Kỷ lục cả về số tiền chiếm đoạt và số người bị hại
Theo ĐB, nếu như 5 -10 năm trước đây, khi các tổ chức quốc tế khuyến cáo chúng ta về sự gia tăng nhanh chóng cũng như tác hại của tội phạm này đối với nền kinh tế và người dân, chúng ta chưa thể hình dung hết. Đến nay, sau hàng loạt các vụ án, vụ việc thấy rằng khi công nghệ cao đã trở thành phương tiện đa năng, hữu ích, không thể thiếu của cuộc sống con người thì các đối tượng phạm tội cũng đã lợi dụng triệt để thành tựu này vào hoạt động phạm tội.
Qua theo dõi diễn biến của tội phạm này, ĐB nêu ra 4 vấn đề. Thứ nhất, về tình hình tội phạm, theo thống kê của tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế Interpol, trên thế giới cứ 12 giây trôi qua có một vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng việc sử dụng công nghệ cao được thực hiện trót lọt.
“Ở Việt Nam, tần suất của tội phạm này chưa đến mức độ như vậy, nhưng hiện cũng đang diễn biến hết sức phức tạp, với nhiều chiêu thức, thủ đoạn phạm tội mới và xảy ra ở hầu khắp các lĩnh vực. Ngân hàng tưởng chừng như là nơi gửi, giữ tiền một cách an toàn nhất, song theo thống kê của Ngân hàng nhà nước, từ năm 2011 đến nay đã xảy ra 772 vụ trộm tiền tại các máy ATM và 1.967 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng bằng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao.
Hay như vụ sửa kết quả về kỳ thi phổ thông trung học quốc gia vừa qua. Khi thao tác lại hành vi phạm tội với các tiện ích của máy tính, đối tượng chỉ mất 6 giây để sửa một bài thi. Với mạng internet chưa bao giờ tội phạm đánh bạc lại hoạt động một cách dễ dàng và thuận lợi như hiện nay. Các đối tượng có thể đánh bạc ở mọi nơi, mọi lúc, nhiều lần trong ngày và với số tiền không giới hạn…”, ĐB cho biết,
Về thủ đoạn phạm tội, theo ĐB Thủy, các đối tượng đã lợi dụng triệt để công nghệ để thâm nhập vào đời sống dân sinh với đủ loại chiêu trò, thủ đoạn có thể kể đến như sử dụng công nghệ để tạo ra số điện thoại gần giống với số điện thoại của cơ quan pháp luật, sau đó gọi điện cho người dân, thông báo số tiền của họ trong tài khoản đang liên quan đến một vụ án hình sự và yêu cầu phải chuyển ngay cho cơ quan pháp luật do chúng chỉ định để kiểm tra. Nhiều người vì sợ dính dáng đến pháp luật đã chuyển tiền và trở thành nạn nhân của tội phạm này.
Không chỉ lừa đảo các cá nhân các đối tượng còn hướng đến các doanh nghiệp. Thủ đoạn mà chúng thường dùng là tạo ra các email giả gần giống với email của doanh nghiệp, chỉ khác một ký tự. Sau đó gửi email cho các đối tác của doanh nghiệp yêu cầu chuyển tiền thanh toán tiền hàng sang một tài khoản khác, với lý do tài khoản giao dịch hàng ngày đang gặp trục trặc và rất nhiều doanh nghiệp đã bị thiệt hại bởi thủ đoạn này.
Đối với lĩnh vực ngân hàng xuất hiện ngày càng nhiều thủ đoạn mới, như lập các trang web giả giống các trang web của các ngân sách lớn, chỉ khác một ký tự để lừa người dùng truy cập sau đó đánh cắp thông tin, mật khẩu của khách hàng hoặc cài đặt các thiết bị đặt trộm tại các máy ATM, sau đó đánh cắp thông tin, mã pin của khách hàng để chiếm đoạt rút tiền của họ trong tài khoản… và rất nhiều thủ đoạn khác.
Về hậu quả của tội phạm, theo ĐB, qua sử dụng công nghệ cao, công nghệ mạng nên hậu quả của tội phạm này gây ra thường trên một diện rộng và rất nghiêm trọng, lập kỷ lục cả về số tiền chiếm đoạt cũng như số người bị thiệt hại.
“Có thể kể đến như vụ án đánh bạc trực tuyến nghìn tỷ xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh vừa mở phiên tòa vào ngày hôm qua, đã thu hút hơn 42 triệu tài khoản của người chơi tham gia với tổng số tiền đưa vào đánh bạc trên 9.800 tỷ đồng, tổng số tiền phải trả thưởng cho những người tham gia đánh bạc chỉ hơn 2.600 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy số tiền các đối tượng trong đường dây này thu lợi bất chính rất lớn. Với tội phạm công nghệ cao, hậu quả của tội phạm là rất lớn nhưng việc thu hồi hiện đang hết sức khó khăn”, ĐB nhận định
Cuộc chiến "3 không"
Về đối tượng phạm tội và khó khăn của các cơ quan tố tụng, ĐB Thủy chỉ ra rằng hầu hết các đối tượng phạm tội này đều am hiểu công nghệ thông tin, các đối tượng không chỉ biết dùng công nghệ để thực hiện hành vi phạm tội mà còn biết dùng công nghệ để xóa dấu vết, chống phát hiện.
Với tội phạm công nghệ cao, tính ẩn danh của tội phạm rất lớn nên rất khó khăn với các cơ quan tố tụng trong quá trình phát hiện.
Từ những phân tích trên, ĐB bày tỏ sự đồng tình với nhận định của các chuyên gia khi cho rằng cuộc đấu tranh chống tội phạm sử dụng công nghệ cao là cuộc đấu tranh mà ở đó có 3 không: không biên giới, không tiếng súng và không có sự đối mặt trực tiếp giữa kẻ phạm tội với các nạn nhân, nhưng khi đã xảy ra thì quy mô rất lớn, hậu quả rất nghiêm trọng và đấu tranh phát hiện hết sức khó khăn.
Từ những vấn đề đó, ĐB đề nghị Bộ Công an thông tin đầy đủ đến người dân các phương thức, thủ đoạn của tội phạm này để người dân chủ động phòng tránh.
Cùng với đó, ĐB cũng đề nghị các cơ quan tố tụng trung ương dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho các cán bộ tố tụng để xây dựng đội ngũ cán bộ tố tụng đáp ứng yêu cầu mới đặt ra.
Ngoài ra, ĐB Thủy cũng đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tổng kết các vụ án xét xử trong thời gian vừa qua để ban hành các án lệ. “Điều này đặc biệt cần thiết trong điều kiện hiện nay chúng ta còn thiếu về các quy định pháp luật cũng như kinh nghiệm về đấu tranh chống tội phạm này”, ĐB nói.