Trước năm 2022: hoàn thành việc sắp sếp cán bộ, công chức dôi dư
Trình bày Báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, liên quan đến hồ sơ đề án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã và thành lập các ĐVHC đô thị của 11 tỉnh gồm: Hòa Bình, Hà Giang, Phú Thọ, Hà Nam, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Long An và Đắk Nông đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định.
“Cụ thể, trên cơ sở phương án tổng thể sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã của các địa phương trong giai đoạn 2019 - 2021, UBND các tỉnh đã chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện đề án chi tiết sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã; đã tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn liên quan; HĐND các cấp của các tỉnh đã họp và đều tán thành việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã của địa phương trong giai đoạn 2019 – 2021”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.
Đáng chú ý, liên quan đến việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức và giải quyết dôi dư sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Mặc dù Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chậm nhất 05 năm sau sắp xếp thì số lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và biên chế cán bộ, công chức tại các ĐVHC mới phải bảo đảm theo quy định. Tuy nhiên theo đề án của các tỉnh đều phấn đấu sẽ hoàn thành trước năm 2022 công việc này.
Đơn vị hành chính mới cần đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cơ bản tán thành với các phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã và phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, những người hoạt động không chuyên trách của các tỉnh như đã nêu trong các Đề án của Chính phủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng |
Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương các tỉnh nỗ lực, quyết tâm triển khai thực hiện đề án sắp xếp ĐVHC, hỗ trợ ngân sách, huy động các nguồn lực đầu tư để các ĐVHC mới được sắp xếp phát triển mọi mặt về kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn. Đồng thời, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức trên địa bàn có thời gian cho công tác chuẩn bị, rà soát, hướng dẫn việc thay đổi tên gọi, con dấu, giấy tờ có liên quan.
Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục tổng hợp, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của địa phương để có biện pháp kịp thời tháo gỡ, khắc phục. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý việc chỉ đạo, hướng dẫn việc sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, bảo đảm quyền lợi cho những cán bộ, công chức dôi dư và những người hoạt động không chuyên trách ở những ĐVHC liên quan đến việc sắp xếp.
Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, chỉ đạo để các địa phương sắp xếp, điều chỉnh hợp lý để hình thành các ĐVHC ở đô thị (nhất là các thị trấn) vừa bảo đảm tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số nhưng cũng phải bảo đảm các nguồn lực cần thiết để phát triển đô thị trong tương lai.
Thống kê việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của 11 tỉnh
Đối với tỉnh Hòa Bình, theo đề nghị của tỉnh sẽ nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và số ĐVHC cấp xã trực thuộc của huyện Kỳ Sơn với thành phố Hòa Bình. Theo đó, số lượng ĐVHC cấp huyện của tỉnh Hòa Bình từ 11 đơn vị giảm xuống còn 10 đơn vị. Còn số lượng ĐVHC cấp xã của tỉnh Hòa Bình từ 210 đơn vị giảm xuống còn 151 đơn vị (giảm 59 ĐVHC cấp xã).
Với tỉnh Hà Giang, số lượng ĐVHC cấp xã của tỉnh Hà Giang sẽ từ 195 đơn vị giảm xuống còn 193 đơn vị (giảm là 02 ĐVHC cấp xã).
Tỉnh Phú Thọ, số lượng ĐVHC cấp xã của tỉnh Phú Thọ từ 277 đơn vị giảm xuống còn 225 đơn vị (giảm 52 ĐVHC cấp xã).
Tỉnh Hà Nam, số lượng ĐVHC cấp xã của tỉnh Hà Nam từ 116 đơn vị giảm xuống còn 109 đơn vị (giảm 07 ĐVHC cấp xã).
Tỉnh Quảng Ninh, số lượng ĐVHC cấp huyện của tỉnh Quảng Ninh từ 14 đơn vị giảm xuống còn 13 đơn vị (giảm 01 ĐVHC cấp huyện). Số lượng ĐVHC cấp xã của tỉnh Quảng Ninh từ 186 đơn vị giảm xuống còn 177 đơn vị (giảm 09 ĐVHC cấp xã).
Tỉnh Nghệ An, số lượng ĐVHC cấp xã của tỉnh Nghệ An từ 480 đơn vị giảm xuống còn 460 đơn vị (giảm 20 ĐVHC cấp xã).
Tỉnh Quảng Trị, số lượng ĐVHC cấp xã của tỉnh Quảng Trị từ 141 đơn vị giảm xuống còn 125 đơn vị (giảm 16 ĐVHC cấp xã).
Tỉnh Thừa Thiên Huế, số lượng ĐVHC cấp xã của tỉnh Thừa Thiên Huế từ 152 đơn vị giảm xuống còn 145 đơn vị (giảm 07 ĐVHC cấp xã).
Tỉnh Lâm Đồng, số lượng ĐVHC cấp xã của tỉnh Lâm Đồng từ 147 đơn vị giảm xuống còn 142 đơn vị (giảm 05 ĐVHC cấp xã).
Tỉnh Đồng Tháp, số lượng ĐVHC cấp xã của tỉnh Đồng Tháp từ 144 đơn vị giảm xuống còn 143 đơn vị (giảm 01 ĐVHC cấp xã).
Tỉnh Long An, số lượng ĐVHC cấp xã của tỉnh Long An từ 192 đơn vị giảm xuống còn 188 đơn vị (giảm 04 ĐVHC cấp xã).
Tỉnh Đắk Nông, không có ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp. Tuy nhiên, sẽ thành lập phường Quảng Thành thuộc thị xã Gia Nghĩa và thành lập thành phố Gia Nghĩa. Theo đó, Đắk Nông có 8 ĐVHC cấp huyện, gồm 7 huyện và 1 thành phố (thành phố Gia Nghĩa); 71 ĐVHC cấp xã, gồm 06 phường, 05 thị trấn và 60 xã.