Thực hiện hiệu quả chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc đối với người Việt Nam ở nước ngoài

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu.
(PLVN) - Nhân dịp kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu đã trả lời phỏng vấn báo chí về công tác đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc.

Đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc là công tác mang tính lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, không thể nóng vội. Xin Thứ trưởng nhận định về công tác này trong thời gian qua?

- Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu: Với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực của các ban, bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương, sự hưởng ứng của nhân dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài, công tác đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc thời gian qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Một trong những kết quả quan trọng nhất là nhận thức, ý thức trách nhiệm trong triển khai công tác này từ cả phía các cơ quan trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) đều có những chuyển biến tích cực.

“Cộng đồng NVNONN là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”; công tác đối với NVNONN “là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân”,“thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Những quan điểm nhất quán và xuyên suốt này được khẳng định ngay từ Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 29/11/1993 của Bộ Chính trị về chính sách và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; sau đó luôn được thể hiện xuyên suốt trong các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và gần đây nhất Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Kết luận số 12-KL/TW là “tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện có hiệu quả chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc”, từ đó “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào VNONN đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Công tác về NVNONN thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả thực chất, ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả, trong đó nổi bật là công tác đại đoàn kết và thu hút nguồn lực.

Các nội dung trọng tâm của công tác NVNONN bao gồm xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến kiều bào, vận động kiều bào và hỗ trợ kiều bào đều được triển khai đồng bộ, hiệu quả, mang lại những chuyển biến rõ rệt trong cộng đồng.

Bộ Ngoại giao tích cực, chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành trung ương, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội kiên trì triển khai công tác đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc thông qua các hoạt động thường niên gắn với những ngày lễ lớn của đất nước, nhằm hỗ trợ, khuyến khích bà con ta ở nước ngoài hướng về quê hương.

Các sự kiện, chương trình tiêu biểu có thể kể tới như Xuân Quê hương, Đoàn kiều bào tham dự Giỗ Tổ Hùng Vương, Kiều bào thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, Trại hè dành cho thanh niên, sinh viên kiều bào… đã thu hút sự tham gia của đông đảo NVNONN, trong đó có cả những người trước đây từng có quan điểm khác biệt, giới báo chí, phóng viên hải ngoại… góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của kiều bào.

Chúng ta cũng đã từng bước phát huy được vai trò của các kênh truyền thông kiều bào trong việc cung cấp thông tin chính xác, khách quan về tình hình đất nước tới bà con ở nước ngoài, góp phần đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch.

Với những nỗ lực trên, cùng với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, niềm tin, lòng tự hào dân tộc của mỗi kiều bào không ngừng được củng cố.

Tuy nhiên, công tác đại đoàn kết dân tộc mang tính lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, không thể nóng vội. Sự chuyển biến về nhận thức, tư tưởng không thể diễn ra trong một sớm một chiều, đòi hỏi có thời gian để sự vận động, thuyết phục có thể phát huy hiệu quả.

Những kết quả đạt được là to lớn nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, còn nhiều điều cần phải làm để công tác đại đoàn kết đối với NVNONN xứng đáng với yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong tình hình mới, cũng như kỳ vọng của đồng bào ta ở nước ngoài.

Song hành công tác quy tụ kiều bào khắp thế giới, không thể không kể đến công tác hòa hợp dân tộc, Thứ trưởng có thể chia sẻ một số khó khăn, thuận lợi trong công tác này?

- Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu: Công tác đại đoàn kết, vận động đồng bào Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương luôn là nhiệm vụ trọng tâm của công tác NVNONN. Công tác này có thuận lợi to lớn là luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc và chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Trong những chuyến công tác nước ngoài hoặc những dịp kiều bào về nước, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn dành thời gian, gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của bà con và chỉ đạo các cơ quan trong nước kịp thời giải quyết những nguyện vọng chính đáng của bà con.

Bên cạnh đó, nhận thức của các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương về công tác đại đoàn kết dân tộc ngày càng được nâng cao. Nhiều chủ trương, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho kiều bào về nước làm việc, đầu tư, kinh doanh đã được xây dựng và triển khai. Nhiều hoạt động về nguồn nhằm gắn kết kiều bào với quê hương đã được tổ chức thường xuyên.

Những nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước và những thành tựu lớn lao mà chúng ta đạt được trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… cũng là những nền tảng quan trọng cho công tác hòa hợp dân tộc, tạo sự chuyển biến về nhận thức trong cộng đồng, phản bác lại các luận điệu xuyên tạc, thù địch.

Ngoài ra, những chuyển biến trong tình hình cộng đồng NVNONN cũng là những nhân tố thuận lợi, giúp cho công tác đại đoàn kết, quy tụ NVNONN hướng về quê hương đạt được những thành quả quan trọng.

Có thể kể đến một số thuận lợi như cộng đồng tăng mạnh về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn, hiện có hơn 5,3 triệu người Việt sinh sống, làm việc, học tập ở trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thành phần cộng đồng ngày càng được mở rộng và đa dạng hơn. Thế hệ kiều bào trẻ - những người sinh ra sau chiến tranh, có tư tưởng cởi mở hơn đã và đang trở thành lực lượng chủ yếu, tác động đến nhận thức, thái độ của cộng đồng NVNONN.

Bên cạnh đó, vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng trong xã hội sở tại ngày càng được nâng cao; kiều bào thực sự trở thành nguồn lực quan trọng đóng góp cho quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Một số kiều bào đóng vai trò nòng cốt, có sức ảnh hưởng, quy tụ lớn trong việc tập hợp, đoàn kết cộng đồng hướng về quê hương.

