Tiêu hủy ngà voi cần trở thành thông lệ ở Việt Nam

Lần đầu tiên Việt Nam tiêu hủy 2,1 tấn ngà voi vào năm 2016.
Lần đầu tiên Việt Nam tiêu hủy 2,1 tấn ngà voi vào năm 2016.
(PLVN) - Voi là con vật có nghĩa – điều này nhiều người có kinh nghiệm gắn bó với rừng, với động vật hoang dã đều biết. Người ta vẫn truyền tai nhau câu chuyện, voi là người bạn thủy chung, nghĩa tình nhất của con người, chẳng những giúp ích rất nhiều cho sản xuất, phục vụ cuộc sống hằng ngày mà còn giúp sức bảo vệ cuộc sống bình yên, chống lại giặc thù. Trong các cuộc kháng chiến của nhân dân ta, lực lượng voi ở Tây Nguyên cũng góp phần đáng kể vào việc vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược phục vụ cho chiến trường...

Thế nhưng, câu chuyện của voi ngày hôm nay là những hình ảnh thảm khốc

Tháng 10/2010, con voi Pắk Kú nặng 3 tấn và có cặp ngà dài 70 cm, thuộc sở hữu của công ty Du lịch sinh thái Bản Đôn, gặp nạn khi được xích trong rừng qua đêm để cho ăn. Sáng hôm sau, nhân viên của công ty ra chỗ xích voi thì không thấy đâu.

Họ lần theo vết máu đi tìm thì phát hiện voi bên bờ suối, đã bị đốt bằng xăng phía trước mặt, đầu thân và mông bị chém nhiều nhát sâu đến 5 cm. Một phần da mông voi rách tơi tả. Bác sĩ thú y đếm được những kẻ trộm ngà chém con voi hơn… 200 nhát (!) và chú voi đã không qua khỏi sau gần ba tháng chạy chữa. 

Tháng 12/2012, tại Tiểu khu 88 thuộc ấp 9, xã Gia Canh, huyện Định Quán, Đồng Nai một voi rừng đã bị hạ sát và cắt mất một ngà bên trái, mất răng hàm và lông đuôi. Kiểm tra quanh thân voi, Công an phát hiện một vết chém trên lưng dài khoảng 50cm, còn phía đầu và bên hông thân voi có 5-6 lỗ tròn giống lỗ đạn. Ở nơi voi chết còn có hai đống xương voi để lại nghi do thợ săn róc xương trước khi mang ngà voi khỏi rừng….

Lượng tiêu hủy rất nhỏ so với lượng thu giữ

Ngày 12/8 vừa qua, người dân trên khắp thế giới kỷ niệm Ngày Voi thế giới nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề bảo vệ voi. Tại Việt Nam, công tác đấu tranh xử lý tội phạm về ngà voi đã đạt được những kết quả nhất định, đặc biệt, trong nhiều vụ án liên quan đến một số lượng lớn ngà voi, các cấp tòa án đã ra quyết định tiêu hủy tang vật.

Việc tiêu hủy ngà voi không chỉ là bước đi đúng đắn, thể hiện quyết tâm không khoan nhượng với các vi phạm về voi mà còn góp phần vào “tuyên ngôn chung” bảo vệ loài voi của hàng chục quốc gia trên thế giới.

Tháng 11/2016, Việt Nam lần đầu tiên tiêu hủy 2,1 tấn ngà voi và hàng trăm kg sừng tê giác tại Hà Nội. Đây là một bước tiến tích cực thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc xử lý các tang vật là ngà voi và sừng tê giác thu giữ được từ các vụ vận chuyển và buôn bán trái phép. Sau sự kiện này, đầu năm 2017, cơ quan chức năng thành phố Lào Cai tỉnh Lào Cai đã tiêu hủy 43 chiếc ngà voi – sau khi TAND thành phố Lào Cai ra quyết định tiêu hủy tang vật. 

Bên cạnh Lào Cai, trong tất cả các vụ án có tang vật ngà voi được các cấp TAND thành phố Hà Nội đưa ra xét xử trong thời gian vừa qua, Tòa án các cấp tại Hà Nội đều tuyên tiêu hủy toàn bộ số ngà voi thu giữ trong mỗi vụ án.

Điển hình là quyết định tiêu hủy gần 1 tấn ngà voi tang vật trong một vụ bắt giữ ngà voi tại Thường Tín được TAND thành phố Hà Nội đưa ra xét xử vào tháng 3/2019 vừa qua. Những quyết định tiêu hủy ngà voi của Lào Cai, Hà Nội đã nhận được sự hoan nghênh của các tổ chức bảo tồn và dư luận, là hình mẫu để các địa phương khác có những động thái tương tự với tang vật ngà voi.

Tuy nhiên, so với khối lượng hơn 53 tấn ngà voi được thu giữ trong 10 năm từ năm 2010 – 2018 và đang tiếp tục tăng thì số lượng những vụ tiêu hủy ngà voi ở Việt Nam còn chưa tương xứng. Sự kiện tiêu hủy tập trung 2,1 tấn ngà voi cuối năm 2016 là một sự khởi đầu đáng tự hào.

Vì vậy, hoạt động tiêu hủy ngà voi cần trở thành một thông lệ và được tiếp nối bằng các hành động quyết tâm tiếp theo để tránh dư luận cho rằng sự kiện này chỉ có ý nghĩa “phô diễn” trước thềm một sự kiện quốc tế quan trọng. 

Voi bị tàn sát dã man để lấy ngà.
Voi bị tàn sát dã man để lấy ngà.

Nhấn mạnh việc thu giữ ngà voi chưa phải là đích đến cuối cùng của mỗi vụ bắt giữ, bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) cho rằng: “Việc bắt giữ và xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm trong những năm qua là tín hiệu tích cực đóng góp vào nỗ lực chung triệt phá các đường dây tội phạm về ĐVHD.

Bên cạnh đó, việc quan tâm, xử lý tang vật liên quan tới các vụ án này cũng vô cùng cần thiết. Việt Nam cần tiến hành tiêu hủy tang vật ngà voi, sừng tê giác thường niên để khẳng định cam kết của Việt Nam trong nỗ lực bảo tồn voi, tê giác toàn cầu”.

Tiêu hủy ngà voi có là lãng phí?

Câu hỏi được đặt ra khi có một số ý kiến cho rằng việc tiêu hủy ngà voi là một hành động lãng phí vì giá trị đặc biệt lớn và số lượng ngà này có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cũng như giảm việc tiếp tục sát hại voi tại các quốc gia nói chung và châu Phi nói riêng. 

Tuy nhiên, việc buôn bán ngà voi tịch thu trong các vụ bắt giữ không những trái với quy định của pháp luật quốc tế mà còn tiếp tục thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ và sử dụng ngà voi và do đó càng đẩy các loài voi châu Phi đến bờ tuyệt chủng.

Bên cạnh đó, chi phí lưu giữ, bảo quản hàng chục tấn ngà voi tang vật là một gánh nặng lớn cho nền kinh tế. Chưa kể đến một số hiện tượng tiêu cực đã và có khả năng tiếp tục xảy ra trong công tác bảo quản ngà voi. 

Còn nhớ, vụ án hai đối tượng lợi dụng chức vụ được giao quản lý kho tang vật ngà voi để chiếm đoạt 239,57 kg ngà voi và 6,14 kilogram sừng tê giác nhằm thu lời bất chính lên đến 3 tỷ đồng do TAND thành phố Hà Nội xét xử vào tháng 8/2018 hay vụ trộm hơn 100 kg ngà voi trị giá 5 tỷ đồng là tang vật được cất giữ trong kho của Chi Cục Thi hành án thành phố Vinh xảy ra cuối năm 2013, là những hồi chuông cảnh báo cho thấy rủi ro của việc lưu giữ một số lượng lớn tang vật ngà voi, sừng tê giác thu giữ trong các vụ vi phạm.

Lào Cai tiêu hủy ngà voi vào đầu năm 2017.
Lào Cai tiêu hủy ngà voi vào đầu năm 2017.

Như vậy, việc tiêu hủy các tang vật là ngà voi và sừng tê giác không chỉ góp phần quan trọng trong việc triệt phá các đường dây tội phạm mà còn ngăn chặn tình trạng lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt các tang vật này. Đồng thời, việc tiêu hủy ngà voi và sừng tê giác sẽ giúp giảm thiểu hàng chục tỷ đồng chi phí hàng năm cho việc lưu giữ tang vật. 

“Tiêu hủy ngà voi cần trở thành một thông lệ. Các cơ quan chức năng chỉ nên giữ lại một số lượng nhỏ mẫu vật ngà voi và sừng tê giác với mục đích phân tích ADN, phục vụ giáo dục – đào tạo hay nghiên cứu khoa học” - bà Hà nêu quan điểm.

Kết

Trên thế giới, nhiều nước cũng chọn cách tiêu hủy ngà voi để thể hiện cam kết chống lại tội phạm về ĐVHD nói chung và voi nói riêng. Theo thống kê, tính đến nay, đã có gần 300 tấn ngà voi bị tiêu hủy tại hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới.

Các nước Đông Nam Á cũng không nằm ngoài làn sóng này khi Myanmar tiêu hủy 277 ngà voi năm 2018, Malaysia cũng vừa tiêu hủy 4 tấn ngà voi vào đầu tháng 5 năm nay. Trong khi đó, Singapore cũng tuyên bố sẽ tiêu hủy sau khi bắt giữ 8,8 tấn ngà voi đang trên đường vận chuyển tới Việt Nam từ Cộng hòa dân chủ Congo vào năm nay. 

Từ đầu năm đến nay có 7 vụ tịch thu ngà voi tại Việt Nam với tổng khối lượng lên đến hơn 3 tấn. Hy vọng số lượng ngà voi này cùng tang vật từ các vụ bắt giữ trước đây sẽ sớm bị tiêu hủy để khẳng định quyết tâm lâu dài của Việt Nam trong cuộc chiến chống lại tội phạm về voi.

Ở góc độ pháp luật, từ ngày 1/1/2018, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017 - BLHS) đã có hiệu lực trong đó quy định cụ thể các chế tài đối với vi phạm liên quan đến ngà voi và sừng tê giác. Theo đó, hành vi vi phạm liên quan đến ngà voi từ 2kg trở lên (bất kể loài voi) đã đáp ứng dấu hiệu định tội theo quy định tại Điều 244 BLHS.

Mức phạt tối đa cho vi phạm liên quan đến ngà voi cũng lên đến 15 năm tù giam đối với cá nhân và 15 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với tổ chức. Trong bối cảnh Việt Nam bị cộng đồng quốc tế đánh giá vừa là thị trường tiêu thụ và địa bàn trung chuyển ngà voi đặc biệt quan trọng, việc xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội và tuyên tiêu hủy ngà voi sẽ góp phần khẳng định quyết tâm triệt phá các đường dây tội phạm buôn bán ngà voi trái phép của Việt Nam.

Đọc thêm

Thay đổi lớn từ những hành động nhỏ

Lối sống xanh không chỉ là một xu hướng mà là một cách tiếp cận bền vững, giúp bảo vệ môi trường.
(PLVN) - Trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng toàn cầu, mỗi hành động nhỏ hàng ngày của chúng ta đều có tác động lớn đến môi trường sống, góp phần vào việc giảm thiểu tác động xấu đến Trái đất.

Nỗ lực hơn nữa để tiếp nhận động vật hoang dã bị tịch thu từ buôn bán trái phép

Giải chạy thu hút hơn 300 vận động viên đến từ 26 quốc gia. (Ảnh: ENV)
(PLVN) - Ông Lương Xuân Hồng - Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) Hà Nội đã khẳng định điều này tại Giải “Chạy để cứu hộ ĐVHD” tại Việt Nam trong khuôn khổ Giải chạy “Song Hong Half Marathon” lần thứ 15 vừa được Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) phối hợp với Sporting Republic tổ chức.

Gấp rút hoàn thiện khung pháp lý về tín chỉ carbon

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) -  Giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tạo ra 25 triệu tín chỉ carbon; là nhiệm vụ được lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Bộ, ngành triển khai thực hiện sau Hội nghị COP21 (năm 2015).

Thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng nhờ sáng kiến quản lý chất thải nhựa y tế

Sáng kiến quản lý chất thải nhựa y tế tại Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí (Quảng Ninh). Ảnh: Ngọc Nga
(PLVN) - Sáng kiến quản lý chất thải nhựa y tế đã giúp Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) thu về hàng trăm triệu đồng. Đây là đơn vị đầu tiên trong cả nước có giải pháp tái chế chất thải nhựa lây nhiễm bằng phương pháp hấp tiệt khuẩn hơi nước, mang lại hiệu quả về kỹ thuật, kinh tế, xã hội.

Ngày mai miền Bắc đón không khí lạnh

Ảnh minh hoạ: Ngọc Nga
(PLVN) - Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, khoảng ngày 6/12 bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Đông Bắc Bộ, sau đó sẽ tác động đến các khu vực khác.

Thả về biển cá thể đồi mồi dứa quý hiếm

Tình nguyện viên tiến hành cứu hộ cá thể rùa xanh.
(PLVN) - Ngày 5/12, thông tin từ Đội tình nguyện viên bảo tồn rùa biển xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) cho biết, đã tổ chức thả cá thể đồi mồi dứa về với môi trường tự nhiên.