Người chuyên tạo tác phẩm hoa đón chính khách kể chuyện

“Dơn” là tên khác mà người dân Ngọc Hà, Hà Nội, gọi Lay Ơn - một loài hoa đẹp. Người nghệ nhân ấy tự hào khoe: “Tôi mang tên loài hoa đấy!”...

Trong những cuộc gặp gỡ quan trọng, những buổi lễ với nghi thức ngoại giao của Chính phủ, Nhà nước Việt Nam; hay những nghi thức, phiên họp thường kỳ của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam, luôn có sự hiện diện và đồng hành của những lẵng hoa đẹp, đa sắc màu và hết sức trang trọng.

Và với bạn bè năm châu, hoa như một lời chào thân thiện đầu tiên của đất nước, con người Việt Nam. Tác giả của những tác phẩm nghệ thuật ấy được tạo nên từ đôi bàn tay của ông Lê Bá Dơn, một người đàn ông hết sức bình dị, một nghệ nhân ở làng hoa Ngọc Hà, Hà Nội.

75 tuổi vẫn gắn bó với hoa

“Dơn” là tên khác mà người dân Ngọc Hà, Hà Nội, gọi Lay Ơn - một loài hoa đẹp. Người nghệ nhân ấy tự hào khoe: “Tôi mang tên loài hoa đấy!”...

Lão nghệ nhân Lê Bá Dơn nay đã ở tuổi 75 nhưng vẫn gắn bó với hoa
Lão nghệ nhân Lê Bá Dơn ở tuổi 75 nhưng vẫn gắn bó với hoa

Với ông Lê Bá Dơn, những năm tháng tuổi thơ vẫn hiển hiện sau một đời người đằng đẵng qua. 3 tuổi, cậu bé tên Dơn cùng gia đình phải gánh chịu nỗi mất mát lớn lao khi người cha bỏ lại vợ và ba đứa con thơ ra đi mãi mãi.

“Ngày đó nghèo lắm... Mẹ và chị gái nai lưng tần tảo với nghề trồng và bán hoa truyền thống ở làng Ngọc Hà để nuôi tôi và người em trai” - ông kể - “Rồi cả gia đình đi tản cư lên miền đất trung du Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc, Phú Thọ - PV). Đó là những tháng ngày mà sự sống và cái chết là một ranh giới hết sức mong manh.

Hoa - biểu tượng của cái đẹp lúc bấy giờ trở nên hết sức xa xỉ. Tưởng như trong chiến tranh, nghề hoa truyền thống đã phải bỏ... Rồi tôi tham gia vào đội liên lạc thiếu nhi cách mạng. Năm 1949, gia đình tôi trở về Hà Nội và tiếp tục với nghề truyền thống.

Năm đó tôi 13 tuổi, ngày đi học, tối về đan giỏ và lẵng hoa phụ giúp cho mẹ và chị gái đi bán ở khu vực Hàng Khay, quanh hồ Hoàn Kiếm. Cứ thế, để rồi hình ảnh người mẹ và chị âm thầm mỗi sớm tay nón - tay đòn - tay gánh những giỏ hoa ra chợ ngấm dần vào tôi. Vất vả, nhưng những gì thu lượm được là hành trang cho đoạn đời sau này của tôi lẫn những kết quả tôi có được”.

Hòa bình lập lại, cuộc đời ông Lê Bá Dơn có nhiều thay đổi nhưng cũng không chia tách với những bông hoa. Rồi suốt từ năm 1957 đến 1966, có lúc đơn thuần ông chỉ làm công việc của một người thợ, lúc lại hoạt động trong Đoàn Văn công quân đội, rồi lại chuyển sang làm quản lý ở Công ty Công viên cây xanh Hà Nội...

Ở vị trí nào, người ta cũng thấy hình ảnh một người đàn ông hết mực bình dị, gắn chặt mình với nghề trồng hoa và tạo dáng cho hoa. Thời gian thấm thoắt trôi, ở độ chín của nghề, năm 32 tuổi, ông Lê Bá Dơn chính thức bắt tay vào nghiên cứu hoa. Ban đầu ông chỉ làm thử bằng hoa nhựa, sau thấy thành công nên ông chuyển dần sang làm hoa tươi với độ khó được nhân lên gấp bội.