Các hội đoàn NVNONN tiếp tục được củng cố và phát triển, góp phần tăng cường đoàn kết trong cộng đồng, gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc Việt Nam ở nước ngoài. Tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, gắn bó với quê hương trong cộng đồng NVNONN ngày càng được khơi dậy và tăng cường.

Tuy nhiên, trong triển khai công tác này vẫn còn một số khó khăn. Về phía các cơ quan trong nước, nhận thức của các cấp, ngành, địa phương về NVNONN và công tác NVNONN có lúc, có nơi chưa thực sự đầy đủ và thống nhất; vẫn còn tồn tại tâm lý nghi kỵ, thành kiến, phân biệt đối xử với kiều bào.

Về phía kiều bào, một bộ phận còn định kiến, nhận thức và hành động không phù hợp lợi ích quốc gia – dân tộc; cá biệt một số người có thái độ chống phá quyết liệt; còn có một bộ phận trung dung giữ thái độ im lặng.

Thế hệ kiều bào trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài do ảnh hưởng từ thế hệ đi trước, rào cản về ngôn ngữ, văn hóa nên có người còn thờ ơ, không quan tâm đến tình hình đất nước. Các thế lực thù địch và các lực lượng người Việt cực đoan thường xuyên thay đổi hình thức chống phá, ngày càng tinh vi hơn; tăng cường lợi dụng những vấn đề “nóng, bất cập” ở trong nước để lôi kéo, kích động bà con.

Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng, theo Thứ trưởng, công tác hòa hợp dân tộc trong thời gian tới cần làm gì để phù hợp với tình hình mới?

- Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu: Thời gian tới, để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác đại đoàn kết đối với NVNONN, cần quán triệt sâu sắc hơn nữa những quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác NVNONN nêu trong văn kiện Đại hội Đảng XIII, cũng như Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị.

Công tác NVNONN cần thể hiện đầy đủ và phát huy hơn nữa truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc. Cơ sở của sự đoàn kết là ý thức dân tộc và lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và mục tiêu chung của mọi người Việt Nam là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung…; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai; xóa bỏ mặc cảm, định kiến; chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc.

Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo đó, Bộ Ngoại giao sẽ chủ động, tích cực phối hợp với các ban, bộ ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội để tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện hiệu quả chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với NVNONN; đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, linh hoạt trong triển khai vận động NVNONN, nhất là thế hệ trẻ, gắn bó và hướng về quê hương, đất nước.

Kiên trì vận động những kiều bào còn định kiến để củng cố niềm tin, yên tâm hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc.

Tiếp tục coi trọng, quan tâm hỗ trợ và phát huy vai trò của các lực lượng nòng cốt, những người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng NVNONN trên cơ sở phù hợp pháp luật của nước sở tại và Việt Nam; Kịp thời tôn vinh, động viên, khích lệ đồng bào ta ở nước ngoài có đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngoài ra, cần tiếp tục quan tâm giải quyết các vấn đề do lịch sử để lại trên tinh thần đối thoại, lắng nghe, cởi mở, chân thành, khoan dung, sẵn sàng chấp nhận khác biệt.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Tin cùng chuyên mục

Phó Thủ tướng Chính phủ dự lễ khánh thành Đền thờ Anh hùng liệt sĩ tại Kiên Giang

Phó Thủ tướng Chính phủ dự lễ khánh thành Đền thờ Anh hùng liệt sĩ tại Kiên Giang

(PLVN) - Ngày 27/4, tại huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, UBND tỉnh đã tổ chức lễ khánh thành Đền thờ Anh hùng liệt sĩ lực lượng vũ trang nhân dân và Thanh niên xung phong hy sinh trên tuyến đường 1C và tu bổ cấp thiết di tích lịch sử cách mạng bia tưởng niệm tuyến đường 1C. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng nhiều đại biểu dâng hương và trồng cây lưu niệm.

Đọc thêm

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
(PLVN) - Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ trên đường Bắc Sơn.

Báo cáo Nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về thực tế tại Việt Nam

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng.
(PLVN) - "Báo cáo Nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 22/4/2024 mặc dù đã phản ánh các thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người nhưng rất tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam".

Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và Động viên công nghiệp: Bảo đảm xây dựng nền công nghiệp quốc phòng chủ động, lưỡng dụng

Đại tướng Phan Văn Giang tham quan Nhà máy Z131 (Tổng cục CNQP). (Ảnh: Lam Hạnh)
(PLVN) - Mới đây Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã có buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và Động viên công nghiệp trên địa bàn Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Tạo sự đồng thuận, thống nhất trong tổ chức thực hiện biên chế

Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế đánh giá kết quả đạt được và hạn chế, đồng thời xác định một số nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2026. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Hôm qua (24/4), tại Trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng đã diễn ra Hội nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế (Phiên họp thứ 3). Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế Trương Thị Mai chủ trì Hội nghị.

Cần xây dựng lộ trình kiểm soát giá

Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá Lê Minh Khái chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: Thanh Hằng)
(PLVN) - Ngày 24/4, khi chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành giá quý I/2024, định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá Lê Minh Khái đề nghị các Bộ, ngành cần xây dựng lộ trình tăng giá các mặt hàng dịch vụ một cách hợp lý, nhịp nhàng.

Lễ xuất quân Hành trình 'Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông'

Lễ xuất quân Hành trình 'Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông'
Sáng 24/4, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn tổ chức Lễ xuất quân hành trình "Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông" với chuỗi các hoạt động thăm, tặng quà, tri ân các gia đình cựu chiến sĩ Điện Biên, các thương - bệnh binh, gia đình có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.