Doanh nghiệp fintech: Không thể “mất bò mới lo làm chuồng”

(PLO) - Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, lĩnh vực fintech (công nghệ trong tài chính) đã du nhập và đang phát triển mạnh mẽ ở nước ta. Cùng với các cty fintech Việt ngày càng định hình rõ ràng, thì các cty fintech quốc tế cũng đang lăm le chia chác thị trường Việt Nam đầy tiềm năng. Đã đến lúc cần có ngay hành lang pháp lý để điều chỉnh lĩnh vực fintech, không thể để đến lúc “mất bò mới lo làm chuồng”.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khoảng 50 DN fintech đang “dò đường” 

Là viết tắt của từ financial technology (công nghệ trong tài chính), fintech được sử dụng chung cho tất cả các Cty sử dụng internet, điện thoại di động, công nghệ điện toán đám mây và các phần mềm mã nguồn mở nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của hoạt động ngân hàng và đầu tư.

Trên thị trường Việt Nam, một số các đơn vị fintech đã được khách hàng quen tên như: VnPay (Cty CP Giải pháp thanh toán Việt Nam), NAPAS (CP Thanh toán quốc gia), PayOO (Cty CP Dịch vụ trực tuyến cộng đồng Việt - VietUnion), BankPlus - ứng dụng điện tử cho giải pháp thanh toán và giao dịch ngân hàng trực tuyến của Viettel, Momo - ví điện tử, sản phẩm của Cty CP Dịch vụ di động trực tuyến  M Service, ví điện tử ZaloPay, Moca - ứng dụng thanh toán trên điện thoại di động thông minh, khai thác nhóm khách hàng sử dụng thẻ ghi nợ nội địa và quốc tế từ các ngân hàng hợp tác...

Việc các Cty công nghệ bắt đầu dấn thân vào thị trường cung cấp dịch vụ tài chính, vốn thuần túy là của riêng ngân hàng, để cung cấp sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ, là xu thế của thị trường hiện tại. Tại Việt Nam cũng đã có khoảng 50 Cty fintech cung cấp các sản phẩm công nghệ phục vụ các hoạt động thanh toán, cho vay, Blockchain, kêu gọi vốn cộng đồng, tài chính cá nhân và các công cụ phân tích, quản lý dữ liệu..., trong đó, hoạt động thanh toán vẫn là chủ yếu. 

Một trong những điểm nổi bật của fintech là khả năng tăng cường tiếp cận dịch vụ tài chính cho khách hàng, mang dịch vụ tài chính đến gần hơn tới những đối tượng vùng sâu, vùng xa chưa có khả năng tiếp cận hoặc chưa được ngân hàng phục vụ, nhờ vào tính đột phá và sự đổi mới của công nghệ như thanh toán di động, cho vay ngang hàng, góp phần rất lớn trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững.

Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ sáng tạo trong lĩnh vực fintech mang lại hiệu quả cao hơn trong các hoạt động tài chính, đặc biệt đối với các dịch vụ tài chính như tư vấn, cho vay, nhận diện khách hàng, an toàn bảo mật…, góp phần nâng cao hiệu quả tổng thể trong hệ thống tài chính và nền kinh tế.

Theo dự đoán của các chuyên gia, thời gian tới đây, lĩnh vực fintech ở Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ. Thế nhưng, hiện nay, khuôn khổ pháp lý cho fintech ở Việt Nam mới chỉ đáp ứng cho lĩnh vực thanh toán, các nhánh hoạt động khác của fintech chưa có khung pháp lý điều chỉnh, do vậy hoạt động của các DN fintech hiện tại đang diễn ra “tự phát” mà không có sự can thiệp hay quản lý từ các cơ quan chức năng (ví dụ như việc kinh doanh các sàn giao dịch tiền ảo, cung ứng ví tiền ảo…).

Mảnh đất màu mỡ của nhà đầu tư nước ngoài

Cũng giống như du lịch, thị trường thanh toán điện tử, thị trường fintech Việt Nam đang vô cùng tiềm năng. Theo các báo cáo của Liên Hợp quốc và Banknet, thị trường Việt Nam có tới 35 tỷ USD với những khoản chuyển tiền nhỏ hơn 5 triệu đồng/năm, và đây thực sự là mảnh đất màu mỡ của fintech.

