“Cơn khát” công nghệ carbon
Nhằm hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero), ngay từ năm 2012, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị cho quá trình hình thành, phát triển thị trường carbon trong nước, tiến tới hội nhập với khu vực và thế giới. Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước đã được vạch rõ, dự kiến thí điểm từ năm 2025, hoàn thiện khung pháp lý vào năm 2027 và vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2028. Việc tham gia vào thị trường carbon vừa là trách nhiệm, vừa mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp xem chuyển đổi xanh như một lợi thế cạnh tranh và chiến lược phát triển lâu dài.
Để chuẩn bị, trước hết doanh nghiệp cần xây dựng, thực hiện các biện pháp giảm phát thải hoặc xây dựng tiêu chuẩn phát thải đối với sản phẩm kinh doanh của mình. Vì đây là lĩnh vực tương đối mới nên quá trình chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt thách thức liên quan đến công nghệ. Thực tế, công nghệ của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước vẫn còn lạc hậu khiến họ khó “chạm” đến thị trường carbon, trong khi công nghệ nước ngoài thường tốn kém. Đây chính là cơ hội “béo bở” cho các doanh nghiệp, nhất là các công ty khởi nghiệp (startup) trong nước nghiên cứu, triển khai các công nghệ carbon “made in Vietnam”, có chi phí hợp lý và có thể đi đường dài.
Tuy nhiên, công nghệ liên quan đến carbon do Việt Nam phát triển chưa có nhiều, trong khi nhu cầu ngày một tăng cao. Cung - cầu không đáp ứng được dẫn đến việc hình thành “cơn khát” công nghệ carbon trên thị trường. Nếu biết nắm bắt, đây chính là cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở lĩnh vực này. Nhất là trong bối cảnh, dòng vốn đầu tư nước ngoài đang ưu tiên chảy vào các lĩnh vực kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, khởi nghiệp xanh vì vậy cũng nhận được nhiều hỗ trợ hơn hẳn các lĩnh vực khác.
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa
Ý thức được thị trường đang hội tụ đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa, nhiều đơn vị bắt tay vào nghiên cứu và phát triển công nghệ carbon. Đáng chú ý, một số đơn vị với giải pháp công nghệ carbon đột phá, có tiềm năng thương mại cao đã “lên sàn” tại các cuộc thi khởi nghiệp và giành được những giải thưởng danh giá.
Đơn cử như AirX Carbon với sản phẩm pallet xơ dừa polimer NetZero Pallet đã đạt được nhiều giải thưởng về khởi nghiệp xanh và phát triển bền vững như: top 1 Bảng Việt Nam Startup Wheel 2024, top 1 Net Zero Challenge hạng mục Kinh tế tuần hoàn và Quản lý rác thải, 1st runner up tại Techfest VN 2023,…
Là một startup được thành lập để sản xuất và nghiên cứu giải pháp thay thế nhựa bằng phế phẩm nông nghiệp bị vứt bỏ, nhằm giải quyết các vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa và phát thải carbon từ ngành nhựa. AirX Carbon cho ra đời NetZero Pallet được làm từ 100% phế phẩm nông nghiệp bị vứt bỏ như vỏ dừa, vỏ trấu, vỏ cà phê, vụn gỗ,... có tải trọng và độ bền tương tự như pallet (kệ kê hàng) thông thường.
NetZero Pallet không chỉ là giải pháp logistics (hậu cần) bền vững thay thế cho pallet gỗ và nhựa truyền thống mà còn có những lợi thế ưu việt hơn về kinh tế và môi trường cho doanh nghiệp. Cụ thể như giá rẻ hơn 20%, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, tránh thực trạng phá rừng do khai thác gỗ làm pallet,…
Một cái tên khác trong ngành khởi nghiệp xanh đã giành top 1 Net Zero Challenge hạng mục Năng lượng tái tạo và Trung hòa Carbon là startup khí hậu Alterno với dự án phát triển giải pháp lưu trữ năng lượng bằng pin cát phục vụ cho nông nghiệp, giảm phát thải carbon. Hệ thống này sử dụng một công nghệ đã được đăng ký bản quyền chứa cát cách nhiệt với các ống dẫn nhiệt đặc chế.
Tương tự các hệ thống pin cát trên thế giới, pin cát Alterno lấy năng lượng từ các nguồn tái tạo tại chỗ như điện gió, điện mặt trời mái nhà, thậm chí cả điện lưới. Khi sử dụng, nhiệt từ pin cát sẽ được chuyển qua đường ống dẫn để phục vụ nhu cầu sấy, sưởi ấm hoặc gia nhiệt.
