“Cú sốc” về tiêu dùng
Tại Hội thảo “Khoa học Khả năng áp dụng và tác động của thuế tài sản ở Việt Nam” do VEPR phối hợp với Tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức ngày 12/12, TS. Nguyễn Việt Cường (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) công bố nghiên cứu của ông và cộng sự về dự báo ảnh hưởng của Luật TTS đến phúc lợi hộ gia đình. Nghiên cứu này cho thấy TTS như đề xuất của Bộ Tài chính sẽ gây ra cú sốc làm giảm thu nhập và chi tiêu thực tế.
Chuyên gia này đưa ra các kịch bản đánh thuế. Cụ thể, nếu đánh thuế nhà đối với ngưỡng từ 700 triệu đồng, với thuế suất 0,3% thì mức thuế mỗi hộ phải nộp là 978 nghìn đồng/năm (bằng 0,66% tổng thu nhập), tương ứng mức chi tiêu giảm đi là 638 nghìn đồng (bằng 0,27% tổng chi tiêu). Nếu thuế suất là 0,4% thì mức thuế mỗi hộ phải nộp là 1,3 triệu đồng/năm (bằng 0,89% tổng thu nhập), tương ứng mức chi tiêu giảm đi là 851 nghìn đồng (bằng 0,36% tổng chi tiêu).
Còn nếu đánh thuế với ngưỡng nhà 1 tỷ đồng, với thuế suất là 0,3% thì mức thuế mỗi hộ phải nộp là 897 nghìn đồng/năm (bằng 0,61% tổng thu nhập); tương ứng mức chi tiêu giảm đi 600 nghìn đồng (bằng 0,25% tổng chi tiêu); Nếu áp dụng thuế suất là 0,4%, mức thuế mỗi hộ phải nộp là 1,198 triệu đồng/năm (bằng 0,82% tổng thu nhập), mức chi tiêu giảm đi là 800 nghìn đồng (bằng 0,34% tổng chi tiêu).
Đối với nhà ngưỡng từ 2 tỷ đồng, với thuế suất là 0,3% thì mức thuế mỗi hộ phải nộp là 763 nghìn đồng/năm (bằng 0,53% tổng thu nhập), tương ứng mức chi tiêu giảm đi là 525 nghìn đồng (bằng 0,22% tổng chi tiêu); Nếu thuế suất là 0,4% thì mức thuế mỗi hộ phải nộp là 1,019 triệu đồng/năm (bằng 0,72% tổng thu nhập) và tương ứng mức chi tiêu giảm đi là 700 nghìn đồng (bằng 0,29% tổng chi tiêu).
“Như vậy có thể thấy phương án thuế suất 0,3% và ngưỡng chịu thuế 2 tỷ đồng đối với nhà ở là có tác động nhỏ nhất với hộ gia đình. Phương án thuế suất 0,4% và ngưỡng chịu thuế 1 tỷ đồng đối với nhà ở có tác động nhỏ hơn đến các hộ gia đình nhưng vẫn duy trì được doanh thu thuế cao”, Chuyên gia này nhận định.
Phân theo các tiêu chí giới tính, độ tuổi, học vấn, nhân khẩu, dân tộc của TS Cường cũng chỉ ra TTS sẽ làm giảm thu nhập khả dụng (giảm 0,9%), giảm chi tiêu thực tế (giảm 0,7%). Các hộ gia đình có chủ hộ là nữ, chủ hộ nhiều tuổi, chủ hộ có học vấn cao bị ảnh hưởng nhiều hơn các hộ có chủ hộ là nam giới, trẻ tuổi và học vấn thấp. Các hộ gia đình có nhiều người cao tuổi bị ảnh hưởng nhiều hơn các gia đình bình thường. Các nhóm dân tộc Kinh, Tày, Mường chịu ảnh hưởng lớn hơn các nhóm dân tộc khác…
Chưa cải thiện triệt để chỉ bất bình đẳng
Đến từ Bộ Tài chính, PGS.TS Vũ Sĩ Cường, Học viện Tài chính cho biết, đóng góp trung bình của thuế bất động sản vào GDP các nước của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vào những năm 2000 là 2,12% GDP, tại các nước đang phát triển là 0,6%, tại các nền kinh tế chuyển đổi là 0,68%. Tính trung bình tất cả các quốc gia là 1,04% GDP.
Cũng theo chuyên gia này, đóng góp vào ngân sách của thuế bất động sản không đáng kể trên phương diện quốc gia tại các nền kinh tế đang phát triển và chuyển đổi, chỉ bằng 1/4 các nước OECD. Nguồn thu từ thuế bất động sản cũng không giống nhau giữa các nước, phần lớn phân bổ cho địa phương nhưng cũng có những nước thuộc hoàn toàn về Trung ương. Tại Việt Nam, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp chỉ đóng góp 0,3 – 0,06% GDP mỗi năm, thua xa các nước. Vai trò với loại thuế này đối với ngân sách địa phương cũng rất khiêm tốn, chỉ từ 5 – 7% ngân sách địa phương, nhiều nơi thậm chí chỉ 2%. PGS Cường cho rằng, rất ít quốc gia đánh thuế trên động sản, chỉ đánh trên bất động sản, cũng ít quốc gia đánh thuế trên tài sản ròng, chỉ có một số nước là Na Uy, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha.
“Tại một số nước trên thế giới loại thuế này có tác dụng để can thiệp tình trạng bất bình đẳng nhưng không hiệu quả, vì người giàu có thể lách thuế bằng cách chuyển tài sản. Nhiều quan điểm khẳng định TTS là công cụ tốt để điều chỉnh thu nhập nhưng trên thực tế lại không phải. Hầu hết các nước quy TTS về các địa phương…”- ông Cường cho hay.
Viện trưởng VEPR, PGS.TS.Nguyễn Đức Thành cũng cho rằng, nếu TTS được ban hành như dự thảo hiện nay thì sẽ giảm thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình. “Tuy nhiên, nó không ảnh hưởng tới hộ nghèo và chủ yếu làm giảm thu nhập của người giàu. Do đó, chỉ số bất bình đẳng được cải thiện nhưng chủ yếu do người giàu bị nghèo đi chứ không phải do người nghèo được cải thiện. Vì vậy đây không phải là sắc thuế bền vững, nếu chi tiêu công không thúc đẩy phúc lợi và năng suất toàn xã hội”, TS Thành nói.
Ông Thành cũng cho rằng, tài sản trong quá trình hình thành đã chịu nhiều loại thuế, như thuế trước bạ, nếu là động sản như ô tô thì còn thêm thuế tiêu thụ đặc biệt… Nếu tiếp tục đánh TTS, mà lại đánh hàng năm là không hiệu quả, không hợp lý và không có cơ sở, gây méo mó nguyên lý đánh thuế. Vì thế không nên dễ dãi đưa ra một luật thuế như vậy vì phải xác định rõ ràng việc đánh TTS này là để điều chỉnh hành vi hay tăng thu cho địa phương, đề nghị cần tập trung vào cách xây dựng cơ chế thu và cách sử dụng nguồn thu đó theo thông lệ quốc tế, nên tập trung vào thuế địa phương để đẩy mạnh quy hoạch khu dân cư theo tốc độ phát triển. “TTS muốn lâu bền thì phải tránh trùng với thuế tiêu thụ đặc biệt hay thuế trước bạ..”, ông Thành phát biểu.