Thế giới 2018 sẽ thế nào?

Tiến trình Brexit tiếp tục trong năm 2018
Tiến trình Brexit tiếp tục trong năm 2018
(PLO) -Những gì đã xảy ra trên thế giới trong năm 2017 báo hiệu thế giới trong năm 2018 không chỉ tiếp tục đầy biến động mà rất có thể biến động còn mạnh mẽ hơn. Thế giới chúng ta đang sống luôn không ngừng biến động nhưng những gì làm cho thế giới trong năm 2017 đã biến động như thế cùng với thế giới bước vào năm mới 2018.

Thế giới trong năm 2018 nhiều khả năng sẽ trở nên còn bất an và bất ổn hơn cả năm 2017 bởi xung khắc và bạo lực ở những điểm nóng về chính trị an ninh trên thế giới trong năm 2017 vẫn chưa nguôi, đặc biệt ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh cũng như ở khu vực Đông Bắc Á. Vấn đề khủng bố phức tạp và nan giải ở cấp độ mới sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) bị đánh tan ở Iraq và Syria. Không còn IS làm chỗ dựa tinh thần và tâm điểm để quần tụ nữa, khủng bố sẽ len lỏi và lan toả ra nhiều khu vực và quốc gia khác trên thế giới.

Chống khủng bố và ngăn ngừa khủng bố vì thế sẽ khó khăn và phức tạp hơn trước rất nhiều. Những chiến binh của IS và những phần tử, tổ chức Hồi giáo cực đoan sẽ dần tụ lại và tổ chức lại, sẽ có những phương thức tấn công khủng bố tinh vi hơn.

Khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh chưa thể yên mà chuyện chính trị an ninh ở những nơi này sẽ trầm trọng lên theo chiều hướng khác. Iraq và Syria nhiều khả năng sẽ đi vào giải pháp chính trị sau khi IS bị đập tan và Nga triệt thoái quân đội ra khỏi Syria. Nhưng tiến trình hoà bình và hoà giải giữa Israel và Palestine đã bế tắc sẽ càng thêm bế tắc và bạo lực cũng như đối địch ở nơi này còn gia tăng sau khi Mỹ quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Palestine và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem.

Khu vực này càng thêm bất an và bất ổn khi Ả rập Xê-út gia tăng mức độ ganh đua và thù địch với Iran cũng như chuyện khúc mắc giữa Ả rập Xê út cùng một vài đồng minh khác nữa với Qatar chưa thể được giải quyết. Cả cuộc chiến tranh mà Ả rập Xê út và đồng minh phát động ở Yemen cũng nhiều khả năng sẽ diễn biến theo chiều hướng quyết liệt và bạo lực hơn cũng như lây lan trực tiếp sang Ả rập Xê út.

Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump

Ở khu vực Đông Bắc Á, năm 2018 sẽ là năm bản lề đối với vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên với hệ lụy của nó là định hình trật tự chính trị an ninh mới ở khu vực. Những thành quả phát triển mới được Triều Tiên thể hiện trong năm qua ở chương trình hạt nhân và tên lửa cũng như đối sách đối phó của các bên liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp đã làm thay đổi tương quan lực lượng và cục diện quan hệ giữa Triều Tiên với các đối tác này. Năm 2018 sẽ cho thấy Mỹ, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản cùng với Liên Hợp quốc có thể ngăn cản được chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên hay không hay sẽ buộc phải chấp nhận thực tế mới để tiến hành đàm phán trực tiếp với Triều Tiên nhằm kiềm chế và kiểm soát chương trình này của Triều Tiên.

Năm 2018 sẽ cho thấy EU có đủ khả năng để tự giải quyết những vấn đề đang đặt ra và tự vượt qua được những thách thức đang phải trực diện hay không. Đối phó khủng bố và xử lý ổn thoả việc nước Anh ra khỏi EU (Brexit), khắc phục sự phân hoá trong nội bộ và kiềm chế sự trỗi dậy của những lực lượng cực hữu, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa, xử lý cuộc khủng hoảng về người tỵ nạn và tìm kiếm động lực mới cho hợp tác, liên kết và nhất thể hoá châu lục. Trong lịch sử đến nay, EU đã nhiều lần chứng tỏ khả năng tự giải quyết được ổn thoả những vấn đề khó khăn của chính mình. Nhưng hiện tại, thách thức đối với EU không chỉ nhiều mà còn đa dạng trong khi EU cứ bị mất dần cả thiên thời, địa lợi lẫn nhân hòa.

