[links()] Đập chính Thủy điện Sông Tranh 2 đã được nghiệm thu, đánh giá đạt chất lượng, an toàn cả trong thiết kế, thi công, giám sát, kể cả chất lượng công trình, nhưng vẫn không phát hiện ra lỗi kỹ thuật làm nước chảy qua thân đập?
Lỗi kỹ thuật này được ông Trần Văn Hải, Trưởng Ban Quản lý dự án thủy điện 3 khẳng định: “Hiện tượng rò rỉ nước của đập chính Thủy điện Sông Tranh là do có vấn đề về lỗi kỹ thuật “tắc đường ống thoát nước của các khe nhiệt” trong quá trình thi công.
Trong đường hầm của đập chính có gắng hàng loạt thiết bị đầu dò (sensor) để theo dõi, quan sát mọi diễn biến của đập để tuyền thông tin, dữ liệu về máy tính của nhà máy. Từ đó, cán bộ kỹ thuật sẽ có được những số liệu cụ thể để đọc, phân tích, đánh giá, phát hiện sự cố nếu có xảy ra để khắc phục, sửa chữa”.
Cận cảnh nước chảy xối xả qua thân đập, sáng 22.3. |
Cũng theo ông Hải, các thiết bị đầu dò này rất hiện đại, sẽ phát hiện ngay các sự cố khi xảy ra đối với đập. Nhưng không hiểu sao, công trình đưa vào sử dụng gần 2 năm mà vẫn không phát hiện ra “hiện tượng rò rỉ nước của đập chính Thủy điện Sông Tranh là do có vấn đề về lỗi kỹ thuật “tắc đường ống thoát nước của các khe nhiệt” trong quá trình thi công”?
Chiều qua, TS. Bùi Trung Dung, Phó cục trưởng Cục Kiểm định Chất lượng công trình xây dựng, thành viên thuộc Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước (Bộ Xây dựng) khẳng định: “Qua kiểm tra, chúng tôi xác định nguyên nhân nước thấm chảy ra ngoài thân đập là do không có đường ống thu gom nước thấm phía bên rãnh trái trong hầm (chứ không phải bị tắc như phía thủy điện nói). Đây lại là đập không có màng chống thấm mặt đập phía thượng lưu hồ chứa, nên nước đọng trong rãnh này ngấm qua khe co giãn trên thân đập phía hạ lưu (chứ không phải khe nhiệt) và chảy ra ngoài.
Nguyên nhân xảy ra việc nước thấm chảy ra qua thân đập là do “lỗi từ chủ đến tớ”, tức là có lỗi cả từ thiết kế, thi công cho đến vận hành công trình. Tuy nhiên, hiện việc rò rỉ nước này chưa ảnh hưởng đến an toàn và vận hành của công trình”.
TS.Dung cho biết, các vấn đề trên phần nào có câu trả lời về trách nhiệm của các bên liên quan. Vì vậy, dư luận, công luận và chính quyền huyện, tỉnh Quảng Nam đang chờ một kết luận khách quan từ cơ quan chức năng về sự việc này như lời của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đã kết luận. Và đã có lỗi, đã có sai sót thì đương nhiên phải có trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan. Nhưng xử lý, giải quyết thế nào nhằm xóa bỏ sự hoang mang, lo lắng của nhân dân mới là điều hay nhất.
Để xử lý, khắc phục lỗi kỹ thuật này, ông Trần Văn Được, Phó Tổng giám đốc EVN nêu trong công văn khẩn: “EVN đã chỉ đạo Ban QLDA phối hợp với tư vấn thiết kế và các đơn vị liên quan thực hiện ngay việc phân tích số liệu quan trắc đã có để đánh giá toàn diện về chất lượng và an toàn đập”.
Thiên Thanh