Theo Thủ tướng, trước tiên, tỉnh Sóc Trăng, các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp phải bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, nhất là cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, với 3 trụ cột: xây dựng nền dân chủ XHCN; Nhà nước pháp quyền XHCN; nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Thứ hai, phải xây dựng thể chế, cơ chế minh bạch, công khai, ổn định góp phần phát triển hệ sinh thái môi trường đầu tư. Tình hình diễn biến rất nhanh, khó lường, do đó phải bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để hoàn thiện thể chế.
Thứ ba, thực hiện các đột phá chiến lược về hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế. Các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, các nhà đầu tư đều có trách nhiệm trong thực hiện các đột phá này. Trong đó, cần phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, trước hết là đường bộ cao tốc, cảng biển trong bối cảnh lượng hàng xuất khẩu của vùng ĐBSCL rất lớn, đặc biệt là nông sản, thủy sản…
Thứ tư, phải coi trọng công tác quy hoạch. Công tác quy hoạch phải đi trước một bước, có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển, với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược. Quy hoạch phải tìm ra và phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương, khắc phục được những mâu thuẫn, thách thức, tồn tại, hạn chế, bất cập.
Thứ năm, giải quyết tốt các vấn đề chiến lược có tính toàn cầu, toàn dân như ứng phó dịch bệnh COVID-19, biến đổi khí hậu với các vấn đề như xâm nhập mặn, nước biển dâng, sụt lún, sạt lở, thay đổi dòng chảy… tại khu vực ĐBSCL.
Thứ sáu, phải chọn vấn đề ưu tiên, có tác động lan tỏa lớn, bền vững để làm trước. Làm từng bước chắc chắn, đi từ nhỏ đến lớn, thấp đến cao, đơn giản đến phức tạp, chọn vấn đề trọng tâm, trọng điểm, phải xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để thực hiện, vừa có tính ổn định, vừa có tính linh hoạt, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, người dân. Trong quá trình phát triển, phải bảo đảm cân đối, hài hòa giữa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng.
Thứ bảy, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Việc này không có nghĩa là tự cung, tự cấp mà phải hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả, là bạn bè tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Các tỉnh phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển, mảnh đất của mình, không trông chờ, ỷ lại.
Thứ tám, sự phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương. Các bộ, ngành phải quan tâm, bám sát, “lao tâm, khổ tứ” để cùng làm với địa phương, chống xin – cho.
Thứ chín, sự đồng hành của doanh nghiệp. Các nhà đầu tư làm việc với các địa phương trên tinh thần “nói thật, nghĩ thật, làm thật, hiệu quả thật, người dân được thụ hưởng thật”, không “đánh bóng hình ảnh” và phải chống tiêu cực, tham nhũng, chống “chạy chọt” dự án, đất đai, sai phạm về môi trường…
Thứ mười, sự ủng hộ của người dân. Cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân trên cơ sở hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro.
Mười một, cần đa dạng hóa, huy động tối đa, hiệu quả các nguồn lực xã hội, tăng cường hợp tác công - tư, đồng thời huy động vốn qua các kênh hợp pháp như tín dụng ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu, ODA…
Mười hai là vấn đề truyền thông. Phải đầu tư hơn nữa cho công tác truyền thông, không để khủng hoảng truyền thông.
Mười ba, việc tổ chức thực hiện trên cơ sở lựa chọn trọng tâm, trọng điểm cho đúng, trúng, thực hiện đúng quy định của pháp luật, đồng thời tăng cường gặp gỡ, trao đổi giữa các bên liên quan để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, rà soát thể chế, cơ chế, chính sách, đề xuất với các cơ quan chức năng.