Năm 2010 số đơn đề nghị giám đốc thẩm tái thẩm mà ngành Tòa án phải giải quyết vẫn tăng cao, chủ yếu là do đơn khiếu nại cũ tồn đọng. Với lượng đơn thư ngày càng nhiều, nhân lực lại thiếu như hiện nay, ngành Tòa án và người dân đối mặt với thực trạng phải "rượt đuổi công lý".
Nỗ lực vượt bậc...
Báo cáo tổng kết của TANDTC cho hay, năm 2010 TANDTC và TAND các tỉnh phải giải quyết 10.072 đơn/vụ đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm (trong đó 6.157 đơn/vụ cũ còn lại, 3.915 đơn/vụ mới phát sinh). Tuy nhiên, mới chỉ xem xét giải quyết được 4.081 đơn/vụ (bằng 48%, tăng hơn so với năm trước 89 đơn/vụ).
Trong đó đã trả lời cho các đương sự không có căn cứ kháng nghị 3.705 vụ, đã kháng nghị 1.096 vụ do có vi phạm về thủ tục tố tụng, thiếu chứng cứ hoặc đánh giá sai chứng cứ dẫn tới việc giải quyết vụ án không đúng pháp luật. Số đơn còn lại 5.271 đơn/vụ vẫn đang tiếp tục xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật, sẽ được coi là số đơn cũ còn tồn đọng sẽ được giải quyết trong năm sau.
Việc chậm giải quyết đơn khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm đã gây bức xúc cho người dân, gây khiếu nại phức tạp kéo dài. Quán triệt ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo TANDTC là phải ưu tiên giải quyết đối với các đơn sắp hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, các đơn bức xúc kéo dài đảm bảo tất cả các đơn đề nghị giám đốc thẩm tái thẩm phải được xem xét giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật nên trong thời gian qua nhiều vụ việc bức xúc kéo dài đã được tập trung xem xét giải quyết dứt điểm; chất lượng giải quyết đơn kháng nghị và xét xử giám đốc thẩm tái thẩm đã được nâng lên.
Đặc biệt, tình trạng một số vụ khiếu nại trước đó đã được trả lời không có căn cứ kháng nghị nhưng sau Chánh án TANDTC hoặc Viện trưởng VKSNDTC lại ra kháng nghị để giải quyết theo trình tự giám đốc thẩm tái thẩm đã được hạn chế (so với cùng kỳ năm 2009 giảm 23 trường hợp). Hầu hết các kháng nghị của Chánh án TANDTC và kháng nghị của Chánh án TAND cấp tỉnh đều được HĐXX giám đốc thẩm chấp nhận.
Nhưng vẫn chưa ngang tầm
Năm qua công tác giải quyết đơn đề nghị khiếu nại giám đốc thẩm tái thẩm tiếp tục có những chuyển biến tích cực theo hướng nâng cao chất lượng giải quyết, công tác giám đốc kiểm tra việc xét xử của tòa án cấp trên với cấp dưới đã được triển khai nghiêm túc quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm trong toàn ngành nên các sai sót trong công tác xét xử nói chung và những sai sót trong việc áp dụng chế định án treo, án tuyên không rõ ràng nói riêng đã được rút kinh nghiệm, khắc phục. Đối với những trường hợp có sai lầm nghiêm trọng, đã kịp thời ra kháng nghị để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy vậy, phải thắng thắn thừa nhận rằng chất lượng công tác giải quyết khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm vẫn chưa ngang tầm, chưa đáp ứng kỳ vọng của nhân dân. Lượng đơn khiếu nại vẫn cao và chưa có chiều hướng giảm nhưng tỉ lệ trả lời đơn khiếu nại lại vẫn thấp, không đạt chỉ tiêu đề ra; có trường hợp kháng nghị giám đốc thẩm tái thẩm quá hạn gây phương hại đến quyền lợi công dân thế nhưng vấn đề xem xét trách nhiệm của người có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm quá hạn, cũng như việc xử giám đốc thẩm, tái thẩm sai chưa được đề cập xử lý.
Tại Hội nghị triển khai công tác ngành Tòa án năm 2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chỉ đạo ngành tòa án cần kiện toàn hơn nữa đội ngũ cán bộ, phải tạo được bước đột phá về công tác cán bộ trên cả phương diện đạo đức và năng lực chuyên môn, nếu không thì mãi mãi ngành Tòa án sẽ chỉ trong hành trình rượt đuổi không bao giờ dứt bởi vì lượng án càng ngày càng tăng, nếu phải làm việc quá nhiều sẽ khó tránh được sai sót. Thiết nghĩ, với khối lượng đơn khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm nhiều như hiện nay, ngành Tòa án cũng cần phải có bước đột phá về công tác cán bộ giải quyết công tác này để nâng cao được chất lượng công tác, khắc phục tình trạng “nợ” đọng đơn thư khiếu nại như hiện nay.