Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Cù Thu Anh cho biết, thời gian qua bản thân đồng chí đã nghiên cứu, sưu tầm tài liệu chụp từ bản gốc liên quan đến quá trình hoạt động cách mạng của cố Bộ trưởng Cù Huy Cận và các bậc tiền bối.
Bộ trưởng Cù Huy Cận là người bạn thân thiết, người đồng chí cùng trong Chính phủ Lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa 1945 với các đồng chí Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe. Là cán bộ công tác nhiều năm trong ngành Tư pháp, đồng chí Cù Thu Anh nhận thấy cần trao tặng Bộ, ngành những tài liệu quý để làm rõ, bổ sung tư liệu về chặng đường lịch sử, đóng góp của các vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên.
Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Chánh Văn phòng Bộ gửi lời cảm ơn sâu sắc tới gia đình cố Bộ trưởng Cù Huy Cận, đặc biệt là đồng chí Cù Thu Anh đã dày công tìm tòi, sưu tập và tin tưởng trao tặng lại những hiện vật lịch sử cho Bộ Tư pháp trong ngày có ý nghĩa đặc biệt như hôm nay. Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn nhấn mạnh, những tài liệu, văn bản này có ý nghĩa quan trọng, góp phần bổ sung làm giàu thêm nguồn tư liệu về lịch sử truyền thống của Bộ, ngành Tư pháp. Trong thời gian tới, Văn phòng Bộ sẽ tham mưu để công bố và giới thiệu rộng rãi những tư liệu này tới đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Bộ, ngành Tư pháp và các tầng lớp nhân dân, góp phần bồi đắp niềm tự hào về lịch sử truyền thống của Bộ, ngành Tư pháp Việt Nam trên chặng đường 75 năm hình thành và phát triển.
Theo đó, các tài liệu được trao tặng lần này bao gồm:
1. Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa với danh sách 15 người ký tuyên ngôn (đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, có tên ông Vũ Trọng Khánh – Bộ trưởng Bộ Tư pháp năm 1945 đứng ở vị trí thứ 11, ông Vũ Đình Hòe – Bộ trưởng Bộ Tư pháp từ năm 1946 đứng vị trí thứ 14, đăng tải Báo Cứu quốc ngày 05/9/1946) (Bản màu).
2. Việt Nam Quốc dân Công báo đăng Nghị định số 70 ngày 31/01/1946 và Nghị định số 76 ngày 22/02/1946 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh ký ban hành thành lập Hội đồng tuyển chọn thẩm phán (Thẩm phán xử án và Thẩm phán buộc tội); Hội đồng ấn định cấp bậc và nơi làm việc của Thẩm phán đầu tiên trong lịch sử do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh làm Chủ tịch các Hội đồng (Bản màu).
3. Sắc lệnh số 64 ngày 23/11/1945 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh ký trình và tiếp ký, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành thiết lập Ban thanh tra đặc biệt, Tòa án đặc biệt xử những nhân viên của các Ủy ban nhân dân hay cơ quan của Chính phủ do Ban thanh tra đặc biệt bắt giữ và truy tố, hội thẩm là Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chánh án là Chủ tịch Hồ Chí Minh (Bản màu).
4. Sắc lệnh số 80 ngày 31/12/1945 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh ký trình và tiếp ký, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành cử các ông Bùi Bằng Đoàn, nguyên Chánh nhất Tòa Thượng thẩm Hà Nội và Cù Huy Cận, Bộ trưởng Bộ Canh nông và Ban Thanh tra đặc biệt thiết lập do Sắc lệnh số 64 ngày 23/11/1945 (Bản màu).
5. Biên bản khóa họp lần thứ II của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa từ ngày 28/10/1946 đến 9/11/1946 có ghi chép nội dung trả lời chất vấn đầu tiên trong lịch sử của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe trước Quốc hội và ngày 31/10/1946 (Bản đen trắng).
6. Tường thuật toàn thể phiên chất vấn tại Quốc hội nước đầu tiên trong lịch sử vào ngày 31/10/1946 đăng tải trên Báo Cứu quốc ngày 01/11/1946 (trong đó có nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe) (Bản màu).
7. Thư do Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh máy và ký tên, đóng triện đỏ gửi ông Vũ Trọng Khánh vào thánh 5/1948, trong đó có biểu dương và động viên đặc biệt cán bộ tư pháp “…trong cuộc kháng chiến cứu nước, toàn cả dân tộc ta đã trở nên một dân tộc anh hùng. Anh em tư pháp là những người học thức, lại là những người giữ gìn pháp luật dân chủ, lẽ tất nhiên, anh em phải anh hùng hơn một bước để làm kiểu mẫu cho quốc dân” (Bản màu).