Vị tướng đặc biệt khiến cả thế giới thán phục
Có người hỏi vì sao từ một thầy giáo dạy sử, ông lại trở thành một vị tướng cầm quân kiệt xuất? Đại tướng Võ Nguyên Giáp có một câu trả lời rất giản dị: “Điều đó chỉ Chủ tịch Hồ Chí Minh mới trả lời được”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp tham gia hoạt động yêu nước từ rất sớm và cũng bị tù đày khi còn trẻ (năm 1930 khi mới 19 tuổi). Tuy nhiên, bước ngoặt lịch sử đến với ông là cuộc gặp nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc (6/1940). Sau này, Đại tướng chia sẻ trong những thước phim tài liệu “Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Một thế kỷ, một cuộc đời” rằng, ông lớn lên gặp cách mạng và đi theo cách mạng như lẽ tự nhiên. Bởi 13,14 tuổi vào Quốc học Huế, ông đã gặp cụ Phan Bội Châu và nhiều trí thức yêu nước khác.
Để rồi, ngày 22/12/1944, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trách nhiệm thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, trở thành tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay với cẩm nang cho chiến thắng: Sức mạnh vũ trang phải bắt nguồn từ sức mạnh của tuyên truyền chính trị và một khi có sức dân ủng hộ thì lực lượng vũ trang sẽ có sức mạnh bách chiến bách thắng. Nhận trách nhiệm nặng nề, người cầm quân họ Võ cũng nhận từ Bác Hồ một tên gọi rất hiền là Văn như một lời nhắc nhở “ Văn Võ song toàn”...
Cũng ít ai biết rằng, trong ngày lễ Độc lập 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình, sau Bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc là bài diễn văn của Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ trình bày đường lối đối nội và đối ngoại của Nhà nước Việt Nam độc lập. Bài diễn văn kết thúc bằng những lời lẽ hào hùng và dễ hiểu: “Dân tộc Việt Nam đòi độc lập, tự do, bình đẳng đến cùng. Đòi bằng ngoại giao, ôn hòa chẳng được thì ta hãy tuốt gươm. Chúng ta sẵn sàng nhận tất cả mọi sự có thể xảy đến. Chúng ta có thể không mạnh bằng kẻ địch, song chúng ta sẽ thắng kẻ địch như ông cha chúng ta đời Trần. Chúng ta có thể thua năm mươi trận, nhưng thắng lợi nhất định sẽ về tay chúng ta. Dưới sự lãnh đạo của chính phủ lâm thời và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân ta sẽ đem hết của cải, xương máu ra xây đắp, tô điểm non sông, làm cho nước Việt Nam yêu quý của chúng ta lại được tươi sáng, phú cường sau bao năm lầm than kiệt quệ. Noi theo truyền thống của các thế hệ trước, thế hệ chúng ta sẽ đánh một trận cuối cùng để cho những thế hệ sau này mãi mãi được sống với độc lập, tự do và hạnh phúc”…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm lại Mường Phăng (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) tháng 4/2004. |
Khi cuộc chiến tranh để bảo vệ nền độc lập là không thể tránh khỏi và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ, trong hồi ức của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc đến hai sự kiện: Lời nhắc nhở của Bác Hồ khi giám sát công tác chuẩn bị kháng chiến của Thủ đô rằng “quyết tâm” chưa đủ mà phải là “tín tâm”. “Tín tâm” mang ý nghĩa là một niềm tin không chỉ bằng trái tim mà phải bằng cả khối óc thì mới có thể tạo ra sự đồng thuận, đồng tâm trong hành động của mọi người thì sự nghiệp mới thành công.
Ông là vị tướng trẻ tuổi nhất, được lãnh tụ Hồ Chí Minh phong hàm Đại tướng theo cách rất đặc biệt khi mới 37 tuổi (vào tháng 1948). Từ chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, đến đại thắng mùa xuân năm 1975 mãi mãi được ghi vào sử sách những mốc son chói lọi gắn với tên tuổi vị tướng Võ Nguyên Giáp. Xuất thân từ thầy giáo dạy lịch sử và chưa hề qua một lớp đào tạo bài bản nào về quân sự, nhưng vị tướng này đã khiến cả thế giới thán phục trước tài cầm quân.
Điều đặc biệt, trong suốt những năm tháng binh nghiệp, Đại tướng đều căn dặn các chiến sĩ bộ đội là luôn cố gắng giải quyết sự việc trước hết bằng hòa bình. Sau này, khi được hỏi về chiến công vĩ đại, người chỉ huy huyền thoại năm nào đã rất xúc động khi chỉ nói về sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Bác Hồ, về sự chiến đấu quên mình của dân và quân ta. Riêng ông, chỉ xem phần đóng góp của mình như một giọt nước giữa bao la biển cả.
Đại dương đã rơi vào giọt nước
Trong số rất nhiều bộ phim được thực hiện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của các tác giả trong và ngoài nước, bộ phim tài liệu “Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Một thế kỷ - Một đời người” của NSND Đào Trọng Khánh (sinh năm 1940, giải thưởng Nhà nước năm 2007) là một trong những tác phẩm được nhắc đến nhiều. Vào năm 2014, một tác phẩm tiếp theo của ông về Đại tướng là phim Tài liệu “Giọt nước giữa đại dương” được giải Cánh diều vàng cho phim và đạo diễn xuất sắc năm đó.
