Thủy điện Trung Sơn có tổng mức đầu tư trên 410 triệu USD, trong đó vốn vay của WB là 85%, số còn lại là vốn đối ứng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đây là dự án thủy điện đầu tiên của Việt Nam được WB hỗ trợ vốn.
Trong chuyến thăm công trường thủy điện này hôm 22/3, bà Kristalina I.Georgieva đánh giá, trong lĩnh vực năng lượng, WB nhận thấy Việt Nam là quốc gia có nhiều kinh nghiệm về phát triển năng lượng, nhất là điện lực bởi trong một thời gian ngắn, Việt Nam đã đưa được điện đến hầu hết số xã và số hộ dân ở thành phố lẫn vùng sâu, vùng xa.
“Tuy nhiên, nhiệm vụ của EVN chưa phải đã hoàn thành khi nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khoảng 10%/năm. WB muốn chung tay giải quyết vấn đề này, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang cố gắng tạo ra nhiều nguồn năng lượng từ điện gió, điện mặt trời...”, lời Tổng Giám đốc điều hành WB.
Đối với Dự án Thủy điện Trung Sơn, bà Kristalina I.Georgieva tỏ ra hài lòng vì nó đã được triển khai khá thành công với số vốn gần nửa tỷ USD. “Dự án sẽ đóng góp trên 1 tỷ kWh/năm cho hệ thống điện quốc gia, ngăn lũ vào mùa mưa, cung cấp nước cho nông nghiệp và bảo vệ khu bảo tồn thiên nhiên, giúp bảo vệ vẻ đẹp cảnh quan, mang lại lợi ích xã hội cho người dân, giúp tiết kiệm khoảng 40 triệu USD”, bà Kristalina I.Georgieva nhấn mạnh.
Bà Kristalina I.Georgieva - Tổng giám đốc điều hành WB (thứ 2 phải sang) đi thực tế tại Thủy điện Trung Sơn hôm 22/3 |
Tiếp và làm việc với đoàn công tác của WB, Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri bày tỏ sự cảm ơn WB vì đã hỗ trợ thiết thực về vốn và kỹ thuật cho Dự án Thủy điện Trung Sơn. Ông Tri mong muốn WB xem xét, tiếp tục hỗ trợ EVN trong việc vay vốn để phát triển các nguồn điện mới, nhất là năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng tốc độ tăng trưởng điện của Việt Nam.
Theo đại diện EVN, vấn đề nguồn vốn đầu tư hiện đang là một thách thức lớn đối với tập đoàn này trong bối cảnh Chính phủ sẽ không còn bảo lãnh cho các doanh nghiệp Nhà nước như trước.
Tuy nhiên, theo Phó Tổng Giám đốc EVN, vấn đề vừa đề cập là điều đương nhiên phải làm, để các doanh nghiệp phải trưởng thành. Nhưng, trong bối cảnh tăng trưởng điện của Việt Nam lên tới trên 10%/ năm như hiện nay thì nhu cầu đầu tư của EVN rõ ràng là rất lớn, và đấy chính là thách thức mà tập đoàn năng lượng này phải đối mặt.
Do đó, trong tương lai, EVN sẽ trao đổi và đề nghị WB cách thức để huy động vốn hiệu quả mà không có sự bảo lãnh của Chính phủ.
Được biết, dịp này, Tổng Giám đốc điều hành WB Kristalina I.Georgieva và đoàn công tác của bà cũng đã dành thời gian tới thăm bà con vùng tái định cư của thủy điện thuộc điểm tái định cư Pa Púa (xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
Công trình hạn chế tối thiểu tác động đến môi trường, xã hội
Công trình Nhà máy Thủy điện Trung Sơn được EVN giao Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn thuộc Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2) làm chủ đầu tư, nhà máy bao gồm 4 tổ máy với tổng công suất lắp đặt là 260MW. Đây là công trình nguồn điện được đặt ra mục tiêu hạn chế tối thiểu các tác động về môi trường, xã hội của tất cả các hoạt động thi công, vận hành có liên quan tới dự án.
Hiện, 2/4 tổ máy của công trình này đã đã chính thức phát điện và hoà điện thành công vào lưới điện Quốc gia.