Theo Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT ngày 13/4/2011, tiêu chí xác định kinh tế trang trại bao gồm diện tích, giá trị sản lượng hàng hóa... Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là việc ban hành tiêu chí mới có đáp ứng được sự phát triển kinh tế trang trại hiện nay?.
Do không mang tính pháp lý, không có giá trị về mặt kinh tế, cũng không phải là thủ tục bắt buộc... nên nhiều chủ trang trại (TT) vẫn thờ ơ với việc làm thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại (KTTT). Và việc để chủ TT tự “bơi” trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường, thị trường tiêu thụ không ổn định đã đẩy nhiều TT vào tình cảnh khó khăn.
Ảnh minh họa. |
Tự phát và thiếu quy hoạch
Tìm hiểu về mô hình KTTT tại Quảng Ninh, được biết: tổng số vốn đầu tư trên 700 tỷ đồng phần lớn là vốn vay và vốn tự có của các chủ trang trại, vốn vay được từ các ngân hàng là rất ít. Các trang trại phát triển mang tính tự phát, chưa có quy hoạch mang tính chiến lược ổn định và lâu dài; trình độ quản lý và tổ chức sản xuất rất thấp, trên 70% chủ trang trại chưa qua lớp đào tạo nghề, chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, kinh doanh, khoa học, kỹ thuật... Sản phẩm hàng hoá tạo ra ngày càng nhiều nhưng khâu chế biến, bảo quản, xây dựng thương hiệu sản phẩm và thị trường tiêu thụ chưa được quan tâm đúng mức.
Anh Trịnh Văn Hậu (thôn Cái Bầu, xã Vạn Yên,Vân Đồn), chủ một trang trại trồng cây ăn quả cho biết: “Cam Vạn Yên từ lâu đã được thị trường ưa chuộng nhưng rất khó cạnh tranh với cam giấy Trung Quốc về giá cả. Do hình thức, mẫu mã giống nhau nên khi bán ra thị trường thường bị các tư thương trộn lẫn với cam giấy mà hiện tại chúng tôi cũng không có biện pháp nào để quản lý. Bên cạnh đó, chính sách thuê đất rừng, vay vốn phát triển sản xuất đối với trang trại trồng cây ăn quả gặp nhiều khó khăn. Chủ yếu đất giao cho chúng tôi là tạm giao, ký hợp đồng thầu, thuê dài hạn, tính pháp lý chưa cao. Vay vốn từ ngân hàng thì lãi suất cao, thời gian ngắn, chỉ được dưới 5 năm, trong khi cây ăn quả thì phải 5 năm mới cho thu hoạch”.
Còn ông Nguyễn Văn Nặc, chủ một trang trại chăn nuôi lợn với quy mô hàng nghìn con/năm tại Yên Hưng thì cho hay: “Năm vừa rồi, dịch tai xanh trên đàn lợn đã gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi, đặc biệt là những trang trại nuôi với quy mô lớn như chúng tôi. Mặc dù đã được hỗ trợ của nhà nước, song để đảm bảo vốn tái sản xuất là rất khó, trong khi đó vay vốn từ các ngân hàng thời gian vay ngắn, lãi suất cao là nguy cơ phá sản đối với các trang trại chăn nuôi mỗi khi gặp dịch bệnh”.
Khó “chạm tay” đến vốn
Theo Chi cục Phát triển nông thôn - Sở NN&PTNT Hải Dương, toàn tỉnh có hơn 1.500 trang trại được cấp giấy chứng nhận, trong đó có 1.250 trang trại sản xuất, kinh doanh tổng hợp, số còn lại là trang trại chuyên chăn nuôi gia súc, gia cầm hoặc nuôi thủy sản nước ngọt. Tuy nhiên, số liệu thống kê trên chưa phải là con số cuối cùng bởi lẽ, tại tỉnh này đang có khá nhiều nông dân làm kinh tế trang trại nhưng do nhận thức chưa đầy đủ nên chưa làm thủ tục đề nghị xin cấp giấy chứng nhận, gây khó khăn khi tiếp cận vốn hoặc các chính sách hỗ trợ.
Điều bất cập nữa là, dù có giấy chứng nhận KTTT nhưng khi thiếu vốn, chủ trang trại cũng không thể lấy giấy này đi cầm cố, thế chấp vay vốn. Anh Lê Hồng Quân ở xã Yên Mỹ , Thanh Trì, Hà Nội cho biết: “Rất vất vả gia đình tôi mới được cấp giấy chứng nhận KTTT, nhưng từ khi được cấp đến nay, tôi chưa thấy được quyền lợi gì. Khi cần vốn, mang giấy chứng nhận đến ngân hàng thì họ chối quanh, Nhà nước cũng chưa hỗ trợ nhiều cho KTTT nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi muốn mở rộng sản xuất”.
Các chủ trang trại kêu khó tiếp cận vốn dù đã có giấy chứng nhận trang trại, trong khi đại diện ngân hàng lại bảo rằng, phải có giấy chứng nhận trang trại mới cho vay. Ông Đào Văn Vũ, Trưởng phòng Tín dụng- Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết: “Trang trại muốn vay vốn theo tinh thần Nghị định 41 phải có giấy chứng nhận trang trại, nếu không chỉ được áp dụng theo đối tượng vay vốn là hộ gia đình, cá nhân. Thực tế, theo kiểm tra, rà soát của chúng tôi thì trong tổng số hơn 2.000 trang trại trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện nay chỉ có khoảng 70 trang trại đảm bảo đạt những tiêu chí mới do Bộ NN&PTNT đề ra nên khó tiếp cận nguồn vốn chính sách”.
Rõ ràng ở đây, ngân hàng và trang trại chưa thể tìm được tiếng nói chung…
Trường Lưu