Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với 2 địa phương trên khoanh vùng khu vực bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm và có nguy cơ sạt lở nguy hiểm, thiết lập hành lang an toàn; lắp đặt biển báo cho khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm; bố trí lực lượng trực, theo dõi diễn biến sạt lở…
Tổng chiều dài tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây có chiều dài 3.325m với 4 đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm, cần thực hiện giải pháp công trình khẩn cấp để bảo vệ đê.
Cụ thể, trên địa bà xã Khánh Tiến, U Minh (Cà Mau) xuất hiện sạt lở đê biển nghiêm trọng, đoạn từ Hương Mai + 7.900m hướng về Tiểu Dừa với chiều dài 610m và đoạn từ Hương Mai + 6.000m hướng về Tiểu Dừa có chiều dài 315m.
Trên địa bàn huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), xuất hiện vị trí sạt lở tại thuộc bờ Nam và Bắc Kênh Mới (Khánh Bình Tây, Trần Văn Thời), cùng với đó là đoạn từ Đá Bạc + 2.000m hướng về Sào Lưới (xã Khánh Hải, Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời), có chiều dài có chiều dài 500m.
Tại xã Khánh Bình Tây Bắc (Trần Văn Thời, Cà Mau) sạt lở diễn ra tại đoạn từ Ba Tĩnh đến T25, có chiều dài 1.900m.
Dù có kè hộ đê phía ngoài, tuy nhiên, đê biển Tây Cà Mau vẫn tiếp tục phá hủy đai rừng phòng hộ, uy hiếp thân đê, nguy cơ vỡ đê rất cao… |
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải yêu cầu các ngành chuyên môn và địa phương tiếp tục khảo sát, lựa chọn giải pháp và lập thủ tục đầu tư các dự án chống sạt lở theo tình huống khấn cấp, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Đầu tư công theo tình huống khẩn cấp.
Do đó, UBND huyện U Minh và Trần Văn Thời (Cà Mau) tiến hành vận động, sơ tán người và di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm và khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm (phía ngoài đê); nghiêm cấm mọi tác động vào rừng và đất rừng khu vực sạt lở, không để xảy ra tình trạng sạt lở diễn ra nhanh và nguy hiểm hơn…
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, các đoạn đang sạt lở nghiêm trọng nói trên nếu không được xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thân đê và có thể võ đê trong mùa mưa bão, gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của 26.100 hộ dân sinh sống ven biển Tây Cà Mau, đang trực tiếp sản xuất khoảng 128.900 ha đất nông nghiệp người dân trong đê…
Trước đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đã có Tờ trình đến UBND tỉnh Cà Mau về việc quyết định tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây tỉnh Cà Mau. Theo đó, đề xuất tạm ứng 10 tỷ đồng để khắc phục ngay các vị trí sạt lở, khi có chủ trương cấp bổ sung sẽ hoàn lại nguồn kinh phí theo quy định.
Cùng với đó, sử dụng 4 tỷ đồng từ nguồn kết dư Dự án đầu tư nâng cấp đê biển Tây tỉnh Cà Mau từ Nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia - Ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh nhằm xử lý mái đê theo lệnh khẩn cấp tại những vị trí đặc biệt nguy hiểm.