Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đã “soán ngôi” EVN vào hôm qua khi công bố tổng giá trị đăng ký tiết giảm của toàn PVN năm nay sẽ là 3.715 tỷ đồng,( trước đó EVN đã cam kết sẽ cắt giảm 1.800 tỷ đồng). PVN trở thành đơn vị có con số tiết kiệm cao nhất trong các tập đoàn kinh tế nhà nước đã đăng ký triển khai.
[links()]
Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu cho rằng 3.715 tỉ đồng là con số cao nhưng nếu đồng lòng thực hiện thì PVN sẽ còn có thể vượt xa con số tiết kiệm đó.
Chủ tịch HĐTV Phùng Đình Thực cho biết, Hội đồng thành viên Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết số 1151/NQ-HĐTV ngày 15/02/2012 về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2012 với tổng giá trị là 3.715 tỉ đồng, tăng 11% so với cam kết thực hiện của Tập đoàn trong năm 2011 (3361 tỉ đồng).
Trong đó, tiết giảm chi phí quản lý 563,0 tỉ đồng trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, quản lý chặt chẽ các chi phí quản lý từ Công ty Mẹ – Tập đoàn tới các đơn vị thành viên, thắt chặt định mức chi tiêu, sử dụng ô tô, điện thoại, trang bị tài sản…
Công nhân trên công trường nhiệt điện Vũng Áng- Ảnh Petrotimes |
Tiết giảm chi phí từ cải tiến, hợp lý hoá sản xuất và tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, năng lượng đạt mức cao nhất, khoảng 2.656 tỉ đồng. Tiết giảm chi phí trong đầu tư xây dựng cơ bản là 496 tỉ đồng.
Đi đôi với tiết giảm chi phí, PVN sẽ tái cấu trúc doanh nghiệp để tiếp tục phát triển Tập đoàn mạnh hơn, tập trung vào ngành, nghề kinh doanh chính, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển bền vững; tiếp tục giữ vững vị trí Tập đoàn mạnh số 1 của Việt Nam và phấn đấu trong 5 năm tới là Tập đoàn kinh tế mạnh trong khu vực, có tốc độ tăng trưởng bình quân 18-20%/năm.
Như vậy, với con số tiết giảm tới 3,715 tỷ đồng, PVN đang “dẫn đầu” “top” các “ông lớn” đăng ký tiết giảm chi phí theo tinh thần NQ 01 của Chính phủ và lời “hiệu triệu” của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ. Thậm chí, con số mà PVN công bố vượt con số của 7 tập đoàn công bố sẽ tiết giảm trong năm nay.
Đương nhiên là PVN hay EVN- những tập đoàn kinh tế trụ cột của đất nước tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng là điều ai cũng thấy mừng.
Hay nói như Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ sau những cuộc “chạy sô” chứng kiến các tập đoàn, tổng công ty đăng ký tiết giảm “ mệt nhưng vui vì vì các đồng chí đã biết tiết kiệm, các đồng chí đã thể hiện được lòng tự trọng và kiêu hãnh của mình”.
Bộ Trưởng Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định Bộ này chuẩn bị ban hành quy chế giám sát tài chính đối với doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Trong đó đề cao việc xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty. Dù cắt giảm chi tiêu như thế nào, nhưng nếu để thua lỗ hai năm liên tiếp, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty phải bị đưa ra xem xét, xử lý trách nhiệm. Có thể thấy Bộ trưởng Huệ rất quyết liệt với câu chuyện tiết giảm chi phí tại các Tập đoàn, Tcty nhà nước, chắc chắn ông không để các đơn vị này làm kiểu phong trào để xoa dịu dư luận và kiên quyết tới cùng để "tăng lực" cho các "quả đấm thép", trụ cột của kinh tế nước nhà. |
Song, con số tiết giảm khủng của PVN không làm “mờ” được những lấn cấn về vấn đề tài chính của doanh nghiệp này bởi kiểm toán vừa mới kiến nghị PVN cần chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, trong đó một số đơn vị còn tồn tại trong xử lý nợ cần rà soát, xác định nợ khó đòi và thành lập hội đồng xử lý; kiến nghị tăng thu cho ngân sách một số khoản thu chênh lệch.
Kiểm toán Nhà nước còn cho biết, trong quá trình làm việc với PVN, cơ quan này đã phát hiện việc Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam thực hiện hỗ trợ lãi suất sai quy định, sai đối tượng gần 6 tỷ đồng. Khoản này đã được Tổng công ty thu hồi.
PVN còn mắc nhiều sai phạm trong việc chấp hành các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng cơ bản tại 3 dự án Văn phòng Viện Dầu khí, Trung tâm Tài chính Dầu khí và Khách sạn Dầu khí Vũng Tàu. Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm trừ 8,9 tỉ đồng khi thanh quyết toán 3 dự án này.
Kiểm toán Nhà nước cũng yêu cầu PVN cần kiểm tra đánh giá các khoản đầu tư liên doanh, liên kết và đầu tư dài hạn không hiệu quả và có biện pháp khắc phục, phòng tránh khả năng mất vốn trong các công ty làm ăn thua lỗ.
Rõ ràng, để thể hiện đúng vai trò là Tập đoàn kinh tế đầu tàu đất nước, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ đi đôi với tiết giảm chi phí, PVN sẽ phải nỗ lực đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp để tiếp tục phát triển Tập đoàn mạnh hơn. Trong đó tập trung vào ngành, nghề kinh doanh chính, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển bền vững.
Phát biểu tại buổi công bố tiết giảm chi phí của PVN chiều qua, 28.2 không phải là Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ mà là Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu.
Thứ trưởng Trần Văn Hiếu đề nghị PVN rà soát chiến lược kinh doanh, tiếp tục lộ trình cổ phần hóa, tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính và thoái vốn ở một số lĩnh vực ngoài ngành như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán.
Thứ trưởng Trần Văn Hiếu nhấn mạnh rằng tái cấu trúc là làm cho doanh nghiệp mạnh hơn và hoạt động hiệu quả hơn. Mục tiêu của PVN không chỉ xây dựng thành một Tập đoàn mạnh ở trong nước mà còn là tên tuổi hàng đầu khu vực và trên thế giới.
Nhưng có vẻ như PVN chưa “thấm nhuần” điều thứ trưởng Hiếu nhấn mạnh bởi phát biểu kết thúc hội nghị, Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu cho rằng việc tái cấu trúc là rất quan trọng nhưng không quá nặng nề. Bởi các đơn vị thành viên PVN đã hoạt động theo các ngành nghề kinh doanh và thực tế đã tái cấu trúc trong nhiều năm qua. PVN xác định tái cấu trúc trong lĩnh vực dịch vụ sẽ được ưu tiên. Và mục tiêu lâu dài là đưa PVN trở thành một tập đoàn có tầm vóc quốc tế.
Nếu đã tái cấu trúc trong nhiều năm qua như TGĐ Đỗ Văn Hậu nói, thì những tồn tại của PVN được kiểm toán Nhà nước chỉ ra trong báo cáo mới đây phải được lý giải như thế nào?
Liệu có phải là vui mừng quá sớm khi PVN công bố tiết giảm hơn 3.700 tỷ đồng một cách ‘dễ ợt” và còn nhấn mạnh sẽ còn có thể tiết kiệm nhiều hơn như thế nếu như có sự “đồng lòng”?
Anh Phương