Tiếp nối truyền thống gia đình, 9 tuổi tham gia cách mạng
Trần Nam Phú xuất thân trong gia đình hai bên nội ngoại đều có truyền thống yêu nước. Ông là cháu ngoại của nhân sĩ tham gia phong trào Đông Du - Đặng Bỉnh Thành (Trà Ôn - Vĩnh Long). Có lẽ vì thế, tinh thần yêu nước đã ăn sâu vào tâm thức và thôi thúc ông phải hành động.
Từ khi 9 tuổi, cậu bé Trần Nam Phú đã nhiệt tình tham gia Đội Thiếu niên Cứu quốc, 10 tuổi thoát ly gia đình vừa học, vừa hoạt động. Ông bị địch bắt và cầm tù khi mới 21 tuổi nhưng ý chí và nghị lực của người đảng viên trẻ vẫn không nao núng. Trần Nam Phú vẫn bí mật liên hệ với tổ chức đảng trong tù để hoạt động.
Sau khi ra tù, ông lại tiếp tục tham gia cách mạng với tinh thần hăng say, nhiệt huyết hơn và luôn vững niềm tin “dù gian khổ, hy sinh hơn nữa nhưng sự nghiệp giải phóng miền Nam nhất định thắng lợi”. Hơn thế nữa, ông còn là người luôn truyền cảm hứng, khích lệ anh em đồng đội, đồng chí luôn vững tin vào chính nghĩa và sự đoàn kết của quân và dân ta nhất định sẽ mang lại thắng lợi.
Trần Nam Phú là một lãnh đạo tài ba, thao lược và nghĩa tình. |
Ông được trui rèn và trưởng thành từ thực tế cách mạng. Những khó khăn, thách thức trong chiến tranh đã tôi luyện và đào tạo nên một chiến sĩ kiên trung, bản lĩnh như Trần Nam Phú. Trong chiến tranh hay thời kỳ độc lập, ông đều được giao đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trong lực lượng vũ trang và chính quyền.
Dù ở cương vị nào ông cũng bộc lộ tài năng, bản lĩnh, sự khéo léo, cương trực, quyết đoán, đặc biệt là khả năng “chớp thời cơ” để tạo nên những trận thắng lớn ngoài mong đợi. Vì vậy, ông luôn được cấp trên tin tưởng, đồng chí, đồng đội và Nhân dân quý mến.
Với Trần Nam Phú, “đã theo Đảng làm cách mạng thì lý tưởng Cộng sản phải là “kim chỉ nam” cho mọi lúc, mọi nơi, nhất là khi khó khăn, gian khổ, thậm chí phải chấp nhận hy sinh”. “Khó khăn là tạm thời, sự nghiệp cách mạng nhất định thắng lợi. Địch càng tàn bạo, tức là chúng càng đi vào tình thế tự sát bởi chúng tạo cho lòng căm thù của quần chúng cách mạng càng cao. Từ đó, phong trào cách mạng của quần chúng dâng lên thành “tức nước vỡ bờ””.
Đồng chí Trần Nam Phú - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chính trị viên Tỉnh đội Cần Thơ phát biểu trong Lễ kết nghĩa giữa quân dân Cần Thơ với Trung đoàn 1 (U Minh), năm 1973. |
Luôn được giao trọng trách quan trọng ở những thời điểm quan trọng
Điều “đặc biệt” trong sự nghiệp cách mạng của Trần Nam Phú là luôn được giao trọng trách quan trọng vào những thời điểm quan trọng, mang tính quyết định đến sự thành bại của cách mạng địa phương. Từ đó, giúp ông tạo nên những trận đánh thắng lợi và điểm nhấn ấn tượng.
Nhận định về ông, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã viết: “Nhìn lại những thời điểm và dấu mốc mà anh Năm Phú (cách gọi thân thương dành cho đồng chí Trần Nam Phú - PV) được giao trọng trách, có thể nói anh chính là người thủ lĩnh, người lãnh đạo, chỉ huy ở những thời điểm quan trọng, khó khăn và có tính bước ngoặc của quê hương Cần Thơ - Hậu Giang”.