Hiện nhiều đại gia công nghệ cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Ali Pay, Wechat Pay (Trung Quốc), Google Payment, Grab Pay… đang tìm mọi cách vào Việt Nam để “chia phần”. Và nhiều thông tin cho rằng, trong chuyến đi tới Việt Nam dự Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2017 vào đầu tháng 11 này, tỷ phú Jack Ma - Chủ tịch điều hành Tập đoàn Alibaba, đơn vị chủ của Alipay - dịch vụ thanh toán di động chiếm tới 53,7% thị phần thanh toán di động ở Trung Quốc, chắc chắn sẽ “ngắm nghía” cẩn thận thị trường Việt Nam.

“Thực tế, các công ty fintech không hề thiếu vốn đầu tư, bởi một khi ý tưởng đủ hấp dẫn, lượng vốn họ kêu gọi được là rất lớn. Chẳng hạn với Uber, họ kêu gọi được số vốn đầu tư rất lớn và sẵn sàng chấp nhận chịu lỗ trong những năm đầu hoạt động để đạt mục tiêu thâu tóm thị trường” – ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc VietinBank, chia sẻ.

Tuy nhiên, đến nay chưa có quy định về giới hạn mức trần cho nhà trung gian thanh toán nước ngoài khi đầu tư vào các DN thanh toán Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động fintech ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cân nhắc quy định mức trần phù hợp cho nhà đầu tư nước ngoài vào DN thanh toán Việt. Theo dõi các quy định đầu tư liên quan đến ngân hàng, chứng khoán, các chuyên gia cho rằng, mức trần đó không thể quá 30%.

Xây dựng khung pháp lý rõ ràng, minh bạch 

Bên cạnh những cơ hội mà fintech mang lại cho thị trường tài chính, sự phát triển của lĩnh vực này cũng đặt ra không ít thách thức cho các cơ quan quản lý. Ngoài việc còn thiếu hụt quy định pháp luật như đã nói ở trên, thì hoạt động của fintech là đổi mới, sáng tạo nên việc xây dựng, ban hành các quy định pháp lý có xu hướng chậm hơn so với sự vận động của thị trường. Bởi vậy, việc thiếu chắc chắn về trách nhiệm pháp lý đối với những tổn thất mà fintech gây ra có thể làm tổn hại về niềm tin vào hệ thống tài chính.

Nhận thức được tầm quan trọng của fintech và tương lai phát triển của lĩnh vực này ở Việt Nam, cùng với chủ trương hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp theo Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ, tháng 3/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo về lĩnh vực fintech, với mục tiêu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cũng như tạo một hệ sinh thái lành mạnh cho các Cty fintech cung ứng các dịch vụ, giải pháp trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam.

Trao đổi với báo chí, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, trong thời gian tới, với định hướng của Ngân hàng Nhà nước, khuôn khổ pháp lý sẽ được sửa đổi, bổ sung một cách rõ ràng và minh bạch cho hoạt động của các Cty fintech. Bên cạnh fintech trong lĩnh vực thanh toán (chiếm khoảng 60% các Cty Fintech hoạt động tại Việt Nam) đã hoạt động ổn định, những lĩnh vực fintech mới (như huy động và cho vay ngang hàng, tài chính cá nhân, hỗ trợ định danh khách hàng điện tử…) cũng sẽ phát triển khi khung pháp lý điều chỉnh cho các hoạt động này được hoàn thiện. 

Còn nhiều DN bày tỏ, fintech quốc tế với điều kiện tốt về kỹ thuật, vốn, và được hỗ trợ về chính sách phát triển đang “tiến quân” mạnh mẽ vào Việt Nam, vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế tạo điều kiện tối đa về chính sách, pháp luật, cho phép áp dụng cơ chế tiên tiến để fintech Việt Nam có thể kịp thời bắt kịp sự phát triển của fintech thế giới.

