Cụ thể, Bộ Tư pháp đã quán triệt, triển khai Kế hoạch số 27/KH-HĐTĐKT ngày 29/8/2017 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương về tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” gắn các nội dung thực hiện phong trào thi đua với nhiệm vụ của ngành, đề xuất các giải pháp tiến hành.
Bộ đã rà soát, xây dựng và từng bước thực thi phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Nhờ vậy, quy trình cấp phép trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp đang dần được chuẩn hóa, đơn giản hóa thủ tục.
Bộ Tư pháp đã tích cực hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP. Cùng với Bộ Tư pháp, 12 bộ, cơ quan ngang bộ và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành và tổ chức thực hiện tốt các kế hoạch năm/chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm qua được triển khai đồng bộ, hiệu quả trên toàn quốc. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức pháp lý, thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, doanh nghiệp được hỗ trợ tư vấn, cung cấp ý kiến pháp lý, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp phòng, chống rủi ro pháp lý, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo vị thế không chỉ trên thị trường nội địa mà còn từng bước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
Chỉ nói riêng Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 – 2020 (Chương trình 585) đã xây dựng và phát sóng hàng tuần 44 số chuyên đề “Chương trình kinh doanh và pháp luật” trên VTV, 218 số chuyên đề trên VOV; xây dựng và phát hành 04 số chuyên đề bản tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, phát hành miễn phí 8.000 bản; tổ chức 51 hội nghị đối thoại; 19 lớp bồi dưỡng pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp…, thu hút gần 10.000 lượt người, doanh nghiệp tham dự.
Đồng thời, tiếp tục duy trì mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chương trình đã lập trang Facebook và ứng dụng kỹ thuật livestream trong kiểm tra, giám sát các hoạt động tọa đàm, bồi dưỡng của Chương trình.
Đối với Báo Pháp luật Việt Nam, tiếp tục tổ chức Cuộc thi viết Vinh danh doanh nghiệp, doanh nhân “Thượng tôn pháp luật, phát triển bền vững” nhằm tuyên truyền, vận động và cổ vũ doanh nhân, doanh nghiệp áp dụng pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như tìm kiếm và biểu dương những doanh nhân, doanh nghiệp điển hình, kinh doanh thành đạt, phát triển bền vững trên cơ sở tôn trọng pháp luật vì sự thịnh vượng chung của đất nước.
Trong khuôn khổ của Cuộc thi viết, Báo Pháp luật Việt Nam đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm với chủ đề “Pháp luật và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp” và “Giữ mãi tinh thần khởi nghiệp”, với mong muốn các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia cùng Báo Pháp luật Việt Nam thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần nâng cao dân trí pháp lý cho người dân nói chung và giới doanh nghiệp nói riêng.
Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Vai trò của các cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể và hiệp hội nghề nghiệp trong hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp - Thực trạng và giải pháp”.
Với nhiều ý kiến chất lượng trong buổi tọa đàm, đã giúp nhận diện được những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp khởi nghiệp đang phải đối mặt, đòi hỏi sự chung tay, giúp sức từ phía các cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể và hội nghề nghiệp.
Phát huy truyền thống, Bộ Tư pháp kêu gọi cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan Bộ năm 2019 tích cực thi đua với chủ đề chung “Bộ Tư pháp thi đua siết chặt kỷ cương, tăng cường đoàn kết, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao năm 2019”.
Phong trào thi đua thường xuyên được Bộ xác định sẽ gắn kết với các phong trào thi đua, trong đó có phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” để hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp và Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ V.