Tăng trưởng cao nhưng không bền vững
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, 30 năm đổi mới đã làm thay đổi diện mạo nền kinh tế Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đời sống người dân được cải thiện và Việt Nam đã trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình.
Đặc biệt, năm 2017, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn của kinh tế thế giới và khu vực, song tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng ấn tượng 6,81%, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,7% và là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua.
Cùng với tốc độ tăng trưởng, chất lượng tăng trưởng cũng được cải thiện, năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2017 tăng khoảng 6%. Mô hình tăng trưởng được dịch chuyển theo hướng tích cực, giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu thô và chuyển hướng sang lấy công nghiệp, chế biến, chế tạo và dịch vụ làm nòng cốt. Tăng trưởng năm 2017 cũng được đánh giá đều ở các khu vực của nền kinh tế và đạt được những thành tựu khác về giảm nghèo, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
“Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, song các chuyên gia kinh tế cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức, thể hiện qua GDP bình quân đầu người còn thấp, năng suất lao động chưa cao, đóng góp của các nhân tố tổng hợp (TFP) chưa được như kỳ vọng; nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu về kinh tế vẫn nghiêm trọng…”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, để đưa nền kinh tế phát triển thịnh vượng đi đôi với bền vững môi trường và hòa nhập xã hội trong thời gian tới, Việt Nam cần phải tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển nhanh, bền vững, tận dung cơ hội của cuộc cách mạng 4.0 sớm đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại...
Thay đổi tư duy và hành động
Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (ĐH Kinh tế Quốc dân), vấn đề quan trọng là phải tìm ra huyệt đạo phát triển nhanh của nền kinh tế Việt Nam là ở đâu, từ đó tìm công thức để khai mở huyệt đạo tăng trưởng.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý Kinh tế TW (CIEM), TS Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng nhìn xu hướng tăng trưởng thấy nguy cơ tụt hậu rất lớn, muốn đuổi kịp thì tăng trưởng GDP phải 7%/năm bình quân như vậy hàng năm phải tăng 8%/năm trong 20 năm tiếp theo. “Muốn vậy, tốc độ tăng năng suất lao động cũng phải 7%/năm mới có GDP 8%/năm!” - Viện trưởng CIEM quả quyết.
Theo vị chuyên gia này, đang có những nghịch lý trong nền kinh tế mà nghịch lý lớn nhất là nền kinh tế vẫn chưa có sự dịch chuyển rõ nét, không giảm được kinh tế nhà nước, không gia tăng được kinh tế tư nhân trong khi khu vực kinh tế nhà nước đàu tư lớn, thâm dụng vốn cao nhưng năng suất, hiệu quả thấp. Nguyên nhân được chỉ ra là chúng ta cải cách nửa vời không đi đứt khoát, đi nửa chừng thì dừng lại, nên thị trường kém phát triển.
Đem ý tưởng tổ chức Diễn đàn phát triển bền vững về Việt Nam, GS. Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội Khoa học và chuyên gia toàn cầu (AVSE Global) nhấn mạnh thể chế chính là bài toán trọng điểm mà Chính phủ phải giải quyết trong thời gian tới. “Nếu thể chế vẫn khiến người dân phải “chạy chọt” thì đất nước không phát triển được. Môi trường mà kém thì không thể sáng tạo được … Chúng ta đi sau thì chúng ta có lợi thế để học người đi trước và chúng ta phải học rất nhiều…”
Nhìn nhận về phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam, GS. Khương cho rằng, thách thức cho phát triển bền vững rất lớn. Quốc gia khó có thể phát triển phồn vinh lâu dài nếu không có một lối tư duy, dấn thân của cá nhân, tổ chức DN và Chính phủ sự phát triển bền vững.
“Rõ ràng con đường phát triển bền vững còn rất dài nhưng tôi tin rằng khi chúng ta có những người bạn đồng hành tốt thì đích đến sẽ nhanh hơn”- GS. Khương nhấn mạnh.