Theo báo cáo của Cục thi hành án dân sự thành phố, về việc đã thụ lý tổng số 79.177 việc, giảm 2.676 việc (3,27%) so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, có 54.681 việc có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 69,57%) thì đã giải quyết xong 26.515 việc, đạt tỷ lệ 48,49% (so với chỉ tiêu được Tổng cục giao, vượt tiến độ 11,99%).
Về tiền, tổng số tiền thụ lý hơn 58 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 3,6 nghìn tỷ đồng (5,90%) so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, có gần 25,6 nghìn tỷ đồng có điều kiện giải quyết thì đã giải quyết xong hơn 5,4 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 21,25% (so với chỉ tiêu Tổng cục giao, vượt tiến độ 4,75 %).
Về kết quả thi hành án hành chính, tổng số bản án hành chính đang theo dõi 54 bản án, trong đó năm trước chuyển sang 39 bản án, thụ lý mới 15 bản án. Tòa án đã ra quyết định buộc thi hành án hành chính là 16 quyết định. Đã thi hành xong 05 bản án (đạt tỷ lệ 9,25%), số vụ việc còn đang theo dõi 49 (90,75%).
Tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo có giảm so với các năm trước, 6 tháng đầu năm giảm 129 việc so với cùng kỳ. Thành phố đã tiếp nhận 27 đơn khiếu nại, tố cáo, đã giải quyết xong 22/24 đơn thuộc thẩm quyền, đạt 91,67%...
Tại buổi giám sát, Cục trưởng Cục thi hành án dân sự thành phố Vũ Quốc Doanh phản ánh một số khó khăn trong công tác thi hành án. Cụ thể, thời gian gần đây, Cục thi hành án dân sự thành phố thụ lý các vụ đại án hình sự kinh tế, tham nhũng có giá trị phải thu đặc biệt lớn, tài sản phải thi hành án ở nhiều địa phương khác nhau, trong khi thực tế yêu cầu phải xử lý xong tài sản của đương sự tại TP HCM mới xác định được các khoản nghĩa vụ còn lại để thực hiện ủy thác.
Điều này một mặt tạo ra khó khăn cho các chấp hành viên trong quá trình xác minh, áp dụng biện pháp bảo đảm, một mặt làm kéo dài thời gian tổ chức thi hành án do phải xử lý xong tài sản tại thành phố rồi mới thực hiện việc ủy thác đi địa phương khác.
Một khó khăn nữa là số việc và tiền thụ lý mới của TP HCM tăng cao trong nhiều năm, nhưng biên chế lại bị cắt giảm. Trong 3 năm gần đây, các cơ quan thi hành án dân sự tại thành phố bị cắt giảm 20 biên chế (số việc chiếm 12,5%, số tiền phải thu chiếm 34% số việc, tiền của cả nước nhưng số biên chế được giao chỉ có 6% của cả nước) nên ít nhiều dẫn đến tình trạng quá tải trong công việc.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, bình quân 1 chấp hành viên phải thụ lý 236 việc với số tiền trên 173 tỷ đồng và bình quân 1 chấp hành viên giải quyết xong 79 việc với số tiền trên 16 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị làm việc còn thiếu (3 Chi cục thi hành án dân sự chưa có trụ sở chính thức; 13/25 đơn vị chưa có kho vật chứng). Những khó khăn này ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của các cơ quan thi hành án dân sự.
Bên cạnh đó, công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính vẫn còn một số hạn chế. Chẳng hạn, lượng án chuyển kỳ sau còn cao, tỷ lệ thi hành án cả số việc và giá trị còn thấp; công tác cán bộ chưa kiện toàn đầy đủ, chưa bổ nhiệm đủ các chức danh chủ chốt.
Mặt khác, hiện nay, số việc thi hành án chưa điều kiện thi hành ngày càng tăng cao (trong 6 tháng đầu năm 2019, số chưa có điều kiện thi hành là 23.912 việc, chiếm tỷ lệ 30,42% với số tiền hơn 30,8 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 54,64%) làm cho lượng án tồn ngày càng tăng cao.
Tại buổi giám sát, các thành viên của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân thành phố đã chất vấn lãnh đạo chủ chốt tập trung vào một số nội dung như việc yêu cầu giải trình, làm rõ một số vấn đề về việc tỷ lệ án hành chính thấp và kết quả thi hành án trọng điểm trong quá trình tổ chức thi hành gặp khó khăn gì dẫn đến nguyên nhân tồn đọng và kết quả thấp; đã có giải pháp để đẩy nhanh việc thi hành án hành chính và án trọng điểm như thế nào; yêu cầu thủ trưởng các đơn vị quan tâm việc thực hiện tổ chức thi hành án vụ việc hình sự liên quan đến kinh tế, tham nhũng.
Phát biểu tại buổi giám sát, Trưởng Ban Pháp chế Trương Lâm Danh ghi nhận và chia sẻ về những khó khăn của cơ quan thi hành án, ghi nhận nỗ lực của các cán bộ trong cơ quan thi hành án dân sự.
Ông đề nghị tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với cán bộ công chức, chấp hành viên trong hoạt động công vụ; tích cực, kịp thời tham mưu cho Ban chỉ đạo thi hành án dân sự những giải pháp cụ thể và có cơ sở; tập trung xác minh, kê biên tài sản thi hành án một cách tích cực và chủ động để đạt hiệu quả cao nhất; khắc phục ngay việc chấp hành viên chậm giao tài sản bán đấu giá, không để tồn đọng nhiều vụ việc chưa thi hành không có lý do…
Đáp từ ý kiến chỉ đạo của Đoàn giám sát, Cục trưởng Vũ Quốc Doanh tiếp thu đầy đủ các ý kiến, các yêu cầu do Đoàn đặt ra, đồng thời cam kết cố gắng thực hiện trách nhiệm của toàn đơn vị, hoàn thành nhiệm vụ chính trị tại địa phương cũng như nhiệm vụ được giao.