* Ông Trần Công Quỳnh Lân -  Phó tổng giám đốc VietinBank:

Để đối mặt với công ty fintech nước ngoài, phải có hành lang pháp lý vững chắc và cty fintech đủ mạnh

Hãy tưởng tượng, WeChat hoặc Alibaba, thậm chí cả hai, rót vài chục triệu USD vào thị trường tài chính Việt Nam, chấp nhận bù lỗ để đưa ra các chương trình khuyến mại hấp dẫn, thậm chí sẵn sàng không thu phí tất cả các dịch vụ về thanh toán trong 2 - 3 năm đầu thâm nhập… Khi đó, hoạt động thanh toán tại  Việt Nam sẽ ra sao? Số tiền 10 triệu hay 100 triệu USD đối với WeChat hay Alibaba không phải vấn đề lớn để các công ty này thâu tóm thị phần Việt.

Theo tôi, để đối mặt với vấn đề này, chúng ta cần thực hiện hai việc. Thứ nhất, cơ quan quản lý cần tạo hành lang pháp lý vững chắc. Thứ hai, Việt Nam cần có công ty fintech đủ mạnh, tầm cỡ quốc gia để tạo thành đối trọng.

* Bà Trương Cẩm Thanh - Giám đốc Cty TNHH Zion (đơn vị Trung gian thanh toán với sản phẩm là cổng thanh toán 123Pay và Ví điện tử Zalo Pay): 

Phải kịp thời có hàng rào kỹ thuật và hành lang pháp luật

Một điểm đáng chú ý là làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào các công ty fintech ở Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng, cũng như sự gia nhập thị trường Việt Nam của các công ty fintech nước ngoài khi họ nhận thấy tiềm năng của thị trường. 

Tuy nhiên, nếu không kịp thời có hàng rào kỹ thuật và hành lang pháp luật để quản lý hiệu quả, khi các công ty fintech ngoại tiến vào Việt Nam, DN nội có khả năng đối mặt như thế nào? Chúng ta không thể trì hoãn nữa, không thể để “mất bò mới lo làm chuồng”.

Ảnh minh hoạ

Luật Đất đai (sửa đổi): Bảng giá đất mới áp dụng từ ngày 1/1/2026, được điều chỉnh hằng năm

(PLVN) - Theo Luật đất đai (sửa đổi), bảng giá đất lần đầu sẽ được công bố và áp dụng từ ngày 1/1/2026, được điều chỉnh, sửa đổi bổ sung từ ngày 1/1 của năm tiếp theo. Việc xây dựng bảng giá đất theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất...
Khu công nghiệp Hòa Phú thu hút nhiều nhà đầu tư. (Ảnh: Nguyễn Tuấn)

Giải phóng mặt bằng thực hiện khu công nghiệp Hòa Phú (Bắc Giang): Chủ tịch UBND chỉ đạo thực hiện công khai, minh bạch

(PLVN) - Trao đổi với PV Báo Pháp luật Việt Nam, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, mới đây đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), bảo đảm trong quý 1/2024 hoàn thành GPMB toàn bộ diện tích Khu công nghiệp (KCN) Hòa Phú, KCN Hòa Phú mở rộng giai đoạn 1 (GĐ1).
Luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn - Công ty Luật E&D, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Luật Kinh doanh Bất động sản 2023: Siết tình trạng phân lô bán nền, ngăn chặn “dự án ma”, bảo đảm quyền lợi cho người mua, thuê mua bất động sản

(PLVN) - Luật Kinh doanh bất động sản 2023 vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản, bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho cả khách hàng lẫn chủ đầu tư, đặc biệt là người mua, thuê mua bất động sản.
Những điểm mới nhân văn, có lợi cho người dân của Luật Nhà ở 2023 sắp có hiệu lực

Những điểm mới nhân văn, có lợi cho người dân của Luật Nhà ở 2023 sắp có hiệu lực

(PLVN) - Luật Nhà ở 2023 được thông qua lần này được dư luận đánh giá là có nhiều nội dung thay đổi có lợi cho người dân. Vậy cụ thể đó là những nội dung nổi bật nào? Phóng viên Báo PLVN có cuộc trao đổi với Luật sư Vũ Thị Thu Hường - Giám đốc điều hành Công ty Luật E&D, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.