Theo quy định tại Điều 1, Điều 2 Luật THADS và Điều 67 Luật TTTM năm 2010 thì phán quyết trọng tài (PQTT) được thi hành theo quy định của pháp luật về THADS và thẩm quyền thi hành phán quyết, quyết định của TTTM thuộc về cơ quan THADS.
Theo Báo cáo số 74/BC-BTP ngày 08/4/2016 của Bộ Tư pháp, số PQTT được thi hành mới đạt 60% trong tổng số đơn yêu cầu cơ quan THADS thi hành PQTT. Số vụ việc được thi hành chưa cao do nhiều nguyên nhân, về mặt thể chế, có thể kể đến một số bất cập như sau:
Một là: Thủ tục tiếp nhận và thụ lý PQTT:
Theo Điều 66 Luật TTTM, hết thời hạn thi hành PQTT mà bên phải thi hành không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ PQTT, bên được thi hành PQTT có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan THADS có thẩm quyền thi hành. Tuy nhiên ngày PQTT có hiệu lực không phải là ngày PQTT được đưa ra thi hành tại cơ quan THADS. Theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 61 Luật TTTM năm 2010, trong PQTT có nội dung“Thời hạn thi hành phán quyết”. Do đó để xác định điều kiện tiếp nhận đơn yêu cầu THA, cơ quan THADS phải xác định hai vấn đề: Một là đã hết thời hạn thi hành PQTT; Hai là bên phải thi hành PQTT có yêu cầu Tòa án hủy PQTT hay không, từ đó mới có căn cứ để tiếp nhận và thụ lý vụ việc.
Trên thực tế, việc xác nhận tình trạng pháp lý của PQTT gặp nhiều khó khăn, nhiều trường hợp đương sự yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xác nhận phán quyết nhưng chậm có kết quả hoặc không có kết quả, dẫn tới yêu cầu thi hành PQTT gặp trở ngại. Việc xác định tình trạng pháp lý của PQTT là trách nhiệm của cơ quan THADS hay của đương sự cũng chưa được quy định rõ ràng.
Liên quan đến vấn đề này, tại Kiến nghị số 1680/PTM - VP ngày 14/07/2017 của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nêu rõ: một trong những bất cập khi nộp đơn yêu cầu thi hành PQTT là việc Cơ quan THADS yêu cầu đương sự phải cung cấp giấy xác nhận của Tòa án về việc thụ lý giải quyết đơn yêu cầu hủy PQTT. Trong khi Tòa án lại không có bất kỳ quy trình hay thủ tục nào để cấp giấy xác nhận này. Việc phụ thuộc vào Tòa án cấp giấy xác nhận đã hạn chế quyền và lợi ích chính đáng của bên được thi hành PQTT. Mặt khác, đây là một thủ tục hành chính độc lập, phải thực hiện trước khi nộp hồ sơ đến cơ quan THADS, dẫn đến quy trình yêu cầu thi hành PQTT bị tăng gấp đôi về thủ tục.
Hai là: Thời hiệu yêu cầu thi hành PQTT
Theo Điều 30 Luật THADS thời hiệu yêu cầu THA là 5 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Theo khoản 5 Điều 61 Luật TTTM thì PQTT là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Tuy nhiên, Điều 66 Luật TTTM năm 2010 lại quy định: Đối với phán quyết của Trọng tài vụ việc, bên được thi hành có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan THADS có thẩm quyền thi hành PQTT sau khi PQTT được đăng ký theo quy định tại Điều 62 của Luật TTTM, thời hạn đăng ký là 1 năm kể từ ngày ban hành phán quyết. Vậy thời hiệu yêu cầu thi hành án được tính bắt đầu từ thời điểm nào là chính xác: kể từ ngày có PQTT hay từ khi PQTT đó được đăng ký tại tòa án? Sự không thống nhất giữa các quy định pháp luật đã khiến cho thời hiệu thi hành PQTT vụ việc chỉ còn chưa được 4 năm kể từ ngày PQTT có hiệu lực chứ không phải là 5 năm.
Ba là: Thẩm quyền thi hành PQTT:
Theo Luật TTTM, cơ quan THADS cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Hội đồng trọng tài ra phán quyết có thẩm quyền thi hành PQTT. Theo Báo cáo số 74/BC-BTP ngày 08/4/2016 của Bộ Tư pháp, riêng trong năm 2015, các trung tâm trọng tài đã giải quyết được 1.255 vụ. Trong đó, VIAC đã thụ lý, giải quyết 226 vụ, trung bình gần 60 vụ/năm; Trung tâm Trọng tài thương mại TP. Hồ Chí Minh thụ lý, giải quyết 291 vụ, trung bình hơn 70 vụ/năm. Các trung tâm trọng tài khác chỉ giải quyết từ 5 đến 10 vụ/năm.
Có thể thấy nơi các Hội đồng trọng tài ra phán quyết chủ yếu là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Điều này dẫn tới khó khăn cho các doanh nghiệp không có trụ sở kinh doanh tại hai thành phố này khi nộp đơn yêu cầu THA. Mặt khác, khi tổ chức thi hành thì cơ quan THADS lại ủy thác cho cơ quan THADS nơi bên phải thi hành có trụ sở hoặc tài sản. Từ đó cần xem xét nên mở rộng phạm vi thẩm quyền thi hành PQTT, bao gồm cả cơ quan THADS tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi bên phải thi hành PQTT có tài sản hoặc có trụ sở chính để giảm tải cho các cơ quan THADS nơi tập trung nhiều vụ việc Trọng tài và cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bên được thi hành án.