Đội ngũ Alterno tại nhà máy sản xuất pin cát. (Ảnh: Alterno) |
Ngày nay, nhu cầu nhiệt năng trong ngành nông nghiệp tăng cao nhằm đối phó với tình hình biến đổi khí hậu cực đoan, việc tìm kiếm các nguồn năng lượng sạch, bền vững là vô cùng quan trọng. Pin cát do Alterno phát triển đã phần nào đáp ứng được nhu cầu trên. Hiện Alterno tiếp tục phát triển các phiên bản công nghiệp của pin cát với công suất lớn, từ 250kWh đến 1,8MWh. Điều này sẽ giúp nông trại và các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp tiết kiệm năng lượng đáng kể, đồng thời không gây ô nhiễm môi trường như pin Lithium mà còn góp phần giảm phát thải carbon hàng năm.
Đặc biệt, không chỉ phát triển phần cứng, Alterno còn tích hợp vào hệ thống một phần mềm do chính họ viết ra, có khả năng tính toán lượng carbon mà nhà máy giảm phát thải ra môi trường. Hiện tại, Việt Nam chưa triển khai thị trường carbon bắt buộc nhưng với tầm nhìn của Alterno hệ thống pin cát tích hợp phần mềm tính toán có sẵn có thể giúp các doanh nghiệp đủ dữ liệu để phát hành tín chỉ carbon tương ứng, giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng tính cạnh tranh trên thương trường quốc tế với các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xanh của thế giới.
Chắp cánh cho nhà khởi nghiệp
Nhiều chuyên gia nhận định, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2025 là bất khả thi nếu như không có sự hỗ trợ của công nghệ. Quả thật, công nghệ đã và đang làm thay đổi phương thức tiếp cận carbon, làm đường kịch bản của dự án giảm phát thải có sự khác biệt so với đường cơ sở. Tất nhiên nếu muốn công nghệ dẫn đường, Việt Nam cần đẩy mạnh một số chiến lược quan trọng như tạo điều kiện cho khởi nghiệp công nghệ xanh nói chung và công nghệ carbon nói riêng.
Hiện nay, một trong những thách thức lớn nhất đối với các dự án khởi nghiệp công nghệ carbon là việc tìm kiếm và huy động nguồn vốn đầu tư. Các dự án công nghệ này thường đòi hỏi một khoản đầu tư ban đầu đáng kể và có chu kỳ hoàn vốn kéo dài, điều này làm cho việc thu hút đủ vốn để phát triển và duy trì hoạt động trở nên khó khăn. Để vượt qua khó khăn này, nhiều dự án đã chủ động tìm kiếm nguồn đầu tư cả trong và ngoài nước, đồng thời tham gia vào các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của Chính phủ.
Tại Việt Nam, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn nhận định chuyển đổi xanh là yêu cầu tất yếu. Do đó, NIC đã đưa ra nhiều sáng kiến, hoạt động cụ thể nhằm giúp đỡ doanh nghiệp trong lĩnh vực này, chẳng hạn như triển khai dự án tài trợ cho những sản phẩm Việt Nam phục vụ cho phát triển bền vững, bao gồm các lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, xử lý môi trường. Cùng với đó là Chương trình Thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam và mở một số không gian ươm tạo nhằm hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp.
Những cuộc thi khởi nghiệp xanh nổi bật như Net Zero Challenge, Cuộc thi khởi nghiệp xanh và Startup Wheel cũng là cơ hội cho hàng trăm doanh nghiệp công nghệ carbon. Các cuộc thi này không chỉ có giá trị giải thưởng lên đến hàng chục tỷ đồng, còn cung cấp cơ hội kết nối với các nhà đầu tư, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp có thêm nguồn lực cần thiết để phát triển và mở rộng.
Cùng với vốn đầu tư, một dự án khởi nghiệp cần phải có đội ngũ có năng lực, hội tụ đầy đủ các tiêu chí cần thiết để bảo đảm sự thành công và bền vững của dự án. Đó là đội ngũ am hiểu các khía cạnh cơ bản, như pháp lý, thị trường, kỹ thuật - công nghệ, quản lý - vận hành, tài chính - kế toán… Khởi nghiệp thành công không chỉ chú trọng vào phát triển sản phẩm, mà còn phải chú trọng đến việc đưa sản phẩm ra thị trường. Đội ngũ nhân sự có năng lực, chuyên môn giúp nâng tầm cơ hội cạnh tranh trên thị trường công nghệ carbon trong nước, trước sự du nhập của các công nghệ nước ngoài.
Với mục tiêu lấy công nghệ là “chìa khóa” giảm lượng khí thải và thu hẹp khoảng cách giữa tiến bộ và tính bền vững, điều quan trọng nhất của một dự án khởi nghiệp vẫn là phát triển công nghệ carbon mang lại lợi ích môi trường rõ ràng. Các dự án cần tập trung vào khâu nghiên cứu, tạo ra các giải pháp công nghệ mới mẻ và khác biệt, mới giúp dự án khẳng định được giá trị riêng biệt giữa một thị trường rộng lớn.