Trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) luôn khẳng định vai trò quan trọng trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, cũng như tiên phong, năng động, đi đầu trong công cuộc tái thiết, đổi mới và phát triển kinh tế-xã hội kể từ sau Ngày lịch sử 30/4/1975 - Ngày thống nhất đất nước.
Ngày nay, Đảng bộ, quân và dân Thành phố đang nỗ lực chung sức, đồng lòng, nỗ lực vươn lên sau đại dịch COVID-19, tiếp tục xây dựng TP HCM thành nơi đáng sống, là đầu tàu, là hình mẫu của cải cách, đổi mới và phát triển của cả nước.
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam đã kết thúc thắng lợi. Tháng 7/1976, Quốc hội khóa VI họp kỳ họp đầu tiên để kiện toàn bộ máy Nhà nước Việt Nam thống nhất, thành phố Sài Gòn - Gia Định được vinh dự chính thức mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Bước vào thời kỳ đổi mới, TP HCM luôn là địa phương đi đầu sáng tạo với nhiều mô hình mang tính tiên phong của cả nước, khẳng định tính hiệu quả trên cả lĩnh vực kinh tế và văn hóa - xã hội.
Vào năm 1991, từ đề xuất của TP HCM, Hội đồng Bộ trưởng đã thí điểm cấp giấy phép đầu tư cho Công ty liên danh xây dựng và kinh doanh khu chế xuất Tân Thuận, từ đó, ra đời Khu chế xuất Tân Thuận - khu chế xuất đầu tiên của cả nước. Đến năm 1992, Khu chế xuất Linh Trung tiếp tục ra đời. Năm 1993, Thành ủy TP HCM chủ trương thành lập Trung tâm chứng khoán Thành phố, xây dựng thị trường vốn; và đến năm 2000, Chính phủ cho phép thành lập Trung tâm giao dịch chứng khoán TP HCM - sở giao dịch chứng khoán đầu tiên của Việt Nam. Cũng trong năm 2000, Khu công viên phần mềm Quang Trung hình thành từ việc chuyển đổi mô hình hội chợ triển lãm thành Công viên phần mềm trên cơ sở nghiên cứu, học hỏi Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và một số nước tiên tiến khác. Đây là nơi tập trung nguồn lực để phát triển công nghiệp phần mềm TP HCM và cũng là khu công nghệ thông tin tập trung đầu tiên của cả nước.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên (phải) và Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi tại một buổi họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP HCM tháng 3/2022
Những năm đầu thế kỷ XXI, từ thực tiễn đổi mới, vận dụng đường lối của Đảng, TP HCM đã góp phần quan trọng cùng Trung ương chuyển dần cơ chế chính sách quản lý kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp sang cơ chế quản lý kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều thành phần, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đã có nhiều chính sách được cho phép thí điểm, mang tính đặc thù, cụ thể là Nghị quyết số 20-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2000 về phương hướng, nhiệm vụ, phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị định số 93/NĐ/2001/NĐ-CP của Chính phủ năm 2001 về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TPHCM; Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020.
Trong năm 2017, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 21-KL/TW về thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCMM và Chính phủ ban hành Nghị định 48/2017/NĐ-CP quy định về một số cơ chế, chính sách, tài chính, ngân sách đặc thù cho TPHCM. Cũng trong năm 2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết 54/2017/QH14 thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực. Ngày 16/11/2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền địa phương tại TP HCM; trong đó quy định không tổ chức hội đồng nhân dân cấp quận, phường. Tuy nhiên nhìn lại giai đoạn 2009-2016, TP HCM cũng đã tiên phong thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân quận, phường với kết quả là công việc triển khai nhanh chóng, bộ máy tinh gọn, giảm được tầng nấc, thời gian, quyền làm chủ của người dân được đảm bảo, phát huy và tiết kiệm ngân sách. Đây chính là những quyết sách quốc gia, dù chính thức hay thí điểm, đều có tính kịp thời, phù hợp với tình hình phát triển của Thành phố.
Trên hành trình 47 năm xây dựng và phát triển, Thành phố luôn nỗ lực giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế cả nước, dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động cả nước. Báo cáo chính trị của Đảng bộ TP HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng thể hiện giai đoạn 2016-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố tăng bình quân 6,41%. Thành phố đóng góp 22,2% kinh tế của cả nước, thu ngân sách Thành phố luôn chiếm tỉ trọng lớn nhất cả nước. Thành phố là địa phương có năng suất lao động cao nhất, bằng 2,6 lần cả nước. Thành phố còn là trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn nhất cả nước, chiếm 15% công nghiệp và 33% dịch vụ cả nước.
