Theo đó, UBND TP kiến nghị giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế doanh nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu) của các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trên các lĩnh vực nói trên và đề xuất lùi thời gian nộp thuế sang quý 3 hoặc quý 4/2020. Việc hỗ trợ miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này được thực hiện theo hướng miễn, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% thuế nhập khẩu; đồng thời, giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động trong lĩnh vực du lịch trên cơ sở đánh giá thiệt hại của dịch bệnh.
Về chính sách tài chính, tín dụng, TP kiến nghị cho phép tham gia gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng đã được Chính phủ phê duyệt và đang giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai. Đồng thời, giãn thời gian trả nợ đến hạn cho doanh nghiệp và không để doanh nghiệp rơi vào nhóm nợ xấu và thực hiện cho vay với lãi suất ưu đãi, giảm lãi suất vay đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực nói trên (trong đó bao gồm cả giảm lãi suất đối với các khoản doanh nghiệp đã vay và giảm lãi suất đối với các khoản vay mới).
Ngân hàng Nhà nước sớm thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp lĩnh vực du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp bằng hình thức cho vay với lãi suất ưu đãi giảm từ 30% trở lên so với lãi suất cho vay.
Về chính sách bảo hiểm xã hội, giãn thời gian nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động hiện đang làm việc tại các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực nói trên do các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính và tình hình biến động nhân sự; giảm 50% bảo hiểm xã hội, bảo hiếm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho các doanh nghiệp.
Về chính sách giảm tiền thuê đất, TP kiến nghị giảm 50% tiền thuê đất phải nộp trong năm 2020 và năm 2021, hoãn nộp tiền thuê đất (miễn lãi suất) sang đầu năm 2021.
Đề nghị hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. |
TP HCM cho rằng, sau khi hết dịch bệnh COVID-19, Chính phủ cần xem xét, mở rộng đối tượng được miễn thị thực cho các thị trường Úc, New Zealand, Ấn Độ, Nga, Canada, Áo, Hà Lan... và tiếp tục thực hiện việc cấp thị thực điện tử, thị thực tại cửa khẩu nhằm giúp các doanh nghiệp mở được thị trường mới, trong bối cảnh các thị trường truyền thống đang bị ngưng trệ. Đồng thời, có chính sách miễn lệ phí visa hoặc cấp visa điện tử dành cho các thị trường khách trọng điếm, thị trường khách tiềm năng có mức chi tiêu cao. Năm 2020, Việt Nam là chủ tịch khối ASEAN nên kiến nghị tăng cường liên kết với các nước trong khối ASEAN xây dựng chính sách visa nhiều quốc gia một điểm đến.
Về hàng không, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam cần có chính sách phù hợp và linh hoạt trong kinh doanh mạng bay và phối hợp với doanh nghiệp trong phục vụ hành khách. Cụ thể, sớm có thông tin chính thức về việc tiếp tục hoặc ngừng các chuyến bay đến Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia đang có bùng phát dịch nhanh chóng; hỗ trợ cho các doanh nghiệp lữ hành dời vé đi các chặng bay khứ hồi giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Nhật Bản trong 2 tuần cuối tháng 2/2020 từ 6 đến 12 tháng trong trường hợp khách dời tour sang thời gian khác.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cần bãi bỏ quy định giờ cao điểm bán điện theo khung giờ (9g30 - 1 lg30); trước mắt, điều chỉnh giảm 50% giá điện giờ cao điểm trong các tháng 3, 4 và 5/2020.