NSND Đào Trọng Khánh đã làm phim về đại tướng suốt 30 năm. Ngày đó, suốt hơn một tháng, ngày nào ông Khánh cũng tới nhà riêng của Đại tướng ở đường Hoàng Diệu (Hà Nội) để phỏng vấn, ghi hình. “Tôi gọi ông là Đại tướng, nhưng ông gạt đi và bảo cậu cứ gọi tớ là anh Văn”, đạo diễn Đào Trọng Khánh nhớ lại. Có lần nhìn thấy cái mũ phớt của ông, Đại tướng cầm lấy đội lên đầu mình rồi cười bảo: “Hồi làm cách mạng mình cũng có chiếc mũ giống Khánh”…
Đại tướng kể lại câu chuyện trong các trận đánh, về thời điểm ông đưa ra những quyết định quan trọng. Một tháng gần bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với đạo diễn Đào Trọng Khánh, mỗi ngày ông lại nhìn thấy những góc khác nhau của một con người vĩ đại. Cùng với đó là 700 phút phim tư liệu quý giá đã được ghi lại.
“Ông không nói nhiều về công việc của một vị tướng. Nhưng ông rất thương người lính, trong các trận đánh, ông luôn nhắc nhở sao cho tổn thất ít nhất, ông tiếc từng giọt máu của chiến sĩ. Và Đại tướng là một thiên tài quân sự. Khi vào chiến trận cụ thể, ông có trực giác rất mạnh mẽ. Nhiều tình huống chỉ có trực giác mới giải quyết được”, ông Khánh kể.
Trực giác của Đại tướng thể hiện ở trận đánh Phai Khắt - Nà Ngần, trận Đông Khê và nhất là chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Lê Trọng Tấn là một vị tướng tâm đắc của Võ Nguyên Giáp từ hồi Điện Biên Phủ cho đến chiến dịch Hồ Chí Minh. Quyết định lập cánh quân thứ 5 tiến về Sài Gòn là một phương án ngoài kế hoạch. Những quyết định nằm ngoài kế hoạch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều rất tuyệt vời như thế…
Đại tướng đã kể lại những kỷ niệm tuổi thơ, thời còn cắp sách đến trường ở làng quê Quảng Bình, tình cảm với những người thân trong gia đình ông, rồi lần Bác Hồ đi hỏi vợ cho ông. Đó là chuyến tàu trở về cội nguồn thăm quê hương, hình ảnh các em nhỏ quần cộc chạy vào và đón ông. NSND Đào Trọng Khánh kể: “Có một đêm Đại tướng cùng gia đình từ Hà Nội về thăm quê hương Quảng Bình bằng tàu hỏa. Đã lâu lắm rồi, ông gọi chuyến tàu này là chuyến tàu trở về cội nguồn, đưa ông về quê, về với cánh đồng, với ba mẹ ông, các chị ông đang đợi… Nhớ thương một thời thơ ấu, được trở về bên ba mẹ, được chơi đùa trên cồn cát cùng với lũ trẻ nghèo… Tàu đi suốt đêm về đến Đồng Hới, không biết có ai báo mà nhiều người ra đón, lũ trẻ ở quê quần cộc, chân đất chạy qua cồn cát, chạy vào tận trong ga đón ông về làng… Ngày ấy, làng xóm còn nghèo, chưa được khang trang như bây giờ, trẻ con đi trước dẫn đường hò reo “ông về rồi, ông về rồi, ông mình về rồi”. Các cựu chiến binh trong làng bỏ dở việc ruộng vườn, làm hàng rào danh dự đón ông: “Báo cáo anh Văn, em cũng đã hoàn thành nhiệm vụ!”.
Tiếng nói của Đại tướng cứ văng vẳng trong sâu thẳm trái tim NSND Đào Trọng Khánh và ông nhớ một lần được nghe Đại tướng kể: “Tối 30 Tết năm 1946, dưới chân đèo Hải Vân. Xe lên đèo, trời bắt đầu mưa, xung quanh tôi là một biển sương mù, một bên đường là vực sâu, một bên là vách đá dựng đứng, gió qua đèo hun hút. Xe trôi xuống dốc như vào nơi vô tận. Tôi nhìn ra màn đêm thăm thẳm dưới chân đèo, vẫn lập lòe ẩn hiện một ánh đèn, không biết có nhà dân nào còn đang thức đợi giao thừa…”.
Hình ảnh đó làm cho NSND Đào Trọng Khánh nhớ lại ngày Đại tướng về nơi đất mẹ, các em nhỏ thắp những ngọn đèn tiễn đưa ông với một niềm tin mà Đại tướng đã căn dặn: “Niềm tin của nhân dân như ngọn đèn không tắt. Đừng bao giờ quên cái gốc của mình từ nhân dân mà ra. Ở nơi đâu, bất cứ hoàn cảnh nào cũng đừng phụ tấm lòng trông đợi của nhân dân”…
Đó cũng chính là những thước phim cuối cùng của bộ phim “Giọt nước giữa đại dương” mà NSND Đào Trọng Khánh đã dựng để bày tỏ lòng kính trọng với một con người vĩ đại. Câu nói cuối cùng trong bộ phim là thông điệp lớn nhất mà NSND Đào Trọng Khánh gửi gắm: “Đại dương đã rơi vào giọt nước, ông đã trở về với cõi vô cùng...”. Bác Giáp đã nhận mình chỉ là giọt nước, nhưng với đất nước, với nhân dân, với những người ở lại, bác là đại dương. Một đại dương bao la nhưng thu mình đầy khiêm nhường thành giọt nước mà ở lại với đời…