Tham dự Hội nghị có Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp Nguyễn Kim Tinh cùng lãnh đạo nhiều đơn vị thuộc Bộ, tổ chức pháp chế một số bộ, ngành và toàn thể cán bộ, công chức của đơn vị.
Trong năm 2018, công tác bổ trợ tư pháp đã có nhiều chuyển biến tích cựcvà đạt nhiều kết quả nổi bật, cơ bản bảo đảm thời hạn và chất lượng, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm như xây dựng và hoàn thiện thể chế tiếp tục bảo đảm chất lượng, tiến độ; việc triển khai các văn bản, đề án tiếp tục được tăng cường, hướng về cơ sở; công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh hơn nữa, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm, vướng mắc, khó khăn của cá nhân, tổ chức.
Cụ thể, đã tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành 6 văn bản, gồm 2 Nghị định, 2 Thông tư, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 1 Quy chế phối hợp liên ngành. Đáng chú ý, Cục đã tham mưu cho Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu công chứng viên toàn quốc lần thứ nhất thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam; ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng và Tổ giúp việc Hội đồng đánh giá, phân loại tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại có yếu tố nước ngoài…
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác bổ trợ tư pháp cũng còn một số khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn, có quan điểm, nhận thức coi các nghề tư pháp như các nghề kinh doanh thông thường khác nên có xu hướng mở cửa thị trường đối với các nghề như luật sư, công chứng, đấu giá tài sản… thay vì chú trọng đến chất lượng tính chuyên nghiệp của các nghề này, trong khi đây là các hoạt động liên quan đến bảo vệ công lý, công bằng xã hội và an toàn giao dịch, chống thất thoát tài sản công. Lĩnh vực bổ trợ tư pháp có đặc thù là có sự phối hợp với nhiều bộ, ban, ngành, cơ quan, tổ chức nhưng công tác phối hợp với một số cơ quan trong năm 2018 còn gặp khó khăn dẫn đến một số nhiệm vụ còn chậm tiến độ…
Trong năm 219, Cục Bổ trợ tư pháp sẽ tập trung nguồn lực xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp đảm bảo chất lượng và tiến độ; tham mưu chỉ đạo các địa phương xây dựng Phòng công chứng, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thành các đơn vị sự nghiệp tự chủ làm đầu tàu về chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và đề xuất các giải pháp phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhạy cảm, phức tạp…
Các đại biểu tham dự Hội nghị đều nhất trí đánh giá cao những nỗ lực, kết quả đạt được của Cục trong năm 2018 và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị. Phó Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, công tác của Văn phòng Bộ luôn nhận được sự phối hợp kịp thời, có chất lượng của Cục. Thời gian tới, ngành Tư pháp sẽ triển khai cơ chế 1 cửa, 1 cửa liên thì phải có bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của đơn vị, bố trí cán bộ. Vì vậy, ông Hoàn chia sẻ sẽ có vướng mắc nhất định nhưng một số đơn vị thuộc Bộ, trong đó có Cục Bổ trợ tư pháp cần triển khai thực hiện.
Điểm lại nhiều kết quả ấn tượng năm 2018 của Cục, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Phan Thị Hồng Hà cũng trực tiếp trả lời một số đề xuất của Cục về công tác tổ chức cán bộ. Đồng thời đề nghị Cục tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế, quy trình nội bộ để đổi mới lề lối làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Vụ trong kiện toàn tổ chức cán bộ, thực hiện tốt về phân cấp trong công tác cán bộ; chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm sát thực với vị trí việc làm của đơn vị, đặc biệt mỗi cán bộ phải tự học để đáp ứng yêu cầu công việc…
Biểu dương, chúc mừng và ghi nhận các thành tích trong năm qua của Cục Bổ trợ tư pháp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng lưu tâm đến phương hướng công tác năm 2019. Căn cứ vào chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2018, Chương trình công tác của Bộ thì Cục cần xác định nhiệm vụ, mục tiêu trọng tâm của Cục để bứt phá, thay đổi.
Theo đó, Thứ trưởng đề nghị về mặt thể chế, cần tiếp tục tập trung vào thế mạnh của Cục và tới đây làm tốt nhiệm vụ chủ trì sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp, sửa đổi các Nghị định về thừa phát lại. Một số lĩnh vực bổ trợ cần có nghiên cứu thêm, xem xét đâu là trụ cột cốt lõi mới giữ lại, còn không thì phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương hay Sở Tư pháp mới đảm bảo quản lý nhà nước thực chất.
Đồng thời, tiếp tục theo dõi triển khai tốt một số đạo luật, đặc biệt là Luật Đấu giá tài sản; tăng cường kiểm tra, thanh tra, phát hiện vi phạm xử lý thật nghiêm. Nhắc lại phát biểu của Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực luật sư, Thứ trưởng yêu cầu Cục phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam để có giải pháp căn cơ trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực luật sư. Một nội dung có thể bứt phá được Thứ trưởng gợi ý là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để làm sao việc cấp chứng chỉ hành nghề trong các lĩnh vực bổ trợ đạt mức độ 2, 3, 4; xây dựng cơ sở dữ liệu…