Những con số nghìn tỷ
Theo Đề án xây dựng thành phố thông minh được Đà Nẵng công bố ngày 10/4/2019, Đà Nẵng sẽ chia làm 3 giai đoạn phát triển thành phố thông minh với chi phí đầu tư khoảng 2.100 tỉ đồng.
Cụ thể, từ tháng 1/2018, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Kiến trúc tổng thể Thành phố thông minh. Tháng 11/2018, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 6439 về Đề án xây dựng Thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025.
3 giai đoạn xây dựng thành phố thông minh Đà Nẵng bao gồm:
Giai đoạn 1, từ nay đến năm 2020 thực hiện sẵn sàng hạ tầng, nền tảng và dữ liệu thông minh. Tổng kinh phí thực hiện 939 tỷ đồng, trong đó, thu hút đầu tư từ hình thức hợp tác công-tư (PPP) chiếm 550 tỷ đồng, doanh nghiệp đầu tư 46 tỷ đồng.
Giai đoạn 2021-2025 thực hiện thông minh hóa các ứng dụng với tổng kinh phí 1.191 tỷ đồng. Trong đó, vốn PPP chiếm 700 tỷ đồng, vốn vay ODA chiếm 150 tỷ đồng, doanh nghiệp đầu tư 36 tỷ đồng.
Giai đoạn 2026-2030 thực hiện thông minh hóa các ứng dụng CNTT trên cơ sở tổng kết hoạt động giai đoạn 2021-2025.
Đà Nẵng ký kết với các đối tác triển khai xây dựng thành phố thông minh |
Bên cạnh 3 giai đoạn chính của dự án, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho biết thêm giai đoạn 2026-2030 thành phố sẽ đầu tư tiếp tục các dự án nhằm phổ biến các ứng dụng thông minh đến cộng đồng, doanh nghiệp, chính thức trở thành thành phố thông minh.
Khung kiến trúc tổng thể thành phố thông minh đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt, xác định 6 trụ cột trên cơ sở mô hình khung kiến trúc ứng dụng CNTT&TT ở 17 lĩnh vực cần triển khai bao gồm: quản trị thông minh; kinh tế thông minh, giao thông thông minh; môi trường thông minh; đời sống thông minh và công dân thông minh.
Trước cả Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh là thành phố đầu tiên đưa ra nghị quyết và đề án "Phát triển đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2025" vào định hướng phát triển.
Để thực hiện, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai 4 trụ cột lớn, gồm:
Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở;
Xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh;
Phát triển một trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội
Xây dựng trung tâm an toàn thông tin để bảo vệ thành phố đang hoạt động gắn liền với khoa học công nghệ.
Theo thông tin từ lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, trung tâm điều hành giao thông thông minh hiện đã hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào hoạt động.
Việc xây dựng các trụ cột đầu tiên của đô thị thông minh là hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung và trung tâm điều hành đô thị thông minh hoàn thành cơ bản vào quý I năm nay. Còn các trụ cột khác sẽ được hoàn thành trong năm 2020.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong (áo sơ mi trắng) đang xem một mô hình về dự án Thành phố thông minh |
Chưa thấy con số cụ thể được nêu ra nhưng được biết số tiền mà Tp. Hồ Chí Minh đầu tư cho xây dựng thành phố thông minh là rất lớn.
Tại Đồng Nai, sẽ có 5 đơn vị được ưu tiên triển khai nhanh các tiện ích, hệ sinh thái đô thị thông minh là Sở Y tế, Sở GD-ĐT, Sở Giao thông - vận tải, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai và TP.Biên Hòa. Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương khác trong tỉnh cũng từng bước đầu tư hạ tầng công nghệ đồng bộ để kết nối vào trung tâm điều hành của tỉnh.
Chỉ riêng trong lĩnh vực giáo dục, trong gần 4 năm qua, Đồng Nai đã chi gần 500 tỷ đồng để triển khai 25 trường học thông minh trong tỉnh….
Thế nào là thành phố thông minh?
Theo thông tin được Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cung cấp tại Hội thảo Khoa học cấp quốc gia về “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam” vừa được Bộ Tư pháp tổ chức hồi tháng 6/2019, trên cả nước hiện đã có 30 địa phương ký biên bản hợp tác với các đối tác là các tập đoàn công nghệ viễn thông để triển khai xây dựng Đề án đô thị thông minh. Trong đó, nhiều địa phương đã phê duyệt và tổ chức thực hiện như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Cần Thơ, huyện Phú Quốc…
Mặc dù vậy, các địa phương cũng còn đang rất lúng túng trong triển khai thực hiện vì chưa rõ hành lang pháp lý cho các dự án đô thị thông minh sẽ như thế nào.
Bản thân khái niệm thế nào là đô thị thông minh cũng chưa có được cách hiểu giống nhau.
Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng nhận định: “Hiện tại, có một số địa phương đã xây dựng kế hoạch phát triển đô thị thông minh nhưng chủ yếu là mang tính chất tự phát theo xu hướng chung của thời đại”. |
Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng khẳng định: “Hiện nay, chưa có định nghĩa cụ thể về “đô thị thông minh” được chấp nhận rộng rãi trên thế giới cũng như không có một hình mẫu chung hay một cách làm thống nhất trong phát triển đô thị thông minh”.
Cục này cũng cho biết, mặc dù đã hơn 10 năm, mô hình phát triển đô thị thông minh đã có những kết quả thực tế, tuy nhiên, cơ bản vẫn được đánh giá còn đang ở giai đoạn đầu với các chương trình, dự án có tính chất thí điểm.
Năm 2016, Liên minh viễn thông thế giới (ITU) đã tổng kết khoảng 116 định nghĩa về đô thị thông minh từ nhiều nguồn khác nhau và đưa ra một định nghĩa chung. Đó là: “Đô thị thông minh phát triển bền vững là đô thị đổi mới sáng tạo, sử dụng ICT và các phương tiện khác để cải thiện chất lượng cuộc sống, hiệu quả quản lý vận hành, cung cấp dịch vụ và mức độ cạnh tranh của đô thị, trong khi vẫn đảm bảo đáp ứng những nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về mọi khía cạnh kinh tế, môi trường, văn hoá và xã hội”.
Áp vào định nghĩa này, Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cũng đưa ra nhận định: “Hiện tại, có một số địa phương đã xây dựng kế hoạch phát triển đô thị thông minh nhưng chủ yếu là mang tính chất tự phát theo xu hướng chung của thời đại”.
Vấn đề đặt ra là, các nước trên thế giới có rầm rộ triển khai thành phố thông minh như ở Việt Nam hay không? Tại sao các địa phương ở Việt Nam lại có thể “mạnh tay” đổ hàng nghìn tỷ đồng vào cuộc chơi tự phát này?
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.