Trong vụ cháy “chung cư mini” dẫn đến nhiều người thương vong tại Hà Nội vừa qua, nhiều nạn nhân đã thoát hiểm do may mắn, do vị trí thoát hiểm thuận lợi và có cả những trường hợp an toàn do có kĩ năng thoát hiểm cần thiết. Như trường hợp một gia đình ở tầng 3, khi xảy ra vụ cháy, người chồng đã lập tức sử dụng búa trang bị sẵn để phá hàng rào, sau đó dùng thang dây đưa vợ con trèo xuống đất, được người dân hỗ trợ, thoát nạn.
Trong vụ cháy chung cư Carina ở quận 8, TP HCM cách đây mấy năm khiến 13 người thiệt mạng, một số gia đình nhờ có phương án xử lý bình tĩnh trong đám cháy mà không chịu tổn thương gì. Anh P.D.T, chủ nhân một căn hộ trong chung cư chia sẻ, thời điểm đám cháy lan ra, khói bốc lên cuồn cuộn, người đổ xô chạy nhốn nháo. Anh ở tầng 11, muốn thoát xuống dưới không dễ, cầu thang dẫn lên sân thượng đã quá đông. Đám cháy lại bắt nguồn từ phía tầng hầm, nên anh T. đánh giá lửa sẽ mất nhiều thời gian để lan đến, quan trọng là xử lý sức nóng và hơi ngạt.
Do đã được tập huấn qua xử lý tình huống trong trường hợp cháy nổ, anh T. nhanh chóng kêu gọi cả gia đình dùng các loại vải trong nhà thấm nước ướt và nhét kín các khe cửa nối với hành lang để ngăn chặn khói tràn vào. Sau đó, cả nhà cũng đeo các loại khẩu trang vải, khẩu trang tự chế được thấm ướt, ra ban công cho thoáng khí và chờ cứu hộ giải cứu. Nhờ vậy, cả gia đình anh đã an toàn thoát hiểm trong đám cháy.
Có một thực tế được các chuyên gia phân tích, nhiều trường hợp bị thương, tử vong trong đám cháy không phải là do bị phỏng lửa mà từ hơi khói làm ngạt thở, hoặc nhảy từ trên cao xuống gây chấn thương. Trong đám cháy, nếu nạn nhân mất bình tĩnh, chưa có kĩ năng thoát hiểm, chưa bao giờ nghĩ đến phương án thoát hiểm khi có hỏa hoạn thì rất dễ bị lúng túng, hoảng loạn, mất phương hướng, hoặc dồn ép nhau trong lối thoát hiểm, hoặc không xác định mình ở vị trí nào thì nên thoát đi theo lối nào, dùng đến phương án gì... Điều này dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc mà nếu các gia đình bình tĩnh và có kĩ năng hơn thì có thể không xảy ra.
Chị Nguyễn Vân, mẹ của hai em nhỏ, hiện đang sống tại chung cư Easten, quận 9, TP Thủ Đức, TP HCM chia sẻ: “Khi lựa chọn không gian căn hộ để sinh sống, tôi cũng có nghiên cứu kĩ lưỡng về mức độ thông thoáng, kết cấu của tầng hầm, hành lang, lối thoát hiểm nơi đây và nghĩ mình khá an toàn. Tuy nhiên, sau nhiều vụ cháy nghiêm trọng xảy ra gần đây, tôi cũng có nhiều băn khoăn. Nhà có 3 mẹ con ở tầng 12, khó dùng thang dây như nhiều gia đình tầng dưới. Như vậy mình cần đến một chuyên gia để nghiên cứu, lập cho mình giả định là nếu cháy thì 3 mẹ con tôi thoát hiểm lối nào cho an toàn nhất? Tôi nghĩ nếu ban quản lý tòa nhà có một chuyên gia đến hướng dẫn phương án cụ thể cho cư dân thì rất tốt. Còn nếu không, tôi xác định là phải cùng hai con đi học một khóa về thoát hiểm an toàn”.
Ngoài những tai nạn như cháy nổ, mỗi gia đình cũng cần trang bị cho các thành viên nhiều kĩ năng khác. Tùy vào khu vực sinh sống để gia đình có thể chú trọng đến tập huấn về kĩ năng nào kĩ lưỡng hơn. Như kĩ năng về ứng phó khi xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn, động đất, trộm cướp đột nhập vào nhà... cho các gia đình ở đô thị phù hợp với từng loại hình nhà ở như chung cư hay cư xá, nhà mặt đất. Ở nông thôn cũng có nguy cơ đối diện lốc xoáy hay những đám cháy lan mạnh mẽ vào mùa khô...
Theo các chuyên gia, tại các nước phát triển trên thế giới, nhiều học sinh và gia đình đã được học từ rất sớm các phương án ứng phó cho từng trường hợp: nhận biết mức độ nguy hiểm của tai nạn, cách ứng xử trong từng tình huống và vị trí đứng, sử dụng nhuần nhuyễn các dụng cụ cứu hộ, thoát hiểm như thế nào, xin giúp đỡ ra sao, hội tụ gia đình ở đâu sau thoát hiểm...
Bên cạnh những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc rà soát, chấn chỉnh các hạng mục an toàn tại các khu dân cư, thì chính bản thân mỗi gia đình cần phải chủ động lên kịch bản “cứu” mình trước những tai nạn bằng việc trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để đối phó với các tình huống nguy hiểm và khẩn cấp trong cuộc sống hàng ngày.