Thông qua Sáng kiến đối tác Vành đai và Con đường về hợp tác vaccine Covid-19

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn dự hội nghị.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn dự hội nghị.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hội nghị cao cấp trực tuyến khu vực châu Á-Thái Bình Dương về hợp tác Vành đai và Con đường đã thông qua “Sáng kiến đối tác Vành đai và Con đường về hợp tác vaccine Covid-19” và “Sáng kiến đối tác Vành đai và Con đường về phát triển xanh”.

Nhận lời mời của Uỷ viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, ngày 23/6, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã dự Hội nghị cao cấp trực tuyến khu vực châu Á-Thái Bình Dương về hợp tác Vành đai và Con đường.

Hội nghị còn có sự tham dự của Tổng thống Colombia, Thủ tướng Fiji, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao hoặc Bộ trưởng Thương mại 10 nước ASEAN, một số nước Nam Á, Trung Á, Mỹ La-tinh, quốc đảo Thái Bình Dương và đại diện các tổ chức quốc tế trong khu vực.

Với chủ đề “Thúc đẩy hợp tác ứng phó với đại dịch vì sự phục hồi bền vững”, các đại biểu tập trung thảo luận về những thách thức mà khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang phải đối mặt, đặc biệt tác động của đại dịch Covid-19; các nỗ lực, giải pháp ứng phó đại dịch và thúc đẩy phục hồi kinh tế, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững và bao trùm ở cả cấp độ quốc gia và khu vực.

Các nước đều nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tăng cường trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong việc ứng phó đại dịch; bày tỏ ủng hộ Sáng kiến COVAX và kêu gọi các đối tác phát triển và các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển tiếp cận nguồn vaccine kịp thời với giá thành hợp lý.

Các phát biểu cũng cho rằng cần thúc đẩy hợp tác trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine; khuyến khích các tổ chức tài chính khu vực và quốc tế cung cấp tín dụng ưu đãi cho các nước đang phát triển để có thể ứng phó hiệu quả với dịch bệnh.

Các đại biểu nhấn mạnh cần ưu tiên thúc đẩy phục hồi kinh tế bền vững và bao trùm, hướng tới nền kinh tế xanh, ít phát thải các-bon, thực hiện đầy đủ và đúng hạn các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc (SDG 2030) và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; tăng cường trao đổi thông tin, hợp tác phát triển kinh tế xanh, hợp tác môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, năng lượng sạch; huy động nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh; nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu...

Bên cạnh đó, một số nước đánh giá hợp tác Vành đai và Con đường có thể đóng góp tích cực cho các nỗ lực chung của khu vực thông qua các dự án kết nối, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, sản xuất và cung ứng vaccine, hỗ trợ phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, ứng phó đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế và phát triển bền vững là vấn đề cấp bách đối với tất cả các quốc gia.

Việt Nam đánh giá cao và đề nghị cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ các nước, nhất là các nước đang phát triển, sớm đẩy lùi đại dịch Covid-19, chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, mở rộng thương mại và đầu tư nhằm góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế theo hướng phát triển bền vững và bao trùm.

Nhấn mạnh hợp tác khu vực có vai trò rất quan trọng để châu Á - Thái Bình Dương phục hồi và thích ứng với biến chuyển nhanh của kinh tế thế giới, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu 3 vấn đề quan trọng mà các nước cần quan tâm.

Thứ nhất là tăng cường hợp tác đa phương để phối hợp hiệu quả các nỗ lực phòng chống dịch bệnh, thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, bảo đảm tất cả các quốc gia đều có thể tiếp cận các nguồn cung vaccine nhanh chóng, kịp thời với chi phí hợp lý.

Vấn đề thứ 2 là phát huy tốt hơn nữa các khuôn khổ, sáng kiến hợp tác khu vực như APEC, ASEAN, Vành đai và Con đường nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư, tạo thuận lợi tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp, kết nối hệ thống giao thông và logistics trong khu vực, phát triển kinh tế số.

Thứ 3, tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện đầy đủ và đúng hạn các mục tiêu SDG 2030, chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ về kinh tế xanh.

Khẳng định nhất quán mục tiêu “kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương vì hoà bình, thịnh vượng và phát triển bền vững của cả khu vực.

Hội nghị đã thông qua “Sáng kiến đối tác Vành đai và Con đường về hợp tác vaccine Covid-19” và “Sáng kiến đối tác Vành đai và Con đường về phát triển xanh”./.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.