Thắt chặt khâu tuyển chọn cán bộ để không có 'con sâu làm rầu nồi canh'

Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.
(PLO) - Hàng loạt quyết định bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, từ địa phương tới các cơ quan ở TƯ cho thấy công tác cán bộ nói chung và công tác bổ nhiệm cán bộ nói riêng cần được giám sát chặt chẽ hơn nữa. Bởi những bất cập, tồn tại trong đội ngũ lãnh đạo là “lỗ hổng” làm giảm hiệu quả hoạt động quản lý của bộ máy, thậm chí dễ nảy sinh tham nhũng.

Dùng quy trình hợp pháp hóa thiếu tiêu chuẩn (?!)

Chính phủ cũng đã có quyết định ban hành Quy chế Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo (các chức vụ từ cấp phó trưởng phòng và tương đương trở lên) trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các doanh nghiệp nhà nước.

Cùng với các quy định pháp luật về cán bộ, công chức, các quy định về trình tự, thủ tục bổ nhiệm cán bộ là khung pháp lý quan trọng nhằm đảm bảo cho những cán bộ được “chọn mặt gửi vàng” vào các vị trí lãnh đạo tại cơ quan, đơn vị có đủ năng lực, uy tín, trách nhiệm để đảm nhận nhiệm vụ. Và để quy trình này đạt hiệu quả, cần bắt đầu ngay từ khâu lựa chọn nhân sự với sự khách quan, công tâm, “vì việc tìm người” chứ không thể lựa chọn theo những chỉ tiêu hay thứ tự “ngầm” như dư luận vẫn “đồn thổi” (hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, trí tuệ).

Nhưng thực tế, vẫn còn rất nhiều quyết định bổ nhiệm “vị người nhà”, “vị thân quen”, cả “vị tiền tệ” bởi khi đoàn thanh tra “sờ” đến phát hiện ra cán bộ quản lý, lãnh đạo được bổ nhiệm đó còn thiếu những tiêu chuẩn, điều kiện cơ bản về chuyên môn, năng lực dù có không ít trường hợp được khẳng định “đúng quy trình”.

Đơn cử trường hợp tại huyện Hiệp Đức (tỉnh Quảng Nam), ngoài ông Lê Hoàng Việt - Phó Giám đốc Chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất huyện (con trai nguyên Phó Bí thư Huyện ủy), 4 trường hợp khác tại huyện này được bổ nhiệm trái quy định đã bị thu hồi quyết định, trở lại làm chuyên viên. Ông Lê Hoàng Việt được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện không đúng quy định của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam khi ông Việt mới có bằng Trung cấp quản lý đất đai, chứng chỉ Sơ cấp lý luận chính trị và chưa được đào tạo, bồi dưỡng ngạch chuyên viên.

Ở Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở đã ký quyết định thu hồi quyết định bổ nhiệm công chức lãnh đạo đối với ông Sầm Đỗ Dũng (32 tuổi, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, con trai một Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh này đã nghỉ hưu) do chưa đáp ứng đủ các điều kiện về bổ nhiệm.

Thực hiện kết luận của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) TƯ, tỉnh Gia Lai vừa có các hình thức xử lý việc bổ nhiệm trái quy định 3 người thân của ông Phạm Thế Dũng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai. Trong đó, cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đã hủy quyết định bổ nhiệm chức vụ Chánh Thanh tra Sở Nội vụ đối với ông Phạm Trần Anh (con trai ông Phạm Thế Dũng). Ông Phạm Trần Anh trở lại giữ chức vụ Phó Chánh thanh tra Sở Nội vụ. Trong khi bà Trần Thị Lý (em gái cùng cha khác mẹ với ông Dũng) - Phó trưởng ban Dân tộc đã thôi việc, thì ông Phạm Đức Mạnh (chồng bà Trần Thị Lý), từ nhân viên lái xe trở thành Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, đã bị cách chức, trở thành nhân viên bình thường.

Ban Thường vụ Huyện ủy Đầm Dơi (Cà Mau) đã quyết định thu hồi quyết định bổ nhiệm Phó Văn phòng Huyện ủy đối với ông Bùi Việt Khanh để thực hiện theo kết luận của UBKT Tỉnh ủy Cà Mau. Theo kết luận của UBKT Tỉnh ủy Cà Mau, quy trình bổ nhiệm ông Khanh (vào tháng 6/2013) làm Phó Văn phòng Huyện ủy Đầm Dơi chưa đảm bảo điều kiện theo quy định. Khi đó, ông Khanh đang là nhân viên hợp đồng (tài xế lái xe) và theo Nghị định 68 thì ông Khanh chưa phải là công chức. Đặc biệt, khi bổ nhiệm ông Khanh cũng chưa có bằng đại học. 

