Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam giai đoạn mới:
Bảo đảm đồng bộ, hiệu quả trong xây dựng và thi hành pháp luật
LTS: Nghị quyết 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới” đã nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững. Đây cũng là nội dung quan trọng được đặt ra tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhằm đáp ứng được yêu cầu kiến tạo phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Kỳ 1: Trăn trở với 'tuổi thọ' của luật
Bên cạnh việc còn thiếu thống nhất, chồng chéo, mâu thuẫn… thì còn tình trạng văn bản luật thiếu quy định cụ thể, hay phải sửa đổi, bổ sung, “tuổi thọ” của luật không cao, dẫn đến giảm hiệu lực, hiệu quả khi đưa pháp luật vào cuộc sống. Đó là một thực tế đã được nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia pháp lý chỉ ra.
Một số quy định trong luật chưa cụ thể
Phải khẳng định, thời gian qua, công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật đã được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được nhiều thành quả quan trọng. Nghị quyết 27-NQ/TW cũng khẳng định, hệ thống pháp luật đã được hoàn thiện một bước cơ bản; vai trò của pháp luật và việc thực thi pháp luật được chú trọng trong tổ chức, hoạt động của Nhà nước và xã hội. Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp ngày càng rõ hơn và có chuyển biến tích cực. Tổ chức và hoạt động của Quốc hội (QH) có nhiều đổi mới, chất lượng được nâng cao…
Sớm xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, bảo đảm chất lượng
“Quốc hội cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của mình trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật; sớm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Ưu tiên xây dựng mới, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội”.
(Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, QH khóa XV)
Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới, công tác xây dựng pháp luật (XDPL) và thi hành pháp luật vẫn còn hạn chế, bất cập. Đó là hệ thống pháp luật còn cồng kềnh, thiếu đồng bộ, tính ổn định chưa cao; một số quy định chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, khó đi vào cuộc sống; tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản hướng dẫn chưa được khắc phục triệt để…
Phân tích về hiện tượng này, ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hạn chế lớn nhất trong công tác XDPL là luật ban hành không cụ thể. Đây là “căn bệnh” trầm kha, dẫn đến hậu quả khôn lường cho hàng triệu người dân.
“Một số quy định trong luật mới chỉ dừng lại ở những nguyên tắc chung, chưa cụ thể để thi hành được ngay mà còn phải ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Nhưng việc ban hành các văn bản này thường chậm, còn nhiều hạn chế, bất cập cả về năng lực và tính trong sáng, khách quan. Trong khi đó, tiêu cực trong đấu giá, đấu thầu, chứng khoán, mua sắm tài sản công, đất đai… thường phát sinh từ những quy định sơ hở, mang tính lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành” - ông Nguyễn Đình Quyền chỉ rõ.
Thừa nhận công tác XDPL thời gian qua vẫn tồn tại những “lỗ hổng”, Đại biểu QH Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH) cho rằng, trong tổ chức thực hiện vẫn có những văn bản hướng dẫn luật chậm ban hành, hoặc có những hướng dẫn không phù hợp với luật. “Có những văn bản luật có hiệu lực thi hành cả năm, thậm chí là 2 năm mà Nghị định của Chính phủ hoặc Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành chưa có, hoặc có hướng dẫn nhưng lại bất cập, có nội dung trái luật. Tôi cho đây là vấn đề mấu chốt cần phải sửa và khắc phục” - Đại biểu Hòa kiến nghị.
Nhiều chuyên gia pháp lý cũng cho rằng, bên cạnh sự thiếu chi tiết là tình trạng “cát cứ quyền lực” trong xây dựng luật. Tại một hội nghị lấy ý kiến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được tổ chức vài năm trước, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, một dự án bất động sản đang phải chịu sự tác động của 9 bộ luật, hàng chục thông tư hướng dẫn thi hành, chưa kể nhiều thủ tục do các bộ ban hành với nhiều nội dung không thống nhất, thậm chí “đá nhau”. Trong khi chỉ cần một thủ tục không rõ ràng, một khái niệm với nhiều cách hiểu khác nhau sẽ khiến quy trình đầu tư bị đình trệ, giá thành sản phẩm bị đẩy lên, môi trường đầu tư bị “méo mó”.
Cùng với đó là thành phần Ban soạn thảo chưa cải tiến, vẫn chủ yếu là các cơ quan đề xuất, kiến nghị sửa đổi luật; khi họ tự sửa cho mình thì đương nhiên tính khách quan sẽ giảm đi. Ngoài ra, công tác tập hợp hóa, pháp điển hóa chưa làm thường xuyên nên không nhận diện ra được những xu hướng thay đổi của các quan hệ xã hội để kịp thời sửa đổi, bổ sung.
Thiếu sự ổn định
Phát biểu trước nghị trường QH, nhiều đại biểu QH đã thẳng thắn chỉ ra tình trạng luật mới ban hành trong thời gian rất ngắn đã phải xem xét sửa đổi, bổ sung, dẫn đến mất niềm tin của nhân dân và nhà đầu tư. Nêu trăn trở này, các đại biểu cũng đặt câu hỏi: Luật thường xuyên phải thay đổi như vậy là do cuộc sống thay đổi quá nhanh hay do chất lượng xây dựng luật chưa cao? Một số đại biểu cũng phản ánh, nhiều dự thảo luật khi thông qua đã rất khác so với nội dung trình ban đầu. Chẳng hạn, dự án luật lúc đầu chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều, nhưng sau đó lại thành luật sửa đổi… Đây chính là tình trạng “vừa thiết kế, vừa thi công” trong lập pháp.
Nêu lên hiện trạng “tuổi thọ” của luật quá ngắn, Đại biểu QH Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho biết, trong 72 luật đã thông qua trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, có hơn 1/3 là luật sửa đổi và bổ sung. Điều đó cho thấy “tuổi thọ” của luật còn hạn chế...
Minh chứng cho thực trạng này là Luật Đầu tư năm 2014, được sửa đổi, bổ sung 5 lần vào các năm 2015, 2016, 2017, 2018, 2019 và được sửa đổi toàn diện năm 2020. Như vậy, chỉ sau một năm ban hành, Luật này đã phải tiến hành sửa đổi. Tương tự, Luật Xây dựng năm 2014 cũng được sửa đổi, bổ sung 4 lần vào các năm 2016, 2018, 2019 và 2020…
Một ví dụ điển hình hơn cả cho câu chuyện luật mới ban hành, chưa đưa vào cuộc sống đã phải sửa đổi là Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015. Bộ luật này được QH khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 10 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 109/2015/QH13 của QH về việc thi hành BLHS, các cơ quan hữu quan đã phát hiện nhiều sai sót kỹ thuật, một số quy định chưa hợp lý, khó áp dụng trong Bộ luật... Do vậy, ngày 29/6/2016, QH đã ban hành Nghị quyết số 144 về việc lùi hiệu lực thi hành của BLHS năm 2015 cùng với 3 luật khác có liên quan từ ngày 1/7/2016 đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS có hiệu lực thi hành (trừ quy định tại một số điều khoản tại Nghị quyết này). Nghị quyết 144 cũng bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và trình QH khoá XIV tại Kỳ họp thứ hai.
Cố gắng khắc phục cơ bản những tồn tại, bất cập đã được nhận diện
Phát biểu kết luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ QH khóa XV”, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Nghị quyết Đại hội XIII yêu cầu hệ thống pháp luật phải bảo đảm cả về hình thức, nội dung và chất lượng. Hình thức thể hiện các văn bản phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo, trùng lặp giữa các đạo luật; bảo đảm tính khả thi, công khai, minh bạch, có tính ổn định, có khả năng tiên liệu và tuổi thọ tương đối lâu dài. Nhưng chất lượng các dự án luật phải đặt lên hàng đầu… Chất lượng các đạo luật cuối cùng là phải phản ánh được thực tế cuộc sống, phải đáp ứng được yêu cầu kiến tạo phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và các yêu cầu về quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, trật tự an toàn của đất nước. Cuộc sống mà không được thể hiện trong các văn bản pháp luật thì pháp luật khó lòng đi vào cuộc sống được.
Trong xây dựng pháp luật, cần phải ưu tiên cao nhất cho chất lượng, kiên quyết không chạy theo số lượng, cố gắng khắc phục cơ bản những tồn tại, bất cập đã được các cơ quan nhận diện và chỉ ra trong quá trình tổng kết...