Những "vết sẹo" vô hình
"Làm công tác xã hội ở lĩnh vực này rất độc hại", bà Dương Thị Ngọc Linh – UV ĐCT, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng một lời khẳng định.
Độc hại bởi lẽ, hàng ngày, những người như bà phải đối mặt với những câu chuyện đau lòng, những vết thương tinh thần của những người phụ nữ, những bé gái bị bạo hành... Mỗi câu chuyện là một mảnh đời tan vỡ, là những nỗi đau chồng chất khó có thể lên lời.
Bà cho biết, bản thân công việc đòi hỏi người làm công tác xã hội không chỉ lắng nghe, đồng cảm, mà còn phải tư vấn, hướng dẫn cho các nạn nhân cách vượt qua khó khăn, tìm lại niềm tin vào cuộc sống. Và trong quá trình ấy, chính họ cũng phải đối mặt với những cảm xúc tiêu cực, những "vết sẹo" vô hình trong tâm hồn.
Hơn 27000 câu chuyện "đi về phía bình yên"
Từ năm 2007 đến nay, Ngôi Nhà Bình Yên đã tiếp nhận và hỗ trợ hơn 27000 phụ nữ và trẻ em đến từ khắp mọi miền đất nước. Mỗi người đến với Ngôi Nhà đều mang trong mình một câu chuyện riêng, một nỗi đau riêng. Có người bị chồng bạo hành thường xuyên, có người bị chính người thân trong gia đình xâm hại, có người phải chịu đựng cuộc sống địa ngục trong một thời gian dài...
Sau khi được sống những ngày tại Ngôi Nhà Bình Yên, họ đã được trở lại với cuộc đời khi mọi thứ xung quanh đã… Bình yên.
Tuy nhiên, con đường đến với "bình yên" không phải lúc nào cũng bằng phẳng.
“Nhiều người phụ nữ bị bạo hành không dám lên tiếng và tìm kiếm sự giúp đỡ. Họ còn e ngại, xấu hổ, hoặc thậm chí cho rằng đó là chuyện riêng của gia đình. Nhiều người trong số họ vẫn chưa thực sự tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn. Họ cũng không muốn tiết lộ danh tính, hoặc đơn giản là họ chưa sẵn sàng để đối diện với quá khứ." – bà nhận định.
Minh chứng cho sự ẩn mình này của những người phụ nữ bị bạo hành, bà Linh kể: Khi Trung tâm Phụ nữ và phát triển biên soạn cuốn sách "Đi về phía bình yên", trong số 27.000 người từng được Ngôi Nhà Bình Yên hỗ trợ, chỉ có 12 người đồng ý chia sẻ câu chuyện của mình.
"Họ sợ hãi, xấu hổ, hoặc cảm thấy tự ti khi phải kể về những gì mình đã trải qua. Có người lo lắng câu chuyện của mình sẽ ảnh hưởng đến gia đình, con cái. Cũng có người chỉ đơn giản là muốn quên đi quá khứ, bắt đầu một cuộc sống mới." bà Linh phân tích.
Thông cảm với những nỗi niềm ấy những người làm công tác trong Ngôi Nhà Bình Yên hiểu rằng, việc chia sẻ những tổn thương trong quá khứ không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, họ vẫn mong muốn những người phụ nữ bị bạo hành có thể cởi mở hơn, chia sẻ với những người có thể giúp đỡ mình, để từ đó vượt qua nỗi đau và tìm lại bình yên trong tâm hồn.
"Phá vỡ im lặng" - Thông điệp gửi những mảnh đời bất hạnh
Khi được hỏi về sự thay đổi của vai trò người phụ nữ trong xã hội trong 5 năm trở lại đây, bà Linh nhận định:
"Tôi thấy vai trò của người phụ nữ đã có sự thay đổi rất rõ nét. Phụ nữ ngày nay đã tự tin hơn, hiểu biết hơn về quyền lợi của bản thân, dám lên tiếng và đấu tranh cho những gì mình xứng đáng được hưởng. Họ có thu nhập riêng, có tiếng nói riêng, và không còn phụ thuộc hoàn toàn vào nam giới."
Bà cho rằng, sự thay đổi này đến từ nhiều yếu tố, trong đó có sự phát triển của kinh tế - xã hội, sự tiếp cận thông tin dễ dàng hơn, và những nỗ lực trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới.
Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh rằng, bên cạnh những tiến bộ đáng khích lệ, vẫn còn nhiều thách thức phải vượt qua để phụ nữ thực sự có được vị thế bình đẳng trong xã hội.
Trăn trở trước thực trạng bạo lực gia đình vẫn còn tồn tại, và nhiều phụ nữ vẫn còn e ngại lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình, bà mong muốn những người phụ nữ đang chịu đựng bạo lực hãy lên tiếng, đừng im lặng. “Đừng để nỗi đau ám ảnh cuộc đời bạn. Hãy mạnh mẽ vượt qua và tìm lại cuộc sống bình yên.” - bà chủ của Ngôi Nhà Bình Yên nhắn nhủ!