[links()] GS.TS Cao Đình Triều - chuyên gia Viện Vật lý địa cầu - khẳng định với PLVN: Những tiếng nổ phát ra dưới lòng hồ Thủy điện Sông Tranh 2 hồi cuối năm 2011 không phải là tác nhân gây rò nước trên thân đập thủy điện này vào nửa cuối tháng 3/2012.
Thủy điện Sông Tranh 2 trong một lần xả lũ |
10 năm sau, lòng hồ sẽ ổn định
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Minh Việt - Viện trưởng Viện Thủy điện và Năng lượng tái tại (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) cho biết, lòng hồ thủy điện tích nước càng lớn thì áp lực nước tác động lên các vị trí đứt gãy trong lòng đất càng mạnh và dễ sinh ra hiện tượng động đất kích thích. Nhưng thông thường thì khoảng sau 10 năm, khu vực lòng hồ thủy điện sẽ ổn định; có nghĩa đến khi đó, cường độ, mức độ rung, nổ sẽ giảm dần và ổn định.
Trả lời câu hỏi, trong quá trình thiết kế, thi công, đơn vị thiết kế có thí nghiệm hay đưa ra các kịch bản để chủ động trước các tình huống tiêu cực có thể xảy ra sau khi đưa thủy điện vào vận hành, ông Việt giải thích: Thường thì khi thiết kế, nếu thấy có nhiều nguy cơ do đặc điểm địa chất, địa hình nơi đặt nhà máy… thì đơn vị tư vấn sẽ đề xuất với chủ đầu tư tiến hành việc lên kịch bản và xử lý các tình huống có thể xảy ra hoặc tổ chức thí nghiệm mô hình thủy lực trước khi đưa công trình vào vận hành. “Tôi không chắc là Sông Tranh 2 có tiến hành thí điểm mô hình thủy lực.” - ông Việt nói.
Trong một diễn biến khác, lãnh đạo và người dân Quảng Nam đang hết sức lo lắng và đặt câu hỏi trước những mối liên hệ giữa những tiếng nỗ phát ra trong lòng đất vào cuối năm 2011 với sự cố rò nước trên thân đập Thủy điện Sông Tranh 2 vào nửa cuối tháng 3/2012. GS.TS Cao Đình Triều - Viện Vật lý địa cầu - khẳng định, công tác khảo sát địa chất ở khu vực này, Viện Địa chất đã từng lập đoàn kiểm tra nhưng về khảo sát động đất thì chưa có cuộc nào được tiến hành. Tuy thế, động đất cao nhất ở khu vực này mà Viện Vật lý Địa cầu đo được là 3,5 độ richter, không thể gây ra sự cố rò rỉ nước trên thân đập như báo chí phản ánh mấy ngày qua mà có thể là do khâu thiết kế hoặc thi công.
Theo GS Triều, Viện Vật lý địa cầu đã có hệ thống Trạm quan trắc để đo động đất ở vùng này, tuy nhiên cụ thể tại khu vực Sông Tranh 2 thì chưa có nên rất cần thiết phải đặt thêm một trạm ở đây. Được biết, chiều qua - 23/3, Viện này đã tổ chức họp để thành lập Đoàn khảo sát động đất tại khu vực này. “Đây là kế hoạch từ năm ngoái, sau khi phát hiện lòng đất có tiếng nổ và nứt nhà cửa ở khu vực gần đập thủy điện cuối năm ngoái” - GS Triều cho hay.
Có lỗi ở khâu tư vấn?
Trở lại sự cố rò nước tại thân đập thủy điện này, cuối giờ chiều qua - 23/3, phóng viên PLVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tài Sơn - Tổng Giám đốc Cty CP Tư vấn Xây dựng điện 1, đơn vị tư vấn thiết kế Thủy điện Sông Tranh 2. Ông Sơn nói: “Chúng tôi khẳng định công trình không bị hư hỏng và nguy cơ vỡ đập là không có. Với trách nhiệm của đơn vị tư vấn, chúng tôi khẳng định không có lỗi thiết kế đối với công trình này, thiết kế vẫn đúng, vẫn chuẩn.”
Cũng theo đại diện của đơn vị tư vấn, nếu hành lang thoát nước bị tắc hay thi công bị thiếu thì đều không phải lỗi của bên thiết kế. “Theo tôi, ở đây không phải thi công thiếu hạng mục mà nhiều khả năng là do bị tắc. Chúng tôi đang yêu cầu kiểm tra xem nguyên nhân là gì. Nếu bị tắc thì cần phải khẩn trưởng khai thông, như vậy các chỗ nước rò rỉ ra khe nhiệt sẽ không còn. Với trách nhiệm của đơn vị tư vấn, tôi khẳng định hệ thống thoát nước được chúng tôi thiết kế đầy đủ, tiết diện của hệ thống được đơn vị tư vấn tính toán kỹ lưỡng và hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của công trình.” - ông Sơn khẳng định.
Tư vấn “chê” thi công Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Tài Sơn - Tổng Giám đốc Cty CP Tư vấn Xây dựng điện 1 nói: Để nghiệm thu một công trình thủy điện cần rất nhiều bước. Thủy điện Sông Tranh 2 hiện mới nghiệm thu xong bước 1 để tích nước. Sau khi tích nước còn phải theo dõi, quan trắc để xem công trình hoạt động ra sao. Nếu công trình vận hành tốt, đáp ứng các chỉ tiêu đã thiết kế thì mới tiến hành nghiệm thu toàn bộ công trình. Những khiếm khuyết như nước thấm qua khe nhiệt cũng là bình thường, hoàn toàn có thể khắc phục được. Tuy nhiên, việc nước phun qua khe nhiệt đã khó coi vậy mà mấy hôm nay, nhà thầu thi công không hiểu biết lại còn dùng khoan bịt như thế vừa chẳng giải quyết được gì, vừa gây phản cảm, việc này đã phải dừng lại. |
T.Anh - P.Hùng - T.Quý