Hiện TP có nhiều mặt hàng có kim ngạch XK trên 1 tỷ USD/năm. Dự kiến, năm 2019 kim ngạch XK sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử ước đạt 10 tỷ USD, dệt may 4,2 tỷ USD, giày dép 1,9 tỷ USD, máy móc, thiết bị, dụng cụ khoảng 1,6 tỷ USD và nhiều mặt hàng có kim ngạch XK trên 500 triệu USD/năm như gạo, thủy hải sản, hàng rau quả, phương tiện vận tải và phụ tùng… Trong các thị trường, Trung Quốc và Mỹ vẫn là hai thị trường XK lớn nhất. Kế đến là Nhật Bản, Hong Kong, Hàn Quốc, Đức, Hà Lan, Ấn Độ...
Theo đánh giá của Sở Công Thương, hoạt động XK của TP đã đến ngưỡng giới hạn, khó tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng trong thời gian tới nếu không có giải pháp chiến lược, đột phá. Kim ngạch XK ngày càng phụ thuộc vào khối DN có vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều mặt hàng có kim ngạch XK lớn như sản phẩm điện, điện tử, dệt may, giày dép chủ yếu do DN có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất, XK.
Theo TS Đinh Công Khải, Viện trưởng Viện Chính sách công (ĐH Kinh tế TP HCM), gần đây XK của TP đang mất dần lợi thế cạnh tranh, khả năng đa dạng hóa sản phẩm XK và đa dạng hóa thị trường thấp.
XK vẫn theo mô hình tăng trưởng theo chiều rộng và chạy theo thị trường, thiếu định hướng chiến lược phát triển XK theo lợi thế so sánh của TP. Biểu hiện rõ nét nhất là tốc độ tăng trưởng XK có xu hướng giảm so với cả nước và các địa phương, dẫn đến tỉ trọng kim ngạch XK so với cả nước ngày càng giảm.
Ở góc độ DN, Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) kiến nghị, để nâng cao năng lực và giá trị, đẩy mạnh tăng trưởng XK, chỉ còn giải pháp là TP chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu hàng XK sang lĩnh vực sản phẩm công nghệ cao, giá trị gia tăng cao và XK dịch vụ. Mặt khác, triển khai các giải pháp tiếp tục thu hút DN đầu tư nước ngoài; khuyến khích DN các tỉnh, thành giao dịch thương mại, xuất nhập khẩu qua các cảng của TP.
Theo HUBA, những ngành hàng hiện đang chiếm ưu thế XK như dệt may, da giày, chế biến gỗ… vẫn chưa khắc phục được nhược điểm về thâm dụng lao động, năng suất phụ thuộc nhiều vào thiết bị lạc hậu.
Do đó, trong thời gian tới, các DN phải đầu tư vào thiết kế thời trang, xây dựng thương hiệu, chuyển dịch theo hướng sản xuất bằng công nghệ cao. Mặt khác cần trọng tâm vào số ngành có giá trị gia tăng cao, phù hợp điều kiện TP như phần mềm tin học, dịch vụ tài chính, du lịch y tế (phẫu thuật thẩm mỹ, nha khoa…) có khả năng phát triển trong thời gian khá dài và nâng kim ngạch XK.
Ông Nguyễn Ngọc Hoà, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, thời gian tới TP sẽ tiếp tục duy trì và hỗ trợ các sản phẩm chủ lực, tiêu biểu có kim ngạch và tốc độ tăng trưởng cao, tạo nhiều việc làm và đóng góp ngân sách lớn, đồng thời nâng cấp công nghiệp và gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các ngành hàng XK này; nâng cao năng lực cạnh tranh các cụm ngành XK tiêu biểu như sản phẩm hàng hoá, phần mềm và nội dung số, du lịch…
Về định hướng XK đến năm 2030, ông Hoà cho biết, quan điểm chiến lược của TP là lấy chất lượng tăng trưởng làm nền tảng, chuyển dịch cơ cấu XK theo hướng cung cấp dịch vụ hỗ trợ XK và XK dịch vụ, hàng hoá vô hình (phần mềm, sản phẩm nội dung số). Cân đối hài hoà giữa mục tiêu dài hạn là nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm XK.