Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2023, trừ Khoản 1 Điều 64 của Luật có hiệu lực thi hành từ ngày quy định khác về cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành có hiệu lực.
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) trước khi Quốc hội bấm nút biểu quyết, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến cho rằng việc nội luật hóa các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế là cần thiết, tuy nhiên cũng cần cân nhắc bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam và tính khả thi của Luật.
Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, một số khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) dù đang được đánh giá mới đáp ứng được một phần nhưng khi rà soát, Chính phủ báo cáo đây không phải khuyến nghị cốt lõi và việc đáp ứng khuyến nghị khó bảo đảm được tính khả thi, chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Do đó, Chính phủ đề nghị chưa bổ sung vào dự thảo Luật vào thời điểm hiện tại như đối với khuyến nghị số 15 - công nghệ mới (liên quan đến tài sản ảo); khuyến nghị số 12 về cá nhân có ảnh hưởng chính trị…
Như vậy, việc nội luật hóa các khuyến nghị của FATF tại dự thảo Luật đã được xem xét, đánh giá kỹ để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc điều chỉnh tại dự thảo Luật về vấn đề rửa tiền qua tiền ảo, tài sản ảo, tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số nhằm hạn chế rủi ro về rửa tiền. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, năm 2017, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp là đầu mối, phối hợp các Bộ ngành nghiên cứu, rà soát đánh giá tổng thể thực trạng pháp luật về tài sản ảo, đề xuất hoàn thiện thể chế đối với vấn đề này. Hiện nay, các Bộ ngành mới đang triển khai nghiên cứu, đề xuất trên cơ sở phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và vì vậy, chưa có đủ cơ sở để quy định ngay các biện pháp phòng, chống rửa tiền đối với hoạt động này tại dự thảo Luật.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, để có căn cứ bổ sung quy định liên quan đến tiền ảo, tài sản ảo cũng như hoạt động khác có thể phát sinh trong tương lai, dự thảo Luật quy định theo hướng giao Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền chưa được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 của đối tượng báo cáo sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý đối với tiền ảo, tài sản ảo nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu các rủi ro rửa tiền nói riêng và rủi ro tài chính nói chung./.