lụt lịch sử năm 1999" - đại diện Bộ TN&MT khẳng định.
Trước câu hỏi về trách nhiệm đánh giá tác động môi trường của các dự án thuỷ điện, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, các cơ quan chức năng luôn đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thuỷ điện. Qua đó, thời gian qua, Bộ TN&MT đã tham mưu bỏ 472 dự án thuỷ điện nhỏ khỏi qui hoạch. Còn 213 điểm tiềm năng xây dựng thuỷ điện cần xem xét kỹ lưỡng, chặt chẽ để đảm bảo sự phát triển cho các địa phương, đồng thời phòng tránh thiên tai.
Đồng thời, "Luật Lâm nghiệp cũng đã có qui định chặt chẽ về chuyển đổi đất rừng thành các dự án nên hiện các chủ đầu tư dự án thuỷ điện đã bắt đầu nâng cao ý thức về trồng lại rừng để bảo đảm an toàn cho khu vực nhà máy và hạn chế sạt lở đất" - đại diện Bộ TN&MT cung cấp thông tin.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp trả lời báo chí về vấn đề cảnh báo thiên tai. |
Đối với vấn đề cảnh báo thiên tai, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, đã có cảnh báo sớm về bão và lũ lịch sử tại khu vực Bình Trị Thiên (thông qua tin nhắn trực tiếp và các bản tin dự báo). Tuy nhiên, do một số nơi mức ngập cao đến mức hơn 6m (vượt mức lịch sử), diện ngập rộng nên người dân không biết đi đâu.
Tuy nhiên Bộ sẽ đánh giá xem “điểm nghẽn” trong công tác cảnh báo ở chỗ nào, sau khi tập trung khắc phục hậu quả cảu mưa lũ ở miền Trung. Qua thực tế công tác cứu hộ, cứu nạn vừa qua, đại diện Bộ NN&PTNT cho rằng, cần có lực lượng cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp, được trang bị thích hợp cho mọi địa hình, mọi điều kiện thời tiết.
Ngoài ra, theo đại diện các cơ quan chức năng, “sức chịu đựng” trước thiên tai của cơ sở hạ tầng có hạn (như chỗ neo đậu tàu thuyền chỉ đáp ứng 46% số tàu thuyền), sạt lở đất phức tạp và không theo qui luật, một số người dân không chấp hành tốt các cảnh báo... là nguyên nhân dẫn đến hậu quả nghiêm trọng do mưa lũ vừa qua.
"Ngay các điểm sạt lở ở Trạm kiểm lâm 67, đoàn 337, Nam Trà My không có trong bản đồ cảnh báo sạt lở. Do đó, cần đưa công nghệ vào công tác cảnh báo" - Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết.