Ngày 26/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có văn bản gửi các Bộ, ngành, địa phương đề nghị kiểm soát chặt cá tầm nhập khẩu làm thương phẩm.
8/11 mẫu có tầm đang lưu thông trên thị trường không rõ nguồn gốc
Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ xung quanh kiến nghị của Hội Nghề cá Việt Nam, Hiệp hội Cá nước lạnh tỉnh Lào Cai về những vấn đề có liên quan đến tình hình kinh doanh cá tầm, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương thu mẫu cá tầm thương phẩm tại chợ Yên Sở (TP Hà Nội) và chợ Bình Điền (TP Hồ Chí Minh).
Kết quả xét nghiệm cho thấy, có 8/11 mẫu cá tầm thương phẩm được xác định là có hình thái không phù hợp với loài cá tầm được phép kinh doanh tại Việt Nam, theo quy định tại Nghị định số 26/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
Văn bản do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến ký cho biết, cá tầm được cơ quan CITES Việt Nam và các cơ quan quản lý chuyên ngành giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên hiện nay, có một số loài cá tầm nhập khẩu dùng làm thực phẩm lưu thông trên thị trường chưa rõ nguồn gốc, không thực hiện kiểm dịch nên có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, môi trường và sản xuất cá tầm tại Việt Nam.
Đề nghị lập đoàn kiểm tra liên ngành, tăng cường kiểm soát cá tầm nhập khẩu
Để kịp thời ngăn chặn có hiệu quả hành vi gian lận thương mại trong việc nhập khẩu cá tầm làm thương phẩm, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng hải quan tại các cửa khẩu trọng điểm kiểm soát chặt việc nhập khẩu cá tầm về Việt Nam để bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ và thuộc danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam.
Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường, Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) tăng cường kiểm tra việc lưu thông, vận chuyển, kinh doanh các tầm trên thị trường nhằm ngăn chặn việc trà trộn cá tầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người nuôi và người tiêu dùng.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ tích cực phối hợp với Bộ Công an và các địa phương thành lập đoàn công tác liên ngành để kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện vận chuyển cá tầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Rà soát việc cấp phép nhập khẩu cá tầm. Đồng thời, thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch đối với cá tầm nhập khẩu.
Trước đó, như Báo PLVN đã thông tin, thời gian gần đây, Hội Cá nước lạnh các tỉnh Lâm Đồng, Lào Cai… đã đồng loạt gửi đơn đến Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan đề nghị tăng cường kiểm soát cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong văn bản kiến nghị, các Hội, Hiệp hội cá nước lạnh khẳng định, thời gian gần đây có tình trạng cá tầm được nhập khẩu vào Việt Nam không nằm trong danh mục được phép kinh doanh theo quy định của Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành với giá rẻ, chất lượng thấp, gây khó khăn cho người nuôi cá tầm trong nước, đồng thời làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm Covid 19.
Ngày 18/1, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo, giao các cơ quan chức năng nghiên cứu thông tin báo chí phản ánh về tình trạng buông lỏng quản lý, có dấu hiệu tiếp tay cho việc nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam, gian lận về số lượng nhập khẩu, gian lận xuất xứ... tạo sự cạnh tranh không công bằng trên thị trường cá tầm, tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 và trái với chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 28/1/2020 về việc phòng, chống COVID-19 ( Chỉ thị số 05).
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao: Bộ Công an, Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu phản ánh của báo chí nêu trên để xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc vượt thẩm quyền.