Xu hướng tất yếu
Với chủ đề “Mobile Payment – Nhân tố thúc đẩy nền kinh tế không tiền mặt”, Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam (VEPF) 2017 do VnExpress và CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức, với sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước đã diễn ra ngày hôm qua, 6/11 tại Hà Nội.
Thay vì mang theo ví hay thẻ ngân hàng, giờ đây với chiếc điện thoại thông minh, khách hàng có thể mua sắm bất cứ sản phẩm thông quan nền tảng Mobile Banking của ngân hàng. Ngay tại Diễn đàn, đại biểu tham dự cũng được trải nghiệm phương thức thanh toán mới từ Samsungpay cũng như dịch vụ thanh toán di động của BIDV, Vietinbank.
Ông Nguyễn Quang Hiền Huy - Phó TGĐ, Giám đốc Điều hành ngành hàng Thiết bị Di động Công ty Điện tử Samsung Vina khẳng định, thanh toán di động đang rất phổ biến và thịnh hành tại nhiều quốc gia trên thế giới, và đây sẽ là xu thế tất yếu. “Riêng với Samsung Pay từ khi được giới thiệu năm 2015 hiện đã được triển khai tại 19 thị trường trên thế giới, trong đó có Việt Nam”, ông Huy cho hay.
Về phía ngân hàng, ông Trần Công Quỳnh Lân – Phó TGĐ VietinBank cho rằng, việc chuyển dịch từ Internet banking sang Mobile banking được xem là bước đột phá giúp cho các ngân hàng đưa các sản phẩm dịch vụ tới gần hơn với khách hàng. Theo ông Lân, tại Việt Nam tiềm năng thanh toán qua QR code cũng là rất lớn khi dân số trẻ, thích ứng nhanh với công nghệ và đặc biệt quá nửa dân số Việt Nam đang sử dụng smartphone. Từ đầu năm 2017 tới hết tháng 9/2017, thanh toán qua QR code tăng trưởng 120%, số lượng các điểm giao dịch chấp nhận thanh toán QR code tăng lên tới gần 5.000 điểm. Dự báo đến hết năm 2018 số lượng này là 50.000 điểm và hiện đã có tới 12 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán QR code.
Đại biểu tham dự được trải nghiệm phương thức thanh toán mới từ Samsungpay |
Cơ hội vẫn còn phía trước…
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Jack Ma, Chủ tịch Tập đoàn Alibaba cho biết, khi bắt tay vào làm Alibaba ông và các cộng sự không có bất cứ nguồn lực nào, kể cả quan hệ với ngân hàng mà chỉ cố niềm tin, làm từ bây giờ để 10 năm nữa sẽ thành công…
“Cách đây 14 năm khi tôi có ý tưởng Alipay có người nói Jack ơi sao mà làm được vì Trung Quốc không có thẻ tín dụng, khó lắm, họ phải xem tận mắt mới mua được. Khi đó tôi nói với các đồng sự, nếu Ali Pay thất bại tớ sẽ đi tù đầu tiên. Tớ mà đi tù thì cậu thứ 2 tiếp bước tớ, cậu thứ 2 đi tù thì cậu thứ 3 tiếp bước... Khi chúng ta muốn giải quyết vấn đề thì luôn luôn có con đường, luôn luôn có cách thức, còn nếu không muốn làm thì cũng có cả triệu lý do để không làm”- ông Jack Ma chia sẻ.
Chủ tịch Tập đoàn Alibaba cũng cho rằng bối cảnh hiện nay của Việt Nam khác bối cảnh của Alibaba rất nhiều. “Ở Việt Nam, chúng tôi nghĩ mọi việc đều đang rất khả quan, hứa hẹn, nên cần động viên để các DN làm được”- ông Jack Ma khuyến nghị.
Chủ tịch Tập đoàn Alibaba cũng lưu ý, thế giới đang tiến tới phi tiền mặt, công nghệ thông tin sẽ gặp nhiều thách thức trong tương lai. Do đó, các ngân hàng muốn phát triển thì cần phải hợp tác với các công ty công nghệ. Và khi đó thì các bên “đều vui và đều thắng”.
“Thực tế, cơ hội lớn lao vẫn còn cho tất cả mọi người. Đừng cố gắng trở thành Alibaba hay AliPay bởi lớn lên rồi thì tôi gặp phải những vấn đề chưa từng gặp phải. Sự khổng lồ vẫn còn triển vọng cho 30 năm tới, thời đại internet mới chỉ vừa bắt đầu mà thôi. Và Chính phủ các nước cần quan tâm tới 30 năm tới, giới trẻ dưới 30 tuổi, DN có dưới 30 nhân công…”- Chủ tịch Alibaba đưa ra lời khuyên.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Chủ tịch Tập đoàn Alibaba |
Chính phủ hậu thuẫn
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thanh toán di động đã đem lại cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, với chi phí phải chăng cho hàng trăm triệu người thu nhập thấp. Sự xuất hiện của mobile payment đã giúp cộng đồng thu nhập thấp tham gia và có cơ hội hưởng lợi trực tiếp từ những thành quả của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
“Tại Việt Nam, hàng loạt doanh nghiệp trong các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, các công ty khởi nghiệp tài chính điện tử (Fintech) cũng bắt đầu cung cấp dịch vụ đến các vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp và tiếp cận với một số lượng lớn người lao động, bình thường vốn ít có điều kiện tiếp xúc với các dịch vụ tài chính truyền thống. Tôi tin tưởng rằng, thanh toán di động sẽ nhanh chóng bùng nổ và phổ cập ở Việt Nam như chúng ta đã làm được với điện thoại di động hơn 10 năm trước”- Phó Thủ tướng kỳ vọng.
Với lợi thế của nước đi sau, với một đất nước đang phát triển như Việt Nam, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yếu tố nhanh và phổ cập là vô cùng quan trọng. “Nhanh để đất nước không bị tụt hậu, phổ cập để không ai bị bỏ lại phía sau. Một cộng đồng DN khát vọng và sáng tạo sẽ làm được điều này”, ông nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó , Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã có nhiều quyết sách, đề án để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán di động nói riêng. “Chính phủ cam kết sẽ tạo thuận lợi và thúc đẩy xu hướng thanh toán di động tại Việt Nam”- Phó Thủ tướng khẳng định…