Để từ đấy đến nay, hoa và ông gắn bó với nhau như đôi bạn tri kỷ. Nhờ đôi bàn tay nhạy cảm của ông, hoa được thêm đẹp, có hồn và ngược lại, ông dựa vào hoa để có được tình yêu với con người, thiên nhiên và hơn hết là cái “nghiệp” mang đến cho ông hai chữ “duyên, phận”. Và cũng nhờ có hoa, nhờ cái nghề nghiệp của mình mà trong cuộc đời mình, ông vinh dự hai lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh đáng kính.

Mỗi khi được tâm sự với ai về kỷ niệm này, đôi mắt ông Dơn lại bừng sáng, giọng nói sang sảng kể lại thật chi tiết: “Năm 1961, lần đầu tiên tôi được gặp Bác khi Bác tới thăm Công viên quân đội, lúc ấy tôi làm trong Đoàn Văn công quân đội. Lần thứ hai là khi tiếp Bác đến thăm và trồng cây đa Lý Tự Trọng. Được gặp Bác, tôi hạnh phúc lắm, chỉ muốn sau này được gần bên Bác mãi” - Một câu nói thật như chính con người ông, và cuộc đời vốn lạ vậy, đôi khi ước muốn tưởng chừng chẳng bao giờ thực hiện được lại trở nên đặc biệt khi nó thành...

“Tâm nguyện cao vời vợi ấy của tôi đã thành hiện thực khi tôi được nhận vào chăm sóc vườn cây ở trong Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; và cắm hoa cho Nhà nước, Chính phủ vào mỗi dịp đặc biệt diễn ra. Hay mỗi khi Chính phủ, Quốc hội ta chuẩn bị đón tiếp những nguyên thủ quốc gia nước bạn, tôi lại tới căm hoa. Năm 1988, tôi về nghỉ hưu, tính đến nay cũng đã hơn 20 năm có lẻ, vậy mà tôi chưa nghỉ ngày nào, vẫn làm, làm mãi... Ai hạnh phúc bằng tôi khi hàng ngày tôi được gần gũi, chăm sóc hoa cỏ bên Bác? Cuộc đời tôi còn gì hạnh phúc hơn thế nữa!” - Vẻ mãn nguyện căng tràn sức sống hiện hiển trên khuôn mặt người đàn ông ấy, đôi mắt sáng ngời vẫn kịp lóe lên vào những thời khắc đáng nhớ trong cuộc đời người nghệ nhân tài hoa Lê Bá Dơn.

*   *   *

Năm nay, 75 mùa xuân đã đi qua cuộc đời, và với ông, trải qua hơn 60 năm gắn bó duyên phận với nghề cắm hoa truyền thống vẫn mới như ngày hôm qua. “HOA và TÔI, bao giờ danh từ “hoa” cũng được tôi trân trọng đặt lên trước như có duyên phận với nhau từ kiếp trước. Nếu thiếu hoa chắc tôi không còn là tôi như ngày hôm nay...”.

Vừa chuyện trò, đôi tay ông thoăn thoắt tỉa hoa, chăm sóc những giỏ lan, cây xanh trong vườn nhà - đôi tay tài hoa mà những quan chức ngoại giao nước Đức có dịp tới Việt Nam đã tới tận nhà để chụp đôi bàn tay ông. Ông kể: “Cũng kỳ lạ ở chỗ đến tuổi này rồi mà tôi vẫn minh mẫn và tinh tường lắm. Cứ có điện thoại là tôi lại lên đường, vào những dịp cao điểm, đêm hôm 2, 3h sáng tôi đã ra khỏi nhà. Khoác lên mình bộ đồ nghề, đôi chân chắc khỏe, nhanh nhẹn đạp những vòng quay đều của chiếc xe Peugeot cũ kỹ đưa tôi đến những nơi cần đến.

