Câu hỏi về chất lượng cán bộ công chức, việc tuyển dụng, những sai phạm trong việc bổ nhiệm cán bộ... đã được đưa lên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, và tiếp tục chất vấn trực tiếp Chính phủ trong phiên họp sáng nay.
Thủ tướng nêu rõ quan điểm: "Kiên quyết xử lý cán bộ tham nhũng, tiêu cực, quyết tâm loại bỏ cán bộ hư hỏng, thoái hóa, biến chất ra khỏi bộ máy."
Khẳng định đây là vấn đề cấp bách, Thủ tướng nhấn mạnh việc cần có chủ trương hết sức cụ thể và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công khai, minh bạch, hạn chế thấp nhất tình trạng xin cho (tài chính, ngân sách, tài nguyên, đất đai); đẩy mạnh cải cách tiền lương gắn với tinh giản biên chế, tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, chống thoái hóa biến chất... Đây là những giải pháp phải thực hiện liên tục, kiên trì với tinh thần quyết tâm cao.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí phản ánh, quy trình bổ nhiệm cán bộ triển khai lâu nay cơ bản tốt, tuy nhiên cũng có sơ hở. "Cử tri cho rằng có những điều chưa ổn, không phù hợp. Có trường hợp bổ nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Chính phủ có hành động cụ thể nào để bổ nhiệm được người tài, có tâm, có tầm?", ông Trí nói.
Thủ tướng nói tới đây Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu đưa ra quy trình minh bạch, phát hiện những tiêu cực từ cơ sở.
Người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận, cái gốc là vấn đề cán bộ, làm tốt vấn đề này sẽ khắc phục được những điểm yếu khác. Giải pháp đột phá trong công tác cán bộ phải chú ý tới tính cạnh tranh lành mạnh, qua thi cử, thử thách năng lực, đánh giá công khai. Cần những biện pháp cụ thể. Chính phủ đã có chủ trương tăng cường kỷ cương. kỷ luật hành chính, đẩy mạnh rèn luyện đạo đức cán bộ, công khai minh bạch và kiểm soát quyền lực, hạn chế thấp nhất tình trạng xin cho, nhất là liên quan tới tài chính, đất đai....
“Tiếp tục cải cách tiền lương, đi liền với tinh giản biên chế là hết sức cần thiết”, Thủ tướng nhấn mạnh.“Nếu làm tốt những biện pháp này thì công tác cán bộ sẽ tốt hơn”.
Cũng liên quan đến công tác cán bộ, trước thực tế hơn 5.000 đơn vị công lập, viên chức trong hệ thống với trên 2,2 triệu người, Thủ tướng nhận định đây là nút thắt trong tinh giản biên chế. Ông đề nghị đẩy mạnh xã hội hoá các đơn vị sự nghiệp công lập. Bước đi, lộ trình như thế nào thì sau khi đề án của Chính phủ được Ban chấp hành Trung ương thông qua, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội.
Toàn cảnh phiên chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. |
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng về “cán bộ tiếp dân”, Thủ tướng công nhận vai trò của đội ngũ này. Theo Thủ tướng, việc bố trí người làm rất quan trọng, vì đây là khâu đầu tiên để lắng nghe, giải quyết. Các địa phương cần bố trí cán bộ có năng lực, có trách nhiệm làm việc này, đồng thời thực hiện nghiêm Luật khiếu nại, tố cáo và chỉ thị liên quan của Bộ Chính trị.
Với đề nghị mà của ĐB Dương Trung Quốc, ĐB Phùng Văn Hùng về việc xây dựng văn hoá từ chức ở Việt Nam, Thủ tướng khẳng định văn hoá từ chức là cần thiết. Thủ tướng thể hiện quan điểm tiếp thu ý kiến đại biểu và cho biết có những người do sức khoẻ, do hoàn cảnh gia đình, do năng lực mà từ chức thì hoan nghênh.
Trước ý kiến liên quan đến hoạt động của Formosa Hà Tĩnh, Thủ tướng khẳng định quan điểm rất rõ ràng: "Nếu lặp lại ô nhiễm môi trường phải đóng cửa Formosa, không tha thứ".
Về các vấn đề nổi cộm trong xã hội thời gian qua được báo chí nêu như những biệt thự nghìn tỷ, những vụ bổ nhiệm 'có vấn đề' nhưng vấn 'đúng quy trình", Thủ tướng cho biết sẽ không có vụ nào “chìm xuồng”. "Vụ nào chìm thì đại biểu cứ báo ra Quốc hội, chúng tôi sẽ xử lý." - Thủ tướng nói.
Phần trả lời chất vấn của Thủ tướng đã kết thúc phiên chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ QH khóa XIV.