Đưa pháp luật tới các bản, xã đặc biệt khó khăn
Bà Cầm Kim Loan (người dân tộc Thái) sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống hiếu học. Ngay từ nhỏ, bà Loan và các anh, chị, em của mình luôn được người cha nguyên là cán bộ Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La quan tâm, động viên, tạo điều kiện cho ăn học tới nơi, tới chốn. “Cha tôi luôn hi vọng các con sau này sẽ trở thành người có ích cho xã hội, có thể giúp đỡ người dân ở địa phương hiểu biết về pháp luật…”, bà Loan hồi ức.
Không phụ lòng mong mỏi của người cha, 8 anh, chị, em trong gia đình sau đó đều phấn đấu công tác trong ngành Tòa án, Công an, trong đó bà Loan làm công việc trợ giúp pháp lý (TGPL).
Sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp pháp lý của tỉnh Sơn La năm 1990, bà Loan trở về địa phương làm việc tại bộ phận Tư pháp UBND huyện Yên Châu. Tại đây, bà Loan được đánh giá không ngại khó, không ngại khổ; mang hoài bão, nhiệt huyết của tuổi trẻ vào công việc phục vụ nhân dân. Cô gái người dân tộc Thái ấy không ngại việc băng rừng, vượt núi, trèo đèo, lội suối, đến từng bản, xã đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa để tuyên truyền pháp luật, TGPL.
Ngày ấy, mỗi đợt đi công tác mất vài ngày, có lần đến cả tuần mới về vì đường sá xa xôi, toàn “ổ voi, ổ trâu” lầy lội. Khó khăn là vậy, nhưng chưa một lần chùn bước; nữ cán bộ trẻ cùng đồng nghiệp có khi phải đi bộ nhiều tiếng đồng hồ, qua nhiều con suối, đồi núi để tuyên truyền pháp luật, hòa giải những mâu thuẫn gia đình, vợ chồng, làng xóm.
Có những kỷ niệm đáng nhớ như đi công tác tuyên truyền pháp luật, nữ cán bộ vào buổi tối còn bị trai bản đến “chọc sàn” theo phong tục người Thái vì thấy trẻ tuổi, chưa lập gia đình. Điều đó khiến bà nhận thấy càng phải tuyên truyền sâu sắc hơn về các quy định pháp luật liên quan tới tảo hôn, hôn nhân gia đình để mọi người hiểu không phải cứ lấy phong tục ra để “bắt vợ” là có được hạnh phúc. Bởi “bắt vợ” khi cô gái bị “bắt” chưa đủ tuổi kết hôn, không yêu người “bắt”, không đồng ý, thì hạnh phúc không đến, trái lại còn bị xử lý vì vi phạm pháp luật. Phong tục “bắt vợ” chỉ thực sự đẹp khi chàng trai và cô gái yêu nhau, đã đến tuổi kết hôn theo quy định, đồng ý cho đối phương “bắt vợ” thì hạnh phúc mới tròn đầy.
Với cách tuyên truyền pháp luật dễ hiểu như vậy, sau mỗi chuyến công tác tại cơ sở, bà Loan luôn nhận được cái nắm tay ấm áp, ánh nhìn cảm ơn, nụ cười vui vẻ của người dân. Bởi trong mắt họ, “cán bộ Loan” là cô gái Thái gần gũi với dân, nhiệt huyết, sẵn sàng vì dân để hòa giải, tư vấn, giải đáp vướng mắc cho dân.
Ngày còn là chuyên viên Phòng Tư pháp huyện Yên Châu, bà Loan tiếp một ông lão thuộc đối tượng được TGPL đến hỏi về thủ tục “từ” con trai. Thấy lạ, bà gặp riêng ông lão trò chuyện, tìm hiểu lý do. Lúc đầu, ông lão ngần ngại, sau đó mới kể giữa ông và con trai xảy ra mâu thuẫn liên quan đến tranh chấp cái ao thả cá đã nhiều năm. Vụ việc đã đưa ra UBND xã, huyện nhưng chưa giải quyết được. Do đó, ông muốn “từ” con.
Nghe ông lão kể, bà khuyên ông cụ bình tĩnh. Với trách nhiệm là cộng tác viên TGPL, bà về tận địa phương nơi xảy ra sự việc, phối hợp đoàn thể, chính quyền xã tổ chức hoà giải. Sự kiên nhẫn giải thích động viên hợp lý, hợp tình đã giúp hai cha con hòa giải.