Công việc đầu tiên trong chuỗi hành trình đó là “tuyển hoa”... Công việc quan trọng này đều phải do một tay tôi tự mình đi lựa hoa. Một mình thôi, kỹ càng chứ không nhanh nhanh cho xong việc được. Lựa từng bông, chọn từng cành, cân nhắc sao cho nó hài hòa với ý tưởng của mình ấy chứ...”. Trong suốt quãng đời làm nghề của mình, sự kiện đáng nhớ nhất đối với ông đó là trong Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh đáng kính. Nghệ nhân Lê Bá Dơn đã tự tay kết 2.000 vòng hoa kính viếng vong linh Người.

Sau đó, ông đã đề xuất với Chính phủ, Nhà nước quy cách thiết kế, mẫu mã, màu sắc, độ lớn nhỏ của vòng hoa viếng phục vụ tang lễ của các vị lãnh đạo sao cho thống nhất. Kiến nghị này của nghệ nhân Lê Bá Dơn đã được thông qua và từ đấy trở thành quy định chung trong tang lễ cấp Nhà nước...

Một sớm những ngày đầu mùa hạ, khi những tia nắng đã sáng rọi, chúng tôi - hai người đàn ông, một già một trẻ, hai con người hai thế hệ cùng chuyện trò với nhau tại khu vườn rợp bóng cây của một ngôi nhà bình dị nằm nép mình tại làng hoa Ngọc Hà. Căn nhà số 55 ấy luôn rộng cửa đón khách như chủ nhân của nó, tấm lòng ông hồn hậu như sự hiển nhiên nó vốn có.

Ông kể chuyện, ông trầm tư hồi tưởng về những kỷ niệm đã theo ông suốt những năm tháng đằng đẵng đã qua... Những năm tháng đã biết bao những vui buồn, nhưng còn lại đó là có rất, rất nhiều những tác phẩm là những lẵng hoa, bình hoa đầy tính nghệ thuật của nghệ nhân Lê Bá Dơn được nhắc đến, nhớ đến và sống mãi.

Từ những năm 1969, những tác phẩm ấy của ông đã lần lượt được ra đời để mừng Xuân, mừng Đảng, rồi chọn lựa để in lên lịch, trang điểm cho những ấn phẩm mùa xuân, rồi ông chịu trách nhiệm làm hoa trang trí liên tiếp trong nhiều kỳ Đại hội Đảng... Người đàn ông ngoài bẩy mươi tuổi với vóc dáng nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và đôi mắt biết cười đầy dũng khí Lê Bá Dơn cho rằng ông khỏe được thế này là do được hưởng sinh khí của đất trời, cái phúc của hoa nên...

“Phải làm nữa chứ! Còn khỏe, còn phải đi cắm nhiều lẵng hoa đẹp và ý nghĩa hơn nữa” - ông Lê Bá Dơn cứ một mực khẳng định như vậy khi chúng tôi chúc ông thêm khỏe và xin phép chào ông ra về. Chúng tôi tin là những tác phẩm của ông ngày một thêm đẹp theo thời gian bởi với ông: “Đến giờ tôi vẫn rèn luyện đến khắc khổ”.

Ngẫm ra, hai tiếng “khắc khổ” ông tự gắn cho mình hẳn có nhiều hàm nghĩa. Bởi, câu nói ấy được buông ra nhẹ nhõm trên khuôn mặt đầy vẻ viên mãn của ông. Với đôi mắt tò mò của chúng tôi, ông cười sảng khoái... “Giờ không tiếp nhà báo được nữa rồi, đến giờ tôi phải đi. Nếu tối rảnh nhớ xem chương trình thời sự nhé, Nhà nước ta đón đoàn cấp cao nước ngoài tới thăm, chú ý xem nhé...” - ông khéo khoe - “Có hoa tôi cắm đó!”.

Tôi và ông cùng bỏ lại phía sau làng hoa Ngọc Hà để ai nấy trở về với công việc của mình, tôi dừng xe, nhìn theo ông xa dần thong thả trên chiếc xe đạp Peugeot cũ màu xanh. Hai tiếng “tài hoa” và hai chữ “tự tại” toát lên bên trong người đàn ông “sống có lý tưởng” này khiến tôi muốn gặp ông nhiều hơn một lần như thế.

