Năm 2012 qua đi, với muôn vàn khó khăn, các ngành xuất khẩu vẫn vươn lên, cạnh tranh được với “các bạn”. Đó là dấu hiệu tích cực, đáng mừng, để nhìn lại và có những “bước đi” dài vững chắc hơn.
Hình minh họa |
Xuất khẩu tăng
Tại Hội nghị ngành công thương triển khai nhiệm vụ năm 2013, ông Nguyễn Cẩm Tú - Thứ trưởng Bộ Công thương - thông tin, về quy mô xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng hoá năm 2012 ước đạt 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011, vượt chỉ tiêu đề ra (tăng 13%). Xuất khẩu của khu vực DN 100% vốn trong nước chiếm tỷ trọng 36,9%, đạt 42,3 tỷ USD, tăng 1,3% so với năm 2011.
Xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 63,1% đạt khoảng 72,3 tỷ USD, tăng 31,2%. Trong đó, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 21 tỷ USD, chiếm 18,3% trong tổng KNXK, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2011. Nhóm nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 11,69 tỷ USD, chiếm 10,2% trong tổng KNXK, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2011. Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 74 tỷ USD, chiếm 64,5% trong tổng KNXK, tăng 24,7% so với năm 2011.
Về thị trường xuất khẩu, năm 2012, trừ thị trường châu Phi KNXK giảm còn lại các khu vực thị trường khác đều tăng, trong đó thị trường châu Đại dương tăng cao nhất, ước tăng 26,1%, tiếp đó đến thị trường châu Á ước tăng 23,6%, thị trường châu Âu ước tăng 17,2%, thị trường châu Mỹ ước tăng 15,8% và thị trường châu Phi giảm 10,7%.
Dự báo kinh tế thế giới năm 2013 còn nhiều khó khăn, tuy nhiên Bộ Công thương vẫn dự kiến kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt khoảng 126,1 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2012. Kim ngạch nhập khẩu đạt 136 tỉ đô la Mỹ, tăng 19% so với năm 2012 và nhập siêu năm 2013 xấp xỉ 10 tỉ đô la Mỹ, tương đương 8% kim ngạch xuất khẩu.
Tìm cách tăng giá trị
Nhận định về “lối đi” cho các nhóm hàng, ông Tú cho biết, nhóm hàng nông, thủy sản đây là nhóm hàng có lợi thế và năng lực cạnh tranh dài hạn nhưng giá trị gia tăng còn thấp, mục tiêu trong thời gian tới là: nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng để tăng giá trị và kim ngạch xuất khẩu nông sản; chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu hướng mạnh vào chế biến sâu, phát triển xuất khẩu sản phẩm có chất lượng cao; sản phẩm sinh thái có giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh và có thương hiệu mạnh. Dự kiến, kim ngạch khoảng 21,6 tỷ USD tăng 3% so với năm 2012 và chiếm tỷ trọng 17,1%.
Đối với nhóm hàng khoáng sản Bộ Công thương đề ra mục tiêu giảm khối lượng xuất khẩu khoáng sản thô, chuyển dần sang xuất khẩu sản phẩm chế biến, tận dụng các cơ hội thuận lợi về thị trường và giá cả để tăng giá trị xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản. Vì vậy, dự kiến nhóm hàng này năm 2013 đạt kim ngạch 12,2 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm 2012 và chiếm tỷ trọng 9,7% (giảm 0,6%).
Nhóm hàng công nghiệp chế biến, đây là nhóm hàng có tiềm năng và thị trường thế giới có nhu cầu. Mục tiêu là phát triển công nghiệp hỗ trợ, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nâng cao hiệu quả gia công xuất khẩu, từng bước tạo tiền đề chuyển sang xuất khẩu trực tiếp, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, không ngừng ứng dụng các thiết bị khoa học mới, hiện đại hóa để từng bước nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu đạt 83,5 tỷ USD, tăng 12,8% so với năm 2012 và chiếm tỷ trọng 66,2%.
Ngành công thương cũng đặt mục tiêu đạt khoảng 6,7% về giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp và xây dựng; chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức 8%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội dự kiến đạt khoảng 2.742.000 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2012.
Với những mục tiêu trên, nhiệm vụ đưa ra là đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, tạo việc làm; kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng nhập khẩu không khuyến khích, các mặt hàng trong nước đã sản xuất được; tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; nâng cao hiệu quả công tác dự báo thị trường trong và ngoài nước…
Mai Hoa