Chuyến thị sát đầu tiên của đồng chí Phan Văn Mãi trên cương vị Chủ tịch UBND TP HCM xuống cơ sở, động viên các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch. Ảnh VGP/Thuận Thắng
Không chỉ là địa phương tiên phong trong những cải cách về kinh tế, Thành phố cũng là địa phương đi đầu trong các phong trào. Tháng 2/1992, TP HCM là địa phương đầu tiên khởi xướng chương trình "Xóa đói giảm nghèo". Phong trào đoàn kết toàn dân hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, người gặp khó khăn hoạn nạn… là những việc làm sáng tạo, mang đậm tính nhân văn, nghĩa tình của người dân sinh sống và làm việc trên địa bàn, góp phần quan trọng cùng chính quyền Thành phố chăm lo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân. Những phong trào, việc làm đó đã và đang lan tỏa rộng khắp, góp phần tạo nên hình ảnh đẹp về một thành phố nghĩa tình.
TP HCM là nơi khởi điểm các hoạt động đã trở thành chương trình của cả nước như "Mùa hè xanh"; ủng hộ Quỹ "Vì Trường Sa thân yêu, vì tuyến đầu Tổ quốc"; "Góp đá xây Trường Sa", "Tấm lưới nghĩa tình", "Tiếp sức vì Trường Sa thân yêu"... Phát huy nét đẹp văn hóa, truyền thống nghĩa tình, các đoàn công tác của TP HCM hằng năm đều đi thăm, tặng quà, hỗ trợ người dân vùng biên giới, các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ; thăm các đồn biên phòng, đơn vị quân đội bảo vệ biên giới, biển, đảo Tổ quốc...
Đặc biệt, trong hai năm qua, khi dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân, Thành phố từ lúng túng, bị động ban đầu đã chuyển sang linh động, quyết tâm, đoàn kết, sáng tạo các giải pháp phòng, chống dịch bệnh và thực hiện tốt công tác chăm lo người nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, người lao động bị mất việc làm do dịch bệnh… góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn; chung tay cùng cả nước ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh.
Năm 2021, dù phải đối mặt với đợt bùng dịch nghiêm trọng lần thứ tư, nhưng với sự quan tâm chân thành; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của các cấp lãnh đạo; sự chung sức đồng lòng của nhân dân, sựu giúp đỡ của người dân và doanh nghiệp trên cả nước và bạn bè quốc tế, Thành phố vẫn trụ vững, khẳng định mình, nỗ lực vươn lên và có nhiều điểm sáng. Điển hình là cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19, tập trung nguồn lực để đảm bảo an sinh xã hội. Thành phố đã chi hơn 12.000 tỷ đồng hỗ trợ cho các nhóm đối tượng khó khăn. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 383.703 tỷ đồng, vượt dự toán, tăng 3% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu tăng 12,9%; lượng kiều hối về Thành phố ước đạt 6,6 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ.
Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định 3 mốc mục tiêu cụ thể theo tầm nhìn đến năm 2045 của Trung ương, đó là: (1) Đến năm 2025, Thành phố là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người khoảng 8.500 USD; (2) Đến năm 2030, là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á; (3) Tầm nhìn đến năm 2045: Trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu cho cả du khách và các nhà đầu tư quốc tế.
Để thực hiện mục tiêu nêu trên, Thành phố đề ra 06 nội dung trọng tâm:
Một là, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế để phát triển kinh tế Thành phố nhanh và bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động.
Hai là, Thành phố phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững.
Ba là, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, gắn công tác quy hoạch với tổ chức thực hiện quy hoạch, xem quy hoạch là công cụ quan trọng quản lý và điều hành phát triển kinh tế - xã hội.
Bốn là, luôn đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, môi trường hòa bình trong mọi tình huống, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; thực hiện tốt chủ trương kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh; xử lý có hiệu quả các nhân tố ảnh hưởng đến an ninh chính trị, không để phát sinh điểm nóng trên địa bàn.
Cầu Thủ Thiêm 2 - Biểu tượng kiến trúc mới trên sông Sài Gòn hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước
Năm là, tiếp tục triển khai hiệu quả, đồng bộ các hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài trên tinh thần chủ động và sáng tạo, phù hợp với đặc điểm và tình hình của thành phố, tạo môi trường quốc tế thuận lợi, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, phát huy hiệu quả nguồn kiều hối cho sự phát triển toàn diện của Thành phố.
Sáu là, đổi mới quản lý TP HCM; tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội giai đoạn 2017-2022, đẩy mạnh cải cách hành chính với những giải pháp thiết thực, cụ thể, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả công tác cải cách hành chính.
Đặc biệt, trên cơ sở 03 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Thành phố vận dụng sáng tạo để xây dựng 03 chương trình đột phá, đồng thời đề ra 01 chương trình trọng điểm với tổng số 51 đề án, nội dung thành phần phù hợp với thực tiễn, là nhiệm vụ thường xuyên, cũng là lâu dài để tạo tiền đề vững chắc phát triển Thành phố, bao gồm:
(1) Chương trình đột phá đổi mới quản lý Thành phố;
(2) Chương trình đột phá phát triển hạ tầng Thành phố;
(3) Chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa Thành phố;
(4) Chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực Thành phố.
