Theo Báo cáo về tổ chức, hoạt động và một số vấn đề lớn trong xây dựng dự thảo Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm – Bộ Tư pháp cho biết, đã chủ động phối hợp với Tổ biên tập, một số cơ quan, tổ chức, chuyên gia để triển khai xây dựng Dự thảo Nghị định theo đúng tinh thần của các chính sách đã được thông qua về xác định bên bảo đảm, thực hiện giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm.
Để xây dựng, hoàn thiện từng bước Dự thảo Nghị định, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã tổ chức 3 cuộc họp Tổ biên tập mở rộng để lấy ý kiến của thành viên Tổ biên tập, chuyên gia, đại diện của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Trên cơ sở triển khai các chính sách xây dựng Dự thảo Nghị định và trên cơ sở ý kiến của các thành viên Tổ biên tập, chuyên gia… Tổ biên tập đã đưa ra 4 vấn đề lớn để xin ý kiến.
Cụ thể, về việc cá nhân, tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng nhận thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất. Có ý kiến cho rằng Nghị định cần hướng dẫn cơ chế pháp lý áp dụng quy định về quyền của cá nhân, tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng theo tinh thần của Luật đất đai, Luật nhà ở trong việc nhận thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất. Ý kiến khác cho rằng không quy định vấn đề này vào trong Dự thảo Nghị định.
Về bảo vệ bên nhận đảm bảo ngay tình trong trường hợp tài sản bảo đảm trở thành vật chứng, tang vật hoặc bị kê biên trong giải quyết vụ việc về xử lý vi phạm hành chính, tố tụng hoặc thi hành án; Về cầm cố bất động sản và về quyền của bên nhận bảo đảm trong tiếp cận trực tiếp, chi phối trực tiếp tài sản bảo đảm, quá trình họp bàn, đa số các đại biểu đều nhất trí với ý kiến trong báo cáo. “Tôi rất hoan nghênh tinh thần làm việc của Tổ biên tập. Với tinh thần làm việc này, chúng ta sẽ sớm trình Chính phủ”, một đại biểu nói. Trước đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ bản đồng tình với ý kiến trong báo cáo.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết qua các ý kiến, cơ bản Ban soạn thảo đồng tình. Về biên nhận bảo đảm ngay tình, trong trường hợp này bảo đảm trở thành vật chứng, tang vật hoặc bị kê biên trong giải quyết vụ việc về xử lý vi phạm hành chính, tố tụng hoặc thi hành án. Vấn đề này Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng đây là vấn đề khó. Theo Thứ trưởng Ngọc, nêu vấn đề như vậy là có sự xung đột giữa quyền lợi công và quyền lợi tư. Do đó, Thứ trưởng đề nghị tổ biên tập nghiên cứu kỹ hơn với nguyên tắc không cản trở hoạt động tố tụng bình thường…
Về cầm cố bất động sản, qua các ý kiến đã nêu, Thứ trưởng đề nghị Tổ biên tập khuôn hẹp lại phạm vi. “Vấn đề về quyền của bên nhận bảo đảm trong tiếp cận trực tiếp, chi phối trực tiếp tài sản bảo đảm, đây là vấn đề khó”, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nói. Và theo Thứ trưởng, nếu như không có được vấn đề này, vấn đề bảo đảm gần như tồn tại trên giấy. Điều này không có nghĩa trao quyền cho tất cả các bên nhận bảo đảm để có thể hành xử, như vậy rất rối loạn. Do đó, Thứ trưởng đề nghị nghiên cứu kỹ vấn đề này, tiếp cận từ góc độ quyền truy đòi, tiếp cận tài sản. Từ đó phát triển ra thực tế, điều này đã quy định rõ trong Bộ Luật dân sự. Theo Thứ trưởng, trong mọi trường hợp không được cưỡng chế, tác động vượt quá khuôn khổ pháp luật cho phép. “Các thỏa thuận các bên phải được tôn trọng”, Thứ trưởng Ngọc nói.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cũng đánh giá cao sự nghiên cứu của tổ biên tập, cần cố gắng làm sao để Nghị định đi vào thực tế, tháo gỡ được những vấn đề bất cập của thực tiễn.