Mới đây nhất, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã phải ký quyết định “Thu hồi, hủy bỏ các quyết định về công tác cán bộ đối với ông Lê Phước Hoài Bảo”, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam. Ông Bảo là con trai ông Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Ông Lê Phước Hoài Bảo được cho là bổ nhiệm “thần tốc”, trở thành Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam khi mới 30 tuổi.

Ngay ở TƯ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bộ Công Thương cũng đã phải thu hồi nhiều quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm liên quan đến ông Vũ Quang Hải - nguyên Trưởng phòng, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (con trai ông Vũ Huy Hoàng – nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương). Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội tháng 10/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: “Ngay từ giai đoạn kiểm tra (việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải – PV) đầu tiên chúng tôi đã xác định được những vi phạm, sai phạm đã có”.

Năm 2017, Bộ Nội vụ kiểm tra và phát hiện 11 địa phương bổ nhiệm người nhà làm quan. Qua thanh tra trực tiếp, Bộ phát hiện một số trường hợp, chủ yếu là lãnh đạo cấp phòng thuộc sở hoặc UBND cấp huyện thiếu điều kiện tiêu chuẩn như ngoại ngữ, tin học, quản lý nhà nước.

“Hầu hết các tỉnh đã quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn. Trong quá trình kiểm tra chỉ còn một số trường hợp có quá trình bổ nhiệm từ trước đây chưa được thanh tra, kiểm tra hoặc chưa có cơ quan nào kiến nghị, nhắc nhở nên còn thiếu một số điều kiện, tiêu chuẩn. Có trường hợp các cơ quan do yêu cầu công tác, thực hiện chưa được nghiêm. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp đặc thù được bổ nhiệm trước đây” - Phó Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương cho hay.

Điều đáng nói là rất nhiều trường hợp “núp bóng quy trình” để hợp thức hóa những quyết định bổ nhiệm có sai phạm. Hành vi này được coi là “tham nhũng quyền lực” nhưng việc xử lý vẫn còn nương nhẹ.

Một trong những nguyên tắc bổ nhiệm cán bộ quản lý, lãnh đạo là “thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu (sau đây gọi là Thủ trưởng) cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật”. Nhưng thực tế nguyên tắc này đã được bỏ qua ở rất nhiều trường hợp bổ nhiệm (như đã nêu ở trên) hoặc được hợp thức hóa bằng chính những quy trình vốn được ban hành để đảm bảo cho việc bổ nhiệm “đúng người đúng việc”. 

Tuyển chặt sẽ không “lọt” cán bộ quản lý thiếu tiêu chuẩn

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn từng chỉ rõ trong bài viết trên báo điện tử xaydungdang.org, một trong những tồn tại trong việc tuyển chọn để bổ nhiệm là chưa thực sự chú trọng vào trình độ, năng lực và các tố chất, phẩm chất lãnh đạo, quản lý cần có. Việc áp dụng quy định của Đảng, Nhà nước vào tình hình cụ thể của từng cơ quan, đơn vị có phần cứng nhắc, máy móc, bị động, còn coi trọng văn bằng, chứng chỉ trong xem xét, đánh giá cán bộ, chưa gắn với thực tiễn, với thành tích đạt được, với hiệu quả công việc; việc nhận xét, đánh giá cán bộ còn nể nang, né tránh dẫn đến nhiều hạn chế trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Người được bỏ phiếu tín nhiệm không được trực tiếp đối thoại hoặc lắng nghe từ người được đề cử, giới thiệu làm quy trình bổ nhiệm, qua đó đánh giá một cách xác thực, chính xác hơn phẩm chất, trình độ, năng lực của người dự tuyển trước khi bỏ phiếu tín nhiệm.

Khi quyết định việc giới thiệu hay không giới thiệu cán bộ để bổ nhiệm hay ứng cử, nhiều cấp ủy viên không nắm được đầy đủ năng lực, trình độ của ứng viên trước khi bỏ phiếu. Việc quyết định chủ yếu phụ thuộc vào đề xuất, giới thiệu của cơ quan tham mưu (là ban tổ chức của cấp ủy), do đó, không phát huy được trí tuệ và trách nhiệm của từng cấp ủy đối với công tác tuyển chọn. Việc bổ nhiệm lại phải thông qua công đoạn lấy phiếu tín nhiệm, dẫn đến hệ quả làm thui chột bản lĩnh của người lãnh đạo, quản lý, không dám phê bình, không dám đấu tranh trong quá trình điều hành, lãnh đạo đơn vị chỉ vì một lý do: sợ phiếu thấp...

