Báo cáo tại cuộc họp, đồng chí Đỗ Thị Thúy Lan, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Lý lịch Tư pháp Quốc gia cho biết: Theo thống kê, hiện nay thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An là ba địa phương có số lượng yêu cầu cấp Phiếu LLTP lớn nhất cả nước. Từ năm 2021 đến năm 2023, thành phố Hà Nội cấp khoảng 240.300 Phiếu LLTP, thành phố Hồ Chí Minh cấp khoảng 308.000 Phiếu LLTP, tỉnh Nghệ An cấp khoảng 185.000 Phiếu LLTP, chiếm khoảng 28% tổng số Phiếu LLTP được cấp trên toàn quốc. Trong bối cảnh nguồn nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất của Sở Tư pháp còn hạn chế, việc tiếp nhận một số lượng lớn hồ sơ đã gây tình trạng quá tải cho bộ phận làm công tác LLTP tại các địa phương này.
Bà Đỗ Thị Thúy Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Lý lịch Tư pháp Quốc gia báo cáo tại cuộc họp. |
Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác cấp Phiếu LLTP thời gian qua, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc thí điểm giao một số Phòng Tư pháp cấp huyện thực hiện cấp Phiếu LLTP là một giải pháp cần thiết, phù hợp với tinh thần tăng cường phân cấp cho địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng tính chủ động của chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, trước tình hình các cơ quan chậm phối hợp cung cấp thông tin thì cần thiết có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Phòng Tư pháp trong trường hợp quá thời hạn tra cứu, xác minh nhưng không có đủ thông tin để cấp Phiếu LLTP, nhằm giảm tối đa tình trạng trễ hạn cấp Phiếu đối với các trường hợp này.
Theo Dự thảo Nghị quyết, Phòng Tư pháp có thẩm quyền thực hiện cấp Phiếu LLTP cho công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú (nếu không có nơi thường trú) tại địa bàn cấp huyện nơi thực hiện thí điểm, công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài, trước khi xuất cảnh có thời gian thường trú hoặc tạm trú (nếu không có nơi thường trú) tại địa bàn cấp huyện nơi thực hiện thí điểm. Phòng Tư pháp thực hiện thu phí cung cấp thông tin LLTP khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP theo quy định của pháp luật hiện hành về phí cung cấp thông tin LLTP.
Bà Đỗ Thị Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật trao đổi tại cuộc họp. |
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết quy định Phòng Tư pháp được phân quyền tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu LLTP tại Trung tâm LLTP quốc gia và tại Sở Tư pháp trên môi trường điện tử qua Phần mềm Quản lý LLTP dùng chung; thực hiện tra cứu, xác minh thông tin LLTP về án tích tại cơ quan Công an, Tòa án, cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng và cơ quan khác có liên để cấp Phiếu LLTP. Để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc hiện nay trong công tác cấp Phiếu LLTP, dự thảo Nghị quyết quy định trường hợp đã quá thời hạn tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu LLTP theo quy định nhưng không nhận được kết quả tra cứu, xác minh của các cơ quan có liên quan.
Đại diện Bộ Công an. |
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Bộ Công an cho biết Phiếu LLTP gồm có 18 trường thông tin do nhiều cơ quan cung cấp, trong đó có nhiều thông tin của cơ quan công an. Dự thảo Nghị quyết mới chỉ nêu rõ trách nhiệm của Bộ Công an, vì vậy, để phù hợp quy định của Luật LLTP và các văn bản liên quan, cần bổ sung thêm các quy định về nội dung, trách nhiệm của cơ quan Toà án, Viện kiểm sát và cơ quan liên quan trong việc tra cứu thông tin cấp Phiếu LLTP.
Còn Giám đốc Sở Tư pháp Nghệ An Hoàng Thu Trang cho biết dự thảo Nghị quyết đã giao Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chí lựa chọn Phòng Tư pháp thực hiện thí điểm, tuy nhiên chưa có quy định số lượng Phòng Tư pháp tối thiểu, do đó bà mong muốn làm rõ hơn điều này. Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết cũng cần làm rõ hơn về chức năng thu phí của Phòng Tư pháp để đảm bảo phù hợp pháp luật hiện hành, không phát sinh biên chế.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng Hạnh nêu lên một số băn khoăn. |
Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng Hạnh bày tỏ băn khoăn với quy định Phòng Tư pháp thực hiện tra cứu, xác minh thông tin LLTP về án tích bởi công tác phối hợp đôi khi còn nhiều khó khăn. Bởi vậy, bà mong muốn cơ quan Toà án, Công an, Viện kiểm sát có chỉ đạo ngành dọc để phối hợp với Phòng Tư pháp trong công tác này.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương |
Trao đổi tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương đặt ra vấn đề Sở Tư pháp sẽ phải từ chối giải quyết nhu cầu cấp Phiếu tại nơi thực hiện thí điểm. Do đó, đề nghị cân nhắc nhiệm vụ của Sở Tư pháp 3 địa phương theo hướng vẫn cấp Phiếu LLTP theo quy định pháp luật, tạo điều kiện cho công dân lựa chọn cấp Phiếu tại Sở hoặc Phòng Tư pháp.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng kết luận thẩm định. |
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng yêu cầu dự thảo Nghị quyết cần cụ thể hoá tối đa các nội dung để có thể triển khai luôn như: trách nhiệm của UBND 3 địa phương thực hiện thí điểm; nguồn lực, điều kiện thực hiện; trách nhiệm của các cơ quan liên quan... Từ những nội dung cụ thể đó sẽ làm rõ được chức năng, nhiệm vụ của Phòng Tư pháp trong quá trình thực hiện thí điểm.
Thứ trưởng lưu ý cần bổ sung rõ về thời hạn cấp Phiếu LLTP; thời hạn trả lời, cung cấp thông tin phối hợp; quy định về thu phí cấp Phiếu LLTP; về việc tra cứu, xác minh trong trường hợp không có thông tin...