Quân.Trần

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

200 nghìn bông hoa bách hợp khoe sắc tại Khu vườn âm nhạc

Tuần lễ hoa bách hợp gìn giữ và tôn vinh giá trị nghệ thuật về một loài hoa đặc trưng của người Hà Nội (ảnh Duy Tiến)
(PLVN) -  “Tuần lễ hoa bách hợp 2024” với chủ đề “Khu vườn âm nhạc - tinh khôi bách hợp tháng 4” diễn ra từ 19 - 28/4 tại bán đảo Skyline (Hà Nội) mong muốn gìn giữ và tôn vinh giá trị nghệ thuật về một loài hoa đặc trưng của người Hà Nội cùng nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật đặc sắc...

Lương Thùy Linh trở thành Đại sứ Văn hóa đọc TP HCM

Lương Thùy Linh trở thành Đại sứ Văn hóa đọc TP HCM
(PLVN) - Sáng 19/4, Lễ Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 3 - năm 2024 do Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM tổ chức đã chính thức diễn ra. Hoa hậu Lương Thùy Linh xuất hiện tại sự kiện với vai trò Đại sứ Văn hóa đọc TP HCM nhiệm kỳ 2024-2025.

“Thần tượng Bolero” Tô Ngọc Hà chìm đắm sắc màu Hà Nội

“Thần tượng Bolero” Tô Ngọc Hà chìm đắm sắc màu Hà Nội (ảnh V.H)
(PLVN) -  Từng tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, là học trò của nữ ca sĩ Anh Thơ, Tô Ngọc Hà lại chọn theo dòng nhạc Bolero, trữ tình, lãng mạn…Với chất giọng trầm ấm, ngọt ngào nữ ca sĩ thể hiện tình yêu Hà Nội qua những sắc màu thời gian.

Trao giải thưởng cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Qua 2 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 1.000 tác phẩm tham gia 02 cuộc thi Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn. (Ảnh: Bảo Châu)
(PLVN) - Sáng ngày 17/4/2024, tại Hà Nội, Cục Văn hóa cơ sở tổ chức Trao giải thưởng cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024).

Các nghệ sĩ, tiktoker tránh phạm luật khi quảng cáo

Nhiều nghệ sỹ nổi tiếng đã quảng cáo cho FXT Token, một loại tiền hoạt động dưới hình thức đa cấp tại Việt Nam. (Ảnh: Zing.vn).
(PLVN) - Trước thực trạng các nghệ sĩ quảng cáo, người nổi tiếng, tiktoker giới thiệu thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật, không đúng công dụng, các ngành chức năng đã tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt các văn nghệ sĩ vi phạm.

Chuyện bí ẩn về bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh

Những câu chuyện xung quanh việc sáng tác chung của Đoàn Chuẩn và Từ Linh cho đến nay, vẫn còn là bí mật. (Ảnh: Vàng Son một thuở)
(PLVN) - Trong hầu hết các sáng tác của mình, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thường ký bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Về cái tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh có rất nhiều giai thoại. Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn không thể giải thích hay làm sáng tỏ được việc viết nhạc và lời của hai ông trong các sáng tác.

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ
(PLVN) - Đỗ Lễ được nhiều người biết đến nhờ những bản tình ca buồn như: “Sang ngang”, “Mắt buồn”, “Ngày tạm biệt”... Những lời ca day dứt, đau thương đã vận vào cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa, bạc mệnh này.

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Ảnh: Thùy Dương).
(PLVN) - Trong số tài liệu bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ), khối tài liệu về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 là một trong những khối tài liệu phản ánh một phần lát cắt của lịch sử dân tộc vẻ vang, hào hùng giữa thế kỷ XX.

Cảm nhận nhạc Đỗ Bảo ở “Khung trời khác”

Cảm nhận nhạc của Đỗ Bảo giản đơn, mộc mạc, nhưng rất sâu lắng và tinh tế (ảnh NVCC).
(PLVN) - Khung trời khác, là cảm nhận của một chàng ca sỹ Hà Nội về những bài hát do chính một nhạc sỹ Hà Nội sáng tác. Vẫn là những ca khúc quen thuộc của nhạc sỹ Đỗ Bảo, nhưng lại rất mới, rất khác so với những bản thu âm mà khán giả từng nghe trước đó.