Ông làm Bí thư Tỉnh đoàn Cần Thơ vào thời điểm quân ta quyết “tổng công kích - tổng khởi nghĩa” trên toàn miền Nam, trong đó Cần Thơ là trọng điểm của Khu 9. Lúc này, ông đã phát huy vai trò thủ lĩnh, vận động, lãnh đạo thanh niên tích cực tham gia. Nhiều hoạt động ông khởi xướng đã phát huy sức mạnh tuổi trẻ trong kháng chiến, góp phần giành thắng lợi cho cách mạng.
Trên cương vị Bí thư Khu đoàn Tây Nam Bộ, ông đã giúp cho hệ thống tổ chức đoàn và phong trào thanh niên khởi sắc trong thời gian ngắn. Trần Nam Phú luôn nêu cao tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, tiên phong đi vào vùng khó khăn, gian khổ. Ông chủ trương hướng về cơ sở, dù thành thị hay nông thôn đều tập trung vận động, giáo dục, phát triển lực lượng để xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh. Điều đó đã khơi dậy niềm tin, sức mạnh và nhiệt huyết trong lực lượng thanh niên, giúp tuổi trẻ trở thành “cánh tay đắc lực” cho cách mạng trong công cuộc giải phóng dân tộc.
Đồng chí Trần Nam Phú - Chính trị viên Tỉnh đội (hàng trước, thứ ba từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, chiến sĩ cơ quan Tỉnh đội Cần Thơ, năm 1973. |
Khi được tin tưởng giao nhiệm vụ mới làm Chính trị viên Phó Tỉnh đội rồi Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chính trị viên Tỉnh đội Cần Thơ có vẻ như một thách thức với Trần Nam Phú. Tuy nhiên, bằng khả năng và bản lĩnh chiến trường thực thụ, ông đã cùng đồng đội không ngừng rèn luyện, nỗ lực bất chấp “mưa bom, lửa đạn” tích cực “đánh địch, chống càn, diệt ác, phá kềm, lập nên những chiến công oanh liệt”.
Với tư duy của một nhà chiến lược tài tình, nắm bắt rõ tình hình chiến sự nên khi Hiệp định Paris được ký kết lập lại hòa bình tại Việt Nam ông vẫn chỉ đạo quân dân Cần Thơ đề cao cảnh giác, chủ động đánh địch bất kỳ lúc nào. “Đây là cách làm hay, không để bị động, bất ngờ, đẩy địch vào thế bị động, lúng túng, tạo thế và lực mới cho cách mạng, rất được hoan nghênh, nhiều nơi học tập rút kinh nghiệm”, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đánh giá.
Đặc biệt, trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, ông được giao chỉ huy tiến công và nổi dậy giành chính quyền tại thị xã Vị Thanh - một trong hai trọng điểm ở miền Tây Nam Bộ. Rạng sáng ngày 1/5/1975, quyết định chớp thời cơ, Trần Nam Phú tập trung toàn lực tấn công các mục tiêu then chốt trên địa bàn thị xã và giành thắng lợi, giành chính quyền về tay Nhân dân sớm hơn 1 ngày so với kế hoạch, góp phần giải phóng hoàn toàn tỉnh Cần Thơ. Khi đất nước hòa bình, độc lập, địa phương đối diện nhiều vấn đề phức tạp, mới mẻ nhưng ông vẫn khéo léo điều hành, vượt khó, giải quyết mọi việc đều thấu tình, đạt lý.
Năm 1987, khi được giao trọng trách Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang ông đã cùng Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện đường lối đổi mới trên quê hương Hậu Giang, tạo tiền đề cho Hậu Giang (bao gồm TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng ngày nay) phát triển. Với sự linh hoạt tài tình và tư duy quân sự sắc sảo, dù đưa vào hoàn cảnh và vị trí nào Trần Nam Phú cũng có cách khơi dậy tinh thần chiến sĩ, phát huy khả năng và nội lực quân dân để hòa nhịp chung vào bản hùng ca vẻ vang của dân tộc.
Đồng chí Trần Nam Phú - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chính trị viên Tỉnh đội Cần Thơ kéo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam trước Dinh tỉnh trưởng Chương Thiện, ngày 1/5/1975. |
Nghĩa tình “anh Năm Phú”!
