Tổng thống Nga Dmytry Medvedev vừa tuyên bố rằng, cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Nga trên thực tế đã không tiến triển gì kể từ khi ông lên nắm quyền cách đây 2 năm.
Tổng thống Medvedev: “Hoạt động chống tham nhũng của chúng ta chưa làm hài lòng ai. |
Ngay từ năm 2008, người đứng đầu điện Kremlin đã thông qua nhiều biện pháp chống tham nhũng vốn được coi như một trong những hiểm họa của nước Nga.
Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Nga xếp thứ 146 trong số 180 quốc gia được nghiên cứu và số tiền tham nhũng ở nước này lên tới 300 tỷ USD mỗi năm.
Tổng thống Medvedev hiện đang bắt đầu giai đoạn hai trong nhiệm kỳ 4 năm của mình dưới áp lực thực hiện các cuộc cải cách.
Tuy nhiên, những cố gắng mà ông đã làm nhằm cải cách hệ thống tư pháp được cho là vẫn còn “hời hợt”. Trước những chỉ trích, Tổng thống Medvedev mới đây than phiền rằng, một số quan chức đã không thực hiện theo lệnh của ông.
Tuy nhiên, Tổng thống Medvedev thẳng thắn tuyên bố trước các nghị sĩ và các quan chức: “Hoạt động chống tham nhũng của chúng ta chưa làm hài lòng ai. Tôi biết rằng, chúng ta chưa ghi nhận được nhiều thành tích có ý nghĩa trong việc này”.
Tổng thống Nga cũng nói thêm: “Những nỗ lực được triển khai trong khuôn khổ cuộc đấu tranh chống tham nhũng thường xuyên chỉ là ký kết nhiều văn bản giấy tờ mà thôi”.
Ở Nga, tham nhũng thường xuyên bị các lãnh đạo doanh nghiệp tố cáo như một bước cản hoạt động đầu tư. Tập đoàn nội thất Thụy Điển Ikea năm 2009 đã quyết định dừng các dự án mới ở Nga vì “không thể hình dung được thủ tục hành chính tại một số khu vực”
. Những người lái xe ô tô ở Nga thì được cho là luôn để sẵn một tờ 500 rúp trong xe để “bo” cho cảnh sát. Và theo các doanh nghiệp nhỏ, không thể làm được việc khi không trả tiền cho một ai đó, hoặc là cảnh sát hoặc là lính cứu hỏa.
Để đảm bảo cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng một hành lang pháp lý thuận lợi, Tổng thống Medvedev đã ra lệnh cho các quan chức liên bang, các thẩm phán và các nghị sĩ phải công khai lương, tài sản và số xe hơi của họ.
Hôm 14/7, Tổng thống Medvedev giải thích rằng, cần phải làm như vậy nếu muốn phát hiện quan tham. “Tôi cho rằng, việc này cần được nhân rộng ra các khu vực và thành phố” - ông nói.
Tuy nhiên, những chiến sĩ trên mặt trận chống tham nhũng vẫn còn hoài nghi, đồng thời cho biết đa số các nhân vật khá giả nhất còn “giấu tên”, pháp luật không bắt buộc họ phải tiết lộ mức độ đóng góp của họ trong nhiều doanh nghiệp.
Nhiều quan chức cấp cao đang sống một cuộc sống xa hoa nhưng thực tế lương của họ chỉ ở mức trung bình.
Trong bài diễn văn của mình mới đây, Tổng thống Medvedev cũng kêu gọi tăng số cuộc điều tra về tham nhũng trong giới nghị sĩ. Nhưng ông không nêu vấn đề giảm vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế.
Ông Medvedev cổ vũ người dân hãy quay lưng lại với tham nhũng, không đi “đút lót, hối lộ”. Ông nói: “Đó không chỉ là vấn đề pháp lý, đó còn là vấn đề đạo đức. Người nào đưa hối lộ cũng là tội phạm giống như người nhận."
Quang Minh (Theo Reuters, Novelobs)
Hàng năm, chi tiết về tài sản và thu nhập của các quan chức hàng đầu nước Nga được công khai trong một thông báo chính thức. Tổng thống Medvedev năm 2009 đã tuyên bố lương của mình là 115.300 USD. Trong khi đó, theo bảng thống kê năm ngoái, Thủ tướng Putin kiếm được 143.430 USD và ông có 2 ngôi nhà, 2 gara ô tô, 2 chiếc ô tô – 1 chiếc Jeep và 1 chiếc Trailer. Trước đây có thông tin cho rằng tài sản của ông Putin lên tới nhiều tỷ USD. Quan chức giàu có nhất trong nội các của Chính phủ Nga là Bộ trưởng Bộ Môi trường Yuri Trutnev - người kiếm được tới 155 triệu rúp vào năm 2009.