Như vậy, quan tâm đến khâu tuyển chọn chính là tiền đề cho cả quy trình bổ nhiệm được khách quan, đúng và đủ, phải làm rất chặt chẽ, phải có sự lựa chọn sàng lọc trong số những người ưu tú để chọn ra người ưu tú chứ không phải thực hiện đúng quy trình nhưng loại hết người ưu tú ra, giữ lại  người thuộc loại khiêm tốn về trình độ, năng lực  kém về phẩm chất để đưa vào quy trình.

Ông Lê Như Tiến – nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng: “Đây cũng là trách nhiệm của các cơ quan làm tổ chức, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu. Bởi vì người đứng đầu mà thao túng quyền lực rồi lại cho người thân hoặc gia đình của ông ta vào thì không bao giờ khách quan, trung thực và minh bạch được. Mà người đứng đầu lũng đoạn thì cấp dưới khó có thể làm khác được”.

Nhiều giải pháp đã được các chuyên gia đưa ra, trong đó đều nhấn mạnh đến các yếu tố đảm bảo minh bạch, công khai trong công tác tuyển dụng bắt đầu từ việc lựa chọn những người thực sự xứng đáng, tiêu biểu để đưa vào  đầu vào của quy trình, không để các tiêu chí 5C “con cháu các cụ cả” hay “tiền tệ - quan hệ - đồ đệ - ngoại lệ - trí tuệ” chi phối công tác lựa chọn cán bộ. Đồng thời phải liên tục giám sát, rà soát công tác bổ nhiệm cán bộ ở các cấp, ngành, lĩnh vực để chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót, không để tình trạng “bổ nhiệm xong thu hồi” làm ảnh hưởng đến uy tín của đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng và bộ máy nhà nước nói chung như những trường hợp đã dẫn. 

Đọc thêm

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW về sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Việt Nam đóng góp tích cực thúc đẩy chủ nghĩa đa phương

Việt Nam đóng góp tích cực thúc đẩy chủ nghĩa đa phương
Nhà báo Oliveira khẳng định chuyến thăm tới Brazil lần thứ hai của Thủ tướng Phạm Minh Chính cho thấy Việt Nam rất coi trọng các cuộc họp đa phương trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay, khi các nước đang phát triển nỗ lực thúc đẩy đoàn kết và hợp tác để tiếp tục phát triển, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền của mỗi quốc gia và góp phần xây dựng một thế giới ngày càng công bằng hơn...

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Chương trình 'Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024'

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Chương trình 'Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024'
Tối 15/11, tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024” - Tôn vinh các điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại Chương trình.

Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Kỳ 2: Tháo gỡ 'điểm nghẽn', khơi thông nguồn lực​

Phát biểu tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, QH khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh yêu cầu chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo. (Ảnh: CTTĐTQH)
(PLVN) -   Đổi mới tư duy, quan điểm, quy trình xây dựng pháp luật là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn”, tạo đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, huy động và khơi thông mọi nguồn lực để đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam sẽ mở nhiều cơ hội mới cho cả doanh nghiệp trong nước và quốc tế

Phát biểu của Chủ tịch nước Lương Cường tại Hội nghị đã nhận được sự hưởng ứng, đánh giá cao của các Lãnh đạo APEC và cộng đồng doanh nghiệp. (Ảnh: Tuấn Anh/Báo Quốc tế)
(PLVN) - Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định, sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho cả doanh nghiệp trong nước và quốc tế trên các lĩnh vực. Thị trường Việt Nam đã, đang và sẽ mang đến nhiều lợi ích, ưu thế mà không mấy nơi có được cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tạo đột phá về thể chế để phát triển ngành giáo dục

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu năm 2024 nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hướng tới kỷ nguyên mới, giáo dục tiếp tục là quốc sách hàng đầu, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà phải quyết liệt đổi mới căn bản và toàn diện hơn nữa, tạo sự đột phá về thể chế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để phát triển ngành giáo dục.

Phải tiến hành đồng thời, thắng lợi quá trình 'đột phá kép'

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Công tác cán bộ, tổ chức bộ máy, xây dựng, hoàn thiện thể chế... là những vấn đề được các chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận tại Hội thảo khoa học quốc gia: “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, do Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức sáng nay (15/11), tại Hà Nội.

Cân nhắc bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng 15/11. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)
(PLVN) - Về đề xuất bổ sung cựu Công an nhân dân vào đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, trong quá trình thực hiện việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế chưa có điều kiện đánh giá kỹ tác động về đối tượng này. Do đó, việc bổ sung đối tượng này sẽ được thực hiện khi sửa đổi toàn diện Luật Bảo hiểm y tế.

'Chìa khóa' để Việt Nam vươn mình, bứt phá vào kỷ nguyên mới

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Vân Anh
(PLVN) - Sáng nay (15/11), tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.