Trợ giúp viên pháp lý Cầm Kim Loan. |
Giúp người lầm lỡ làm lại cuộc đời
Tháng 8/2007, bà Loan chuyển công tác sang Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Sơn La. Được phân công trực tiếp dân, bà Loan luôn cố gắng dùng những kiến thức, kinh nghiệm để giúp người được TGPL. Bà còn cùng các chuyên viên, cộng tác viên, cán bộ Phòng Tư pháp các huyện tổ chức thực hiện hàng trăm cuộc TGPL lưu động tại 120 xã thuộc huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn và 204 bản đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La.
Tại các buổi thực hiện TGPL, bà Loan cùng các thành viên đoàn công tác đã tư vấn, hướng dẫn, giải đáp pháp luật hàng nghìn vụ việc cho hàng nghìn đối tượng được TGPL; kết hợp cung cấp thông tin pháp luật Luật hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai, Luật Phòng chống ma túy... bằng tiếng phổ thông, tiếng dân tộc Thái, tiếng dân tộc Mông. Việc thực hiện TGPL lưu động như trên đã góp phần tháo gỡ những vướng mắc tại địa phương, làm giảm những mâu thuẫn, xích mích phát sinh trong cộng đồng dân cư, làm giảm khiếu kiện, bức xúc, mâu thuẫn trong nhân dân, góp phần vào việc giữ gìn an ninh, trật tự ở địa phương.
Ngoài ra, bà Loan còn tham gia TGPL trong hoạt động tố tụng, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích cho các đối tượng được TGPL. Trong những năm qua, bà Loan đã trực tiếp tham gia đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp hàng trăm vụ cho hàng trăm đối tượng được TGPL tại TAND các huyện Mường La, Mai Sơn, Yên Châu, Sông Mã, Sốp Cộp, Vân Hồ và TAND tỉnh Sơn La; trong đó có vụ án “giết chồng” mà bà Loan là người bào chữa cho bị cáo.
Bị cáo trong vụ án là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Vợ chồng họ lấy nhau đã nhiều năm, có với nhau 7 con nhưng số ngày người vợ được hưởng bình yên chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi gần như lúc nào người vợ cũng bị chồng bạo hành cả thể xác lẫn tinh thần. Không chỉ đánh đập vợ tàn nhẫn, người chồng bị cho là còn đánh đập, chửi bới các con một cách không thương tiếc.
Nguyên nhân xảy ra vụ án đau lòng bùng phát khi người chồng không chỉ đánh đập vợ mà còn vác cuốc bổ vào đầu con trai gây thương tích khi đứa con xin đi làm cùng bạn. Quá uất ức, đứa con ra rừng tìm đến lá ngón tự tử. Con trai chết, bản thân mình từng bị chồng đánh đập đến sảy thai, thai lưu tới 3 lần, người phụ nữ ấy đã lấy lá ngón về trộn với nộm lá đu đủ cho chồng ăn khiến người chồng tử vong.
“Đó là một người phụ nữ vừa đáng thương, vừa đáng trách. Khi tham gia bào chữa cho bị cáo, tôi đã vận dụng các quy định của pháp luật, đưa cả cái tình vào bản bào chữa, nhờ đó, bị cáo được hưởng án treo, bởi bị cáo phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Bản án trên thể hiện tính nhân văn, sự khoan hồng của pháp luật đối với người lầm lỗi”, bà Loan kể lại.
Hơn 30 năm làm công tác tuyên truyền pháp luật, bà Loan tâm sự càng làm việc càng đam mê. Bởi ngoài kia còn rất nhiều người cần giúp đỡ, cần TGPL.
Quá trình công tác, Trợ giúp viên pháp lý Cầm Kim Loan nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, UBND tỉnh Sơn La:
- Năm 1991 được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc về công tác tư pháp
- Năm 1996 được UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc về công tác tư pháp
- Năm 2000 và 2001 được UBND tỉnh tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc về công tác phổ biến giáo dục pháp luật.
- Năm 2006 được UBND tỉnh tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác TGPL 6 năm 2000-2005.
- Năm 2012 được UBND tỉnh tặng Bằng khen
- Năm 2017 được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Giấy khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác TGPL giai đoạn 2011-2016.
- Năm 2019 là 1 trong 20 Trợ giúp viên pháp lý thực hiện được nhiều vụ việc nhất cả nước