Thừa Thiên Huế đẩy mạnh xây dựng, phát triển chính quyền số

Tỉnh Thừa Thiên Huế xác định Hue-S là nền tảng đặc thù thúc đẩy CĐS.
Tỉnh Thừa Thiên Huế xác định Hue-S là nền tảng đặc thù thúc đẩy CĐS.
(PLVN) - Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai quyết liệt công tác xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời, lựa chọn các nội dung, giải pháp phù hợp với thực tiễn của địa phương đã giúp Huế có bước tiến mạnh mẽ trong CĐS.

Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương tiên phong, đẩy mạnh xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Với định hướng chuyển đổi số, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu năm 2025 đạt 100% tiêu chí chính quyền số, hơn 90% dịch vụ công đạt cấp độ 4, kinh tế số chiếm 15-20% GRDP, 100% cơ quan triển khai Cloud và hơn 300 doanh nghiệp công nghệ số.

Không để bị tụt hậu

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế, đến nay, Trung tâm Điều hành Ủy ban nhân dân tỉnh, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (Hue-S) vận hành hiệu quả; cơ sở hạ tầng thông tin bước đầu được đầu tư hiện đại; nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được triển khai; việc gửi, nhận văn bản điện tử được liên thông cả 4 cấp hành chính; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai từ cấp tỉnh đến cấp xã. Ấn tượng là các sở, ngành liên quan đều đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), từng bước chuyển đổi số trên từng lĩnh vực nhằm tạo thuận lợi cho người dân.

Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh cùng chính sách giảm phí, lệ phí khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến, cải cách hành chính đã đạt nhiều kết quả như: Công bố 46 thủ tục hành chính (TTHC) mới và 71 TTHC sửa đổi theo quy định của Chính phủ. Hơn 500 TTHC thực hiện cơ chế một cửa liên thông, giảm thời gian giải quyết và số lần đi lại cho người dân, doanh nghiệp. Tỷ lệ hồ sơ TTHC đúng hẹn ở cấp tỉnh đạt 98,40%, cấp huyện đạt 92,15%; cấp xã đạt 97,80%. Cổng Dịch vụ công của tỉnh vận hành có hiệu quả: triển khai và cấp 6.363 bản sao điện tử từ bản chính. Có hơn 1,7 triệu hồ sơ được số hóa, tiết kiệm hơn 3 tỉ đồng chí phí so với xử lý qua văn bản giấy.

Về Chính quyền điện tử, chính quyền số: Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh đang vận hành 17 dịch vụ đô thị thông minh (cụ thể như: Phản ánh hiện trường; Thông tin, cảnh báo; Giám sát camera; Giám sát thông tin mạng; Giám sát hành chính công; Giám sát quảng cáo điện tử; Giám sát hồ đập, thủy điện; Giám sát môi trường; Giám sát an toàn thông tin mạng; Giáo dục thông minh; Y tế thông minh; Du lịch thông minh; Giao thông thông minh; Quy hoạch đất đai; Dịch vụ thiết yếu; Thanh toán trực tuyến (ví điện tử); Hỗ trợ thương mại điện tử). Đến nay, 100% các cơ quan nhà nước của tỉnh đã được cấp chữ kỹ số. Dịch vụ công trực tuyến đạt 88,27% trong tổng số dịch vụ công tỉnh.

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Xuân Sơn, Thừa Thiên Huế đã hoàn thiện nền tảng phát triển và tích hợp Chính quyền điện tử; đã triển khai và thí điểm 5/7 nền tảng số dùng chung, xây dựng và triển khai nền tảng Hue-S.

Tỉnh Thừa Thiên Huế xác định Hue-S là nền tảng đặc thù thúc đẩy CĐS của tỉnh trong trong thời gian tới. Để người dân, DN và cơ quan Nhà nước dễ sử dụng, chúng tôi đã xây dựng kiến trúc CĐS, sắp xếp giao diện Hue-S một cách tối ưu nhất, gồm: Khối truyền thông nâng cao nhận thức, kỹ năng công dân số; khối các dịch vụ thúc đẩy phát triển kinh tế số; khối xã hội số; khối chính quyền số và khối cá thể hóa người dùng. Đây sẽ bộ khung giúp cho hoạt động CĐS thống nhất, bền vững, ông Sơn cho biết thêm.

Chuyển đổi số vì người dân, doanh nghiệp

Với kinh nghiệm, lợi thế và nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên mọi lĩnh vực, Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả tích cực. Không chỉ giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, CĐS còn là chiến lược tất yếu, giúp doanh nghiệp bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ số, mang lại cuộc sống tốt đẹp, tiện ích hơn.

Trên hành trình CĐS, ngành nông nghiệp (NN) là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên CĐS nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh (SXKD) theo hướng hiện đại, thông minh, từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.

Đến nay, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn đã ứng dụng công nghệ vào hoạt động SXKD. Sản phẩm của các HTX được xây dựng, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu và chứng nhận OCOP được đưa lên sàn giao dịch điện tử để giới thiệu, quảng bá, kết nối với khách hàng. Hoạt động mua bán sản phẩm đều thông qua hệ thống CNTT điện tử, tạo thuận lợi trong việc giao dịch tiêu thụ nông sản.

Chỉ với 1 chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng internet, ngay tại vườn thanh trà của gia đình, chị Dương Thị Minh Thư (phường Thuỷ Biều, TP Huế) đã có thể chụp ảnh sản phẩm gửi lên các hội nhóm mua bán; gọi điện bằng hình ảnh để khách hàng thấy được sản phẩm; thậm chí livestream giới thiệu sản phẩm nông sản của mình tới khách hàng ở khắp nơi. Việc ứng dụng công nghệ số đã giúp chị Thư vượt qua ranh giới về khoảng cách địa lý, tiếp cận khách hàng ở khắp nơi một cách dễ dàng, nhanh chóng.

Chị Thư chia sẻ: "Nhờ có mạng xã hội mà tôi đã bán được hàng cho khách ở trong tỉnh và ngoài tỉnh. Việc ứng dụng công nghệ số giúp tôi tiếp cận người tiêu dùng rất nhanh, tiết kiệm chi phí marketing rất nhiều”.

Theo Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, chuyển đối số không còn dừng ở lựa chọn mà là bắt buộc mỗi khi nói về quá trình chuyển đổi số với các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp. Chuyển đối số là xu thế tất yếu, tác động mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân. Do đó, tỉnh Thừa Thiên Huế thời gian qua đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số, phục vụ tốt hơn các nhu cầu của doanh nghiệp, người dân là mục tiêu mà tỉnh đề ra.

Thời gian tới, tỉnh sẽ phối hợp xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật trong từng ngành, lĩnh vực phù hợp với yêu cầu của phát triển kinh tế số, xã hội số. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng kết nối số cho người dân. Phát triển nền tảng địa chỉ số, bản đồ số tạo hạ tầng mềm cho phát triển kinh tế số và xã hội số. Đồng thời, xây dựng và tổ chức triển khai nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu tập trung cấp tỉnh, kết nối liên thông, mở chia sẻ dữ liệu để tập hợp tài nguyên dữ liệu của tỉnh vào một đầu mối xử lý, phân tích, tạo ra các giá trị mới phục vụ phát triển kinh tế số và xã hội số.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên
(PLVN) - Chuyển đổi số đang trở thành xu thế không thể đảo ngược, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nhận thức rõ điều này, Ban Quản lý (BQL) Dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hưng Yên đã và đang triển khai mạnh mẽ các kế hoạch và hoạt động nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới phát triển kinh tế số và xã hội số.