Bên cạnh việc là một người lãnh đạo, thủ lĩnh tài năng, thao lược, Trần Nam Phú còn là một người có tấm lòng nhân hậu, bao dung, sống có nghĩa, có tình và luôn tôn trọng người khác. Lật giở từng trang sách “Trần Nam Phú - qua góc nhìn đồng đội” do Lư Văn Điền - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ tuyển chọn với hơn 40 bài của đồng chí, đồng đội viết về Trần Nam Phú cũng thấy được ân nghĩa và tình cảm của ông để lại sâu sắc đến dường nào. Những từ ngữ như “nghĩa tình”, “quý mến”, “gần gũi, thân tình”, “kính mến”, “ân tình”, “thương lính như con” được thể hiện trong tiêu đề từng bài viết xuyên suốt quyển sách cũng đã phần nào lột tả được tính tình và cách sống của người thủ lĩnh Trần Nam Phú trong lòng đồng đội, đồng chí và Nhân dân.
Nhiều câu chuyện cảm động, kỷ niệm sâu sắc được thuật lại như một lời cảm ơn và tri ân sâu sắc đối với những cống hiến và tình cảm Trần Nam Phú để lại cho quê hương Cần Thơ - Hậu Giang. Người đọc không khỏi xúc động khi nghe những câu chuyện: Người chạy xe ôm đến thắp hương cho ông Chủ tịch tỉnh vì “ổng được lắm, ổng tốt lắm”; người chỉ huy luôn giành phần nặng nhọc về mình, chan hòa với đồng đội, không phân biệt chức vụ; vị lãnh đạo luôn quan tâm đến đời sống cấp dưới; vị lãnh đạo thương lính như con…
Sau kháng chiến, mặc dù tất bật với công việc sau độc lập nhưng Trần Nam Phú vẫn sắp xếp và dành nhiều thời gian để thăm đồng đội, đồng chí và những gia đình đã từng đùm bọc, giúp đỡ cách mạng trong thời kỳ khó khăn. Theo lời kể của nhiều cán bộ lão thành cách mạng, Trần Nam Phú có một thói quen rất ấm áp và thâm tình đó là đi tới đâu công tác ông cũng hỏi thăm đồng chí, đồng đội quen biết, nhất là những người đã từng công tác chung.
Ban Chỉ huy Mặt trận giải phóng xã Vị Thanh, năm 1975 (Đồng chí Trần Nam Phú đứng thứ năm từ phải sang). |
Theo lời kể của ông Lư Văn Điền - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ, khi nhắc lại kỷ niệm hồi kháng chiến anh Năm nhắc nhiều về những người đã giúp đỡ cách mạng trong kháng chiến. “Thương nhất là ông bà Ba Vĩnh, ông bị mù cả hai mắt mà vẫn leo bẻ dừa, ra đồng giăng câu bắt cá để nuôi anh em mình… Cần phải luôn ghi nhớ, sống thật xứng đáng với những ân tình sâu nặng đó, chú à”.
Cuối tháng 12/1991, khi bệnh tình trở nặng và trên đường từ Bệnh viện Thống nhất TP HCM về nhà, nghe Đài thông tin Quốc hội thống nhất chia tỉnh Hậu Giang để tái lập tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng, ông vui mừng quên cả cơn đau. Từ đó, mới thấy được sự tận tâm của Trần Nam Phú, những phút cuối đời vẫn còn nặng lòng với việc dân, việc nước, mong muốn đất nước và quê hương phát triển phồn thịnh, Nhân dân có cuộc sống hạnh phúc, ấm no.
Đồng chí Trần Nam Phú, tên khai sinh Trần Ngọc Ánh (bí danh Thanh Hồ, Năm Phú). Mọi người thân thương gọi là “Năm Phú”. Ông sinh ngày 19/5/1937 tại xã Thuận Thới, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh; trú quán tại xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ. Cả cuộc đời dành trọn cho cách mạng. Ông từng đảm nhiệm các chức vụ quan trọng như: Chánh Văn phòng huyện ủy Phụng Hiệp, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Cần Thơ, Bí thư Tỉnh Đoàn Cần Thơ, Bí thư Khu đoàn Tây Nam Bộ, Chính trị viên Tỉnh đội Cần Thơ, Phó Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Cần Thơ, Giám đốc Công an tỉnh Hậu Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang (cũ). Cuối tháng 12/1991 ông qua đời vì bạo bệnh khi mới 54 tuổi.