Thúc đẩy mạnh hơn đấu thầu qua mạng để ngăn ngừa tham nhũng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu là một trong những định hướng lớn được đưa ra trong Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi mà Bộ KH&ĐT đang lấy ý kiến rộng rãi người dân.

Theo Bộ KH&ĐT, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 mặc dù đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh đấu thầu qua mạng (ĐTQM), tạo chuyển biến toàn diện trong công tác đấu thầu, đảm bảo yêu cầu công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu trong thời gian qua cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết cần phải sửa đổi toàn diện Luật này.

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư mặc dù đã được đơn giản hóa nhưng Luật chưa có quy định về quy trình lựa chọn nhà thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư kinh doanh… nên việc tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các trường hợp nêu trên không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, dễ dẫn đến sai phạm, tham nhũng, lãng phí.

Trải qua giai đoạn thử nghiệm (2009 đến 2013) và giai đoạn triển khai chính thức (từ 2014 đến nay), ĐTQM đã được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam. Tuy nhiên, Luật Đấu thầu mới chỉ có các quy định mang tính nguyên tắc về việc thực hiện ĐTQM; quy trình chi tiết thực hiện ĐTQM được Luật giao cho Chính phủ và Bộ KH&ĐT hướng dẫn chi tiết.

Do đó, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy trình về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật, đồng thời rút ngắn thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, giảm các thủ tục hành chính không cần thiết trong đấu thầu; luật hóa các quy định về ĐTQM nhằm thúc đẩy mạnh hơn hoạt động ĐTQM.

Đáng chú ý, trong Dự thảo Luật Đấu thầu đang được lấy ý kiến, quy trình chung trong đấu thầu và ĐTQM được quy định chặt chẽ, đầy đủ hơn. Theo đó, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy trình tổ chức lựa chọn nhà thầu theo hướng cho phép thực hiện các hoạt động lập, phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu trước khi dự án được phê duyệt (hành động trước) để tiết kiệm thời gian thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn;

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy trình tổ chức đấu thầu theo hướng lược bỏ việc thẩm định, phê duyệt ở các bước trung gian như: thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phê duyệt danh sách xếp hạng nhà thầu; bổ sung quy định về quy trình lựa chọn nhà thầu cụ thể tương ứng với từng hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; bổ sung các nguyên tắc về đấu thầu cho phù hợp với thông lệ quốc tế; sửa đổi, bổ sung quy định về phân cấp phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho chủ đầu tư thay vì người có thẩm quyền như hiện nay;

Dự thảo Luật cũng quy định theo hướng tối đa hóa việc thực hiện các thủ tục đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (như: kê khai về năng lực, kinh nghiệm để tạo cơ sở dữ liệu đồng bộ, thống nhất về nhà thầu, nhà đầu tư; thẩm định, phê duyệt các hồ sơ trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; thực hiện bảo lãnh dự thầu online, đánh giá hồ sơ dự thầu tự động; ký kết, quản lý hợp đồng online…); lựa chọn danh sách các nhà cung cấp kèm theo danh mục hàng hóa và các điều khoản về kỹ thuật, giao hàng, bảo hành, bảo trì để công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, làm cơ sở để các cơ quan có nhu cầu mua sắm tiến hành đàm phán, ký kết hợp đồng ngay với nhà cung cấp mà không cần phải tổ chức đấu thầu, gây mất thời gian, làm giảm hiệu quả của công tác mua sắm…

Cùng với đó, bổ sung các quy định về Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và quy trình thực hiện mua sắm thông qua các tính năng của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia như shopping online, e-catalog…; Tích hợp thủ tục đầu tư theo pháp luật về đầu tư và thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo pháp luật về đấu thầu; trong đó, lồng ghép việc công bố thông tin dự án đầu tư (gồm dự án đầu tư có sử dụng đất và dự án phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa) với quy trình đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư; Đồng thời tích hợp thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư vào quyết định phê duyệt kết quả đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư. Theo đó, tại quyết định này, cấp có thẩm quyền xác định và phê duyệt hình thức đấu thầu, tên bên mời thầu, thời gian tổ chức đấu thầu làm cơ sở để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.

Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi đang được Bộ KH&ĐT lấy ý kiến rộng rài người dân từ ngày 25/10/2021 đến hết ngày 08/11/2021 để hoàn thiện trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo thống kê trên Hệ thống đấu thầu qua mạng quốc gia tính từ năm 2015 đến năm 2020 đã có 162.657 gói thầu được tổ chức lựa chọn nhà thầu qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia với tổng giá gói thầu khoảng 410.740 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu khoảng 388.554 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm đạt 5,401%.

Đọc thêm

Quy định mới nhất về việc tổ chức học thêm, dạy thêm

Ảnh minh họa
(PLVN) - Thông tư 29/2024 quy định rõ, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Không giải thích rõ ràng cho bên mua về quyền lợi bảo hiểm bị phạt tới 100 triệu đồng

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) - Theo quy định tại  Nghị định số 174/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm vừa được Chính phủ ban hành, hành vi không giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm bị phạt tới 100 triệu đồng.