Qua bốn làn sóng dịch bệnh liên tiếp, đặc biệt, khi các biện pháp phong tỏa trên diện rộng được áp dụng trong thời gian dài, nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp quy mô nhỏ đến các tập đoàn đều bị cuốn vào vòng xoáy đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh; từ đó, đã kéo theo sự sụt giảm của nền kinh tế và lần đầu tiên, tăng trưởng kinh tế thành phố âm.
Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/2022/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể đối với tiến trình vực dậy và tạo sức bật cho nền kinh tế, TP HCM một lần nữa, tiên phong ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội TP HCM giai đoạn 2022-2025[1], xem đây là thời cơ vàng để vực dậy nền kinh tế đầu tàu cả nước. Thành phố xác định rõ mục tiêu và lộ trình triển khai phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
- Giai đoạn phục hồi (từ nay đến hết năm 2022), khắc phục các hệ lụy, khôi phục những đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; giúp những doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có cơ hội tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm, chăm lo an sinh xã hội và các hoạt động văn hóa - xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19.
- Giai đoạn phát triển (2023-2025), tiếp tục kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh; Giải quyết các điểm nghẽn đối với sự phát triển nhanh và bền vững của Thành phố; tập trung mọi nguồn lực để phát huy các thế mạnh của Thành phố: Trung tâm Kinh tế, Tài chính; Trung tâm thương mại - mua sắm; Trung tâm Dịch vụ Logistics; Trung tâm Du lịch; Trung tâm Đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ; Trung tâm Dịch vụ chất lượng cao về y tế, giáo dục; Trung tâm Văn hóa của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Năm 2022, xác định chủ đề là "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp", Thành phố đề xuất những nhóm vấn đề lớn, quan trọng, thiết thực, cấp bách, có tính chất chiến lược lâu dài và kiến nghị Quốc hội phê duyệt, bao gồm: (1) Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP HCM và các cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai thực hiện dự án; (2) Điều chỉnh tăng mức vốn dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, ngoài mức vốn thông báo của Thủ tướng tại Quyết định 1535 (142.557 tỷ đồng); (3) Thông qua Đề án Phát triển TP HCM trở thành Trung tâm Tài chính quốc tế; (4) Đề án trao cho thành phố Thủ Đức thẩm quyền tối đa để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chính trị được giao; (5) TP HCM được tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 đến hết giai đoạn 2023-2025 hoặc Quốc hội sẽ ban hành một nghị quyết mới về cơ chế, chính sách phát triển Thành phố phù hợp với vị trí vai trò của Thành phố để vừa huy động cao nhất nguồn lực phát triển, vừa nâng cao hiệu quả quản lý "một siêu đô thị"; (6) Về áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất khi xác định, thẩm định, quyết định giá đất trên địa bàn TP HCM; (7) Cho phép TP HCM áp dụng cơ chế "đấu thầu dự án" thay cơ chế "đấu giá" đất công để thực hiện theo quy hoạch; bảo đảm sự hài hòa giữa mục tiêu phát triển với mục tiêu thu ngân sách từ quỹ đất; (8) Các nội dung trọng tâm đề xuất cơ chế chính sách phát triển TP HCM; (9) Thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật; (10) Thẩm quyền tổ chức bộ máy hành chính; (11) Thẩm quyền trong lĩnh vực tài chính công.
Gượng dậy sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, TP HCM đã có bước hồi phục và khởi sắc, cho thấy sự nỗ lực, tiềm lực và sức sống mạnh mẽ của mình.
Có thể khẳng định, trải qua 47 năm, từ một thành phố bộn bề khó khăn sau chiến tranh, TP HCM đã vươn lên giữ vị thế đầu tàu kinh tế, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế của đất nước, nơi hình thành và phát triển những phong trào yêu nước mang đậm ý nghĩa nhân văn về một thành phố nghĩa tình - thành phố "vì cả nước, cùng cả nước".
Thành tựu 47 năm qua và những trăn trở để phát triển trong tương lai của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự hỗ trợ của các bộ, ngành.
Để kết thúc bài viết này, tôi xin trích đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi làm việc của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM, ngày 3/9/2020:
"TP HCM là một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; là đầu tàu, động lực có sức hút, lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Trước đây, Sài Gòn là hòn ngọc của Viễn Đông, sau này mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, rực rỡ tên vàng, thiêng liêng không nơi nào có được. Trong kháng chiến, TP HCM rất kiên cường dũng cảm, trong hòa bình có nhiều sáng kiến sáng tạo, nhất là trong công cuộc đổi mới, là thành phố đi đầu đổi mới. Nhân dân có truyền thống anh hùng, là "thành đồng Tổ quốc", đây là vinh dự lớn. Vào thời điểm này, rất cần khơi dậy lòng tự hào của nhân dân TP HCM, phải thấy rõ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của Thành phố, từ đó xác định trách nhiệm làm thế nào xứng đáng những danh hiệu không nơi nào có được".
Phan Văn Mãi
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP HCM
[1] Quyết định số 132/QĐ-UBND ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP HCM