Năm 2018 sẽ là năm cho thấy những khác biệt lớn và rõ rệt ở Mỹ, Trung Quốc và Nga cũng như trong các cặp quan hệ song phương này. Sau năm cầm quyền đầu tiên ở Mỹ, Tổng thống nước này Donald Trump đã không chỉ quen mà còn tỏ ra ngày càng thích thú cầm quyền, vì thế sẽ mạnh bạo và khó lường hơn, càng sẵn sàng manh động hơn trong cầm quyền. Thực dụng trong suy tính lợi ích và kiên định phương châm “Nước Mỹ trước hết”, ông Trump sẽ còn có những quyết sách bất ngờ nữa đối với thế giới bên ngoài nước Mỹ và buộc các nước phải điều chỉnh quan hệ với Mỹ.

Ở nước Nga có cuộc bầu cử tổng thống và mọi dấu hiệu đều cho thấy đương kim Tổng thống Vladimir Putin sẽ tái đắc cử. Thách thức lớn đối với ông Putin và nước Nga trong năm 2018 sẽ là tìm kiếm giải pháp chính trị cho Syria và định hình lại mối quan hệ với Mỹ. Ukraine chỉ là chuyện phụ, quan hệ với EU và NATO không phải cấp thiết mà tận dụng vai trò, uy danh về chính trị thế giới có được từ thắng lợi quân sự ở Syria để xử lý lại mối quan hệ với Mỹ, từ đó gây áp lực đối với EU và Nato mới là chuyện cấp thiết hơn cả đối với nước Nga và ông Putin sau khi tái đắc cử. Trung Quốc sẽ chấm dứt sự tự kiềm chế trong năm 2017 về chính trị thế giới và chính trị an ninh khu vực để thể hiện thế và lực của mình trên thế giới trong năm 2018, đặc biệt trong quan hệ với Mỹ và ở khu vực Đông Nam Á.

Quân đội Iraq cầm lá cờ nhóm IS ở ngoại ô Mosul
Quân đội Iraq cầm lá cờ nhóm IS ở ngoại ô Mosul

Chuyện chính trị an ninh thế giới và mối quan hệ giữa các nước lớn với nhau phức tạp và nhạy cảm hơn trước và điều ấy khiến thế giới có lý do để lo ngại. Trong bối cảnh tình hình ấy, điều tích cực là triển vọng tiếp tục tăng trưởng cuả kinh tế và thương mại thế giới. Mỹ tiếp tục theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ nhưng không vì thế mà xu hướng tự do hoá thương mại trên thế giới bị đảo ngược. Nước Anh ra khỏi EU và một vài thành viên khác làm mình làm mẩy với EU nhưng không phải vì thế mà chuyện hợp tác và liên kết khu vực, châu lục và liên châu lục trên thế giới bị chững lại.

Mỹ có thể tiếp tục thu hẹp phạm vi và giảm nữa mức độ cam kết và can dự với thế giới bên ngoài nhưng không vì thế mà đại đa số các nước trên thế giới chùn bước trong công cuộc cùng nhau vượt qua những thách thức chung như đối phó biến đổi khí hậu trái đất, làm cho thế giới không còn vũ khí hạt nhân, thúc đẩy mậu dịch tự do, bảo vệ công lý và lẽ phải, nêu cao những nguyên tắc và giá trị của luật pháp quốc tế, chống chiến tranh và xung đột.

Trong dòng chảy chung của thời cuộc như thế, Việt Nam không thể tránh khỏi bị tác động. Tình hình chính trị an ninh thế giới, châu lục và khu vực bất an, bất ổn và phức tạp, khó lường hơn trước ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đối ngoại và an ninh của Việt Nam với chiều hướng bất lợi nhiều hơn là thuận lợi. Tương tự như vậy khi mối quan hệ giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga biến động và ba nước lớn này theo đuổi ý đồ chiến lược quyết liệt hơn. Bởi thế, năm 2018 sẽ thách thức ghê gớm bản lĩnh và khả năng ứng phó của Việt Nam, sẽ đặt Việt Nam trước những quyết sách mạnh mẽ mới về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc gia cũng như chủ động hội nhập quốc tế.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.