Mặc dù Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu khẳng định diễn biến bất thường của giá vàng trong mấy ngày nay không hẳn là do Thông tư 22 /2010/TT-NHNN ngày 29/10/2010 của NHNN quy định về huy động và cho vay vốn bằng vàng của các tổ chức tín dụng, song theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc ban hành thông tư vào thời điểm này là không phù hợp, chẳng khác nào “thêm dầu vào lửa”…
Sinh nhầm thời điểm
Trả lời phỏng vấn báo chí, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết, khối lượng vàng các ngân hàng đã chuyển hóa thành tiền đồng cho vay và nay cần thu lại để tất toán hợp đồng theo quy định của Thông tư 22 chỉ vào khoảng 10 tấn, trong khi các ngân hàng có tới 8 tháng để thực hiện… “Khi giá đang cao như hiện nay không ai dại gì đi mua vào để tất toán…”, ông Giàu khẳng định.
Một chuyên gia kinh tế (đề nghị không nêu tên) cũng cho rằng đây không phải thời điểm các ngân hàng mua vào, thậm chí thấy có lợi ngân hàng con bán ra, bởi ngân hàng cũng là người chơi trên thị trường. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng đây không phải thời điểm tốt để NHNN ban hành Thông tư 22.
“Lúc này đang cần có công cụ can thiệp vào thị trường vàng thì NHNN lại ban hành Thông tư 22, chẳng khác nào mình tự làm hại mình”, ông này bình luận.
Theo chuyên gia này, từ năm 2000, các ngân hàng đã được huy động và cho vay bằng vàng, một lượng vàng đáng kể trong dân đã được huy động vào hệ thống ngân hàng, có tác dụng điều hòa, can thiệp thị trường - tất nhiên không phải bằng mệnh lệnh hành chính. Cho nên, ông này cho rằng ban hành Thông tư 22 là NHNN đã tự mình chặt đi một công cụ can thiệp thị trường…
“Thực ra vấn đề huy động và cho vay vàng là vấn đề nan giải với các ngân hàng từ lâu rồi, nhất là khi giá vàng biến động. Nhưng tại sao Thông tư 22 lại ban hành vào thời điểm này, mà vừa ban hành đã có hiệu lực ngay, chẳng khác nào thời chiến, chưa kể ban hành trái luật…”, luật sư Trương Thanh Đức, Cty luật Basico đánh giá.
Theo luật sư Đức, Thông tư 22 ra đời là để bớt rủi ro cho ngân hàng, nhưng lại góp phần đẩy kịch tính lên cao trào… “Nói chung chính sách toàn đi sau, sinh nhầm thời điểm, thành ra thêm dầu vào lửa…”, luật sư Đức bình luận.
Dùng hành chính "chỉnh" thị trường?
Theo quy định của Thông tư 22, TCTD chỉ được phép huy động vốn bằng vàng thông qua phát hành giấy tờ có giá, thay vì hình thức phát hành sổ tiết kiệm vàng trước đây. Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ chỉ được phép cho khách hàng vay vốn bằng vàng để sản xuất, chế tác và kinh doanh vàng trang sức, việc cho vay để sản xuất và kinh doanh vàng miếng hoàn toàn bị cấm…
“Theo lý giải của NHNN, việc ban hành thông tư trên vào thời điểm hiện tại là một quyết định cần thiết, góp phần tích cực vào việc bình ổn thị trường vàng và ngoại tệ, vốn diễn biến khá phức tạp trong thời gian qua. Tuy nhiên nếu mục tiêu như vậy thì thông tư không giải quyết được vấn đề. Đây không phải là giải pháp mang tính thị trường mà mang tính hành chính nhiều hơn. Bởi nó không tuân theo quy luật kinh tế thị trường. Bằng chứng là ngay sau khi có thông tư này giá vàng trong nước vẫn tiếp tục tăng mạnh. Nguyên nhân chính là do hiện nay giá vàng trong nước hoàn toàn phụ thuộc vào giá vàng thế giới. Chúng ta không thể hy vọng điều tiết thị trường vàng trong nước bằng các mệnh lệnh hành chính mà phải tuân theo quy luật cung - cầu…”, ông Trần Quốc Quýnh, chuyên gia thuộc Hiệp hội kinh doanh vàng VN bình luận.
Tại buổi họp báo về kinh tế vĩ mô hôm 4/11 vừa qua, ông Lê Đức Thúy - Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cũng cho rằng Thông tư 22 tuy mới được ban hành song cũng đã chứa đựng nhiều bất cập. Bất cập lớn nhất, không tính vàng là một nguồn lực trong xã hội cần phải đưa vào hệ thông ngân hàng, thông tư chỉ tính đến việc giảm rủi ro cho các ngân hàng nhưng đang tạo sự tắc nghẽn của các nguồn vốn trong nền kinh tế, làm cho giá vốn càng đắt, càng khan hiếm vốn…
Tại cuộc họp báo này, ông Thúy cũng dẫn ra số liệu của Hội đồng vàng thế giới cho biết, số vàng VN nhập khẩu, đọng lại trong nước khoảng 1.000 tấn, tương đương hơn 40 tỷ USD, nhiều hơn tiền gửi trong ngân hàng, cộng với dự trữ của NHNN. Theo ông Thúy, vấn đề là phải có cơ chế để số vàng này được luân chuyển, về lâu dài, phải tính rất nhiều chuyện, để tháo những “nút thắt” làm méo mó thị trường.
Thanh Thanh