Mang theo dùi cui khống chế
Sáng ngày 13/7, hàng trăm người dân đã tập trung tại cảng Tịnh Kỳ (Quảng Ngãi) hồi hộp chờ đợi sự trở về của tàu QNg 95001. Đến15h30, tàu QNg 95001 cập bến, đưa 5 ngư dân gặp nạn lên tàu trong niềm xúc động của nhiều người. 5 ngư dân này gồm: Võ Văn Lựu (SN 1966, trú xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) thuyền trưởng, kiêm chủ tàu, Võ Văn Cầu (SN 2000, con trai ông Lựu), Nguyễn Trung Hậu (con rể ông Lựu), Võ Văn Hương, Võ Bông (em trai ông Lựu).
Theo lời kể của thuyền trưởng Lựu, khoảng 8h ngày 9/7, tàu QNg 90479 của ông và tàu QNg 95001 do anh Huỳnh Văn Khanh (31 tuổi, xã Bình Châu) làm thuyền trưởng đang đánh bắt ở tọa độ 16o06’N - 113o06’E thì có 2 tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 46102 và 56103 xua đuổi, trong đó, tàu 46102 đuổi tàu QNg 90479, tàu 56103 đuổi QNa 95001. Đến khoảng 12h, chúng khống chế, áp sát 2 tàu của ngư dân Quảng Ngãi.
“6 người Trung Quốc nhảy lên tàu tôi. Bọn chúng mang theo dùi cui, khống chế 4 thuyền viên lên mũi tàu. Chúng tát tôi 2 cái, sau đó khống chế tôi ở cabin, bắt tăng tốc lái tàu đuổi theo tàu của anh Khanh. Một lúc sau, tàu 46102 của chúng đâm vào tàu của tôi. Sau cú đâm này, nước tràn vào và tàu chìm dần”, thuyền trưởng Lựu kể.
Thuyền trưởng Võ Văn Lựu chưa hết bàng hoàng sau vụ tàu bị đâm chìm. |
Theo ông Lựu, tàu ông mới ra khơi được 1 tuần, trên tàu có khoảng 1 tấn hải sản. Con tàu chìm giữa biển khơi, ông thiệt hại 3 tỷ đồng.
Tiếp lời thuyền trưởng Lựu, thuyền trưởng Khanh kể: “Khi tàu 56103 rượt đuổi thì tàu tôi tăng tốc. Tôi điều khiển tàu vào bãi cạn chừng 4 mét nước, lúc đó tàu của Trung Quốc không thể vào.
Khi tàu anh Lựu chìm, các thuyền viên chới với dưới nước nhưng chúng không hề có động thái cứu. Không những thế, chúng còn không cho tàu tôi ứng cứu tàu anh Lựu. Đến khoảng 18h, khi bọn chúng bỏ đi, tôi mới dám đưa tàu vào cứu các ngư dân”.
Kiên cường bám biển
Trước khi thuyền trưởng Lựu trở về, bà Phùng Thị Năng (50 tuổi, vợ ông Lựu) không khỏi lo lắng. Bà Năng chia sẻ, ông Lựu đi biển đã hơn 30 năm. Ban đầu, ông đi đánh bắt hải sản thuê cho các chủ tàu. Sau thời gian tích cóp tiền bạc, năm 2013, gia đình bà Năng cầm sổ đỏ vay ngân hàng và mượn của người thân để đóng chiếc tàu QNg 90479. Theo bà Năng, số tiền đầu tư vào chiếc tàu này gần 3 tỷ đồng.
“Đến bây giờ gia đình tôi vẫn còn nợ Ngân hàng 390 triệu đồng và nợ của bà con trong nhà gần 500 triệu đồng. Mới ra khơi đánh bắt được 8 ngày thì bị nạn, gần 3 tỷ đồng chìm xuống biển, trong khi số nợ không biết lúc nào mới trả xong”, bà Năng nói trong nước mắt.
Nhưng sau đó, người phụ nữ chịu thương chịu khó này nói: “Tài sản mất cũng đã mất rồi. Chồng con tôi đã trở về, đó là điều tôi mong nhất. Nếu nhỡ họ có làm sao thì tôi sống không nổi”.
Nói về cuộc đời đi biển của mình, ông Lựu cho biết, ông đã trải qua bao thăng trầm. Năm 2010, ông Lựu nảy sinh ý định làm ăn theo hướng mới nên đưa phương tiện ra vùng biển quốc tế để đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, vì không quen việc làm thủ tục xin phép, vợ chồng ông Lựu nhờ người làm giúp.
Thế nhưng khi đưa phương tiện qua Malaysia đánh bắt thì bị nhà chức trách nước này bắt vì lý do giấy tờ bất hợp pháp. Không những chiếc tàu trị giá hơn 2 tỷ đồng và toàn bộ ngư cụ, thiết bị bị tịch thu, ông Lựu còn bị cơ quan chức năng nước này bắt giam gần 9 tháng.
Xác định nghề biển gắn với cuộc đời mình, năm 2013, vợ chồng ông Lựu tiếp tục vay mượn để mua chiếc tàu cá mang số hiệu QNg 90479 TS có công suất 430 CV với trị giá trên 2 tỷ đồng.
Thế nhưng sau gần 3 năm kể từ lúc mua về, tàu cá QNg 90479 TS liên tục bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, cướp tài sản gây thiệt hại trên 770 triệu đồng. Bản thân thuyền trưởng Lựu nhiều lần bị các đối tượng người Trung Quốc khống chế, đánh đập gây thương tích. Tuy nhiên, ngư dân này vẫn không hề chùn bước, quyết tâm bám biển để giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Bà Phùng Thị Năng ôm lấy con trai Võ Văn Cầu vừa trở về sau chuyến biển kinh hoàng. |
Bản thân gặp nhiều sóng gió khi đi biển nên hơn ai hết, ông Lựu hiểu được tình cảnh, tâm lý của người đi biển khi gặp nạn. Ông luôn tâm niệm, giúp người là giúp mình. Chính vì vậy, ông luôn đoàn kết với các ngư dân khác và sốt sắng ứng cứu những trường hợp gặp nạn trên biển.
Giữa năm 2014, tàu cá QNg 95814 TS của anh Võ Nhị (huyện Bình Sơn) ra khu vực vùng biển Hoàng Sa đánh bắt hải sản. Trong lúc chạy vào khu vực đảo Đá Lồi thuộc Hoàng Sa tránh gió thì bất ngờ bị nước phá vỡ tàu và chìm ngay sau đó. Lúc này, các ngư dân trên tàu vô cùng hoảng loạn và tìm cách đu bám vào nhau.
Rất may đúng lúc ấy, ông Lựu mở máy Icom nên nghe tín hiệu cầu cứu từ tàu QNg 95814 TS. Mặc dù ở cách xa khoảng 20 hải lý nhưng ông Lựu vẫn quyết định dừng phiên biển đánh bắt hải sản để đến cứu tàu anh Nhị.
Khi tàu ông Lựu đến, nhiều ngư dân trong tình trạng mệt đuối sức sau một thời gian bu bám vào phần mũi tàu còn nổi. Sau khi đưa 11 ngư dân lên tàu mình, ông Lựu đã nỗ lực cứu con tàu gặp nạn nhưng không có kết quả.
Cuối cùng, ông và các ngư dân đã thay phiên nhau lặn xuống đáy biển tháo thiết bị máy móc và ngư lưới cụ để hạn chế thiệt hại.
Về phần tàu của ông Lựu, do chuẩn bị nhiên liệu, lương thực vừa đủ cho một phiên biển khoảng 1 tháng với 12 thuyền viên nên khi tiếp nhận thêm 11 thuyền viên của tàu anh Võ Nhị thì vấn đề hậu cần sẽ trở nên khó khăn.
Mặt khác, để đưa 11 ngư dân của tàu bị chìm vào bờ, tàu của ông Lựu phải ngưng việc đánh bắt hải sản. Dù con số thiệt hại hiện ra trước mắt không hề nhỏ nhưng ông Lựu vẫn quyết tâm quay vào bờ để đưa các ngư dân gặp nạn về với gia đình.
Nhận xét về Võ Văn Lựu, ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu cho biết “Ông Võ Văn Lựu cũng là cựu chiến binh ở địa phương. Với bản chất người lính cụ Hồ, mặc dù bị Trung Quốc liên tục tấn công cướp, phá hỏng nhưng sau mỗi lần bị nạn, Võ Văn Lựu tiếp tục sửa lại tàu rồi ra vùng biển Hoàng Sa đánh bắt hải sản, bất chấp Trung Quốc gây hấn, tấn công”.
Xung quanh vụ tàu ông Lựu bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm, sáng 13/7, ông Lê Hải Bình-người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố, Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành vi đối xử vô nhân đạo, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với các ngư dân Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc điều tra và xử lý nhân viên trên hai tàu hải cảnh đã cố ý đâm chìm tàu cá Việt Nam, bỏ mặc ngư dân trong điều kiện nguy hiểm đến tính mạng.
"Việt Nam cũng yêu cầu phía Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, không để tái diễn các hành động tương tự và có hình thức bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam", ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 11/7, Hội nghề cá Việt Nam đã gửi văn bản đến Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương về việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi.
Trong văn bản này, Hội nghề cá Việt Nam kịch liệt lên án và phản đối hành động vô nhân đạo của 2 tàu Trung Quốc, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, gây thiệt hại lớn đến tài sản của ngư dân Việt Nam.
Cũng